image banner
Kinh nghiệm đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái phép ở Lào Cai
Lượt xem: 330

Người Mông ở Lào Cai đã dần nhận ra bộ mặt thật của những kẻ truyền đạo trái phép. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các thế hệ cán bộ đi trước trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái phép.

Bài 1: Nhận diện cái gọi là “đạo Vàng Chứ”

Bài 2: Giúp người “mê” tỉnh ngộ

Thực tế cho thấy, ngay từ thời gian đầu, Đảng bộ tỉnh và cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương xác định “đạo Vàng Chứ” thực chất là chiêu bài của một số đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo để lôi kéo đồng bào Mông, tập hợp lực lượng lập ra cái gọi là “Nhà nước Mông” nhằm chia rẽ sự đoàn kết dân tộc và âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền.

Trước thủ đoạn vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch, bằng những giải pháp cụ thể, “gần dân, sát cơ sở”, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã giúp nhiều gia đình người Mông hiểu được bản chất của “đạo Vàng Chứ” và các đạo giáo hoạt động trái pháp luật khác.

Ông Sần Cháng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn (1985 - 1990) -  nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai (1991 - 2002) nhớ lại: Hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi “đạo Vàng Chứ” đang “sôi sục” thực hiện âm mưu lôi kéo người Mông, những kẻ cầm đầu đã xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch một số chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn giữa người Mông với các dân tộc khác… Tình hình khá căng thẳng, phức tạp. Hồi đó, với tư cách là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi đã đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy tăng cường cán bộ lên các xã vùng cao có đông người Mông sinh sống để nắm chắc tình hình, tuyên truyền, vạch trần những giáo lý mê tín dị đoạn, phản văn hóa… Tại cơ sở, chúng tôi trò chuyện với những người dân theo “đạo Vàng Chứ”, nhưng khi hỏi về hình ảnh thế nào và ân đức của “Vàng Chứ” với người Mông ra sao... thì không ai trả lời được.

Năm 2011, một số người dân ở các xã vùng cao do nhẹ dạ cả tin theo đối tượng truyền đạo trái phép đã bỏ nhà sang huyện Mường Nhé (Điện Biên) để tham gia cái gọi là “Nhà nước Mông”.                                       Ảnh: Tư liệu

Ngay sau đó, chúng tôi đã viết bài vạch trần bộ mặt thật của “đạo Vàng Chứ” rồi dịch ra tiếng Mông chuyển đến từng xã để tuyên truyền xuống tận thôn, bản và tại các chợ phiên. Về sau, nhiều người Mông nhận thức ra đã khẳng định “đạo Vàng Chứ” không phải là đạo hoặc tôn giáo nào cả.

“Điều tôi vui nhất là nhờ kiên trì vận động, đến nay, người Mông trong tỉnh vẫn giữ được phong tục, tập quán tốt của đồng bào” - ông Cháng nói.

Để trực tiếp nghe những người trong cuộc nói về việc mình đã bị lừa theo “đạo Vàng Chứ” và tham gia lập cái gọi là “Nhà nước Mông” (bên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chúng tôi đến thôn Phìn Giàng C., xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) - nơi một thời là “điểm nóng”. Từ đường Thuận Hải (Tỉnh lộ 154), con đường bê tông phẳng lì dẫn đến thôn Phìn Giàng C. Được biết, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, tuyến đường vào thôn dài hơn 3 km đã được xây dựng xong cách đây 3 năm. Hai bên đường đi là những rừng quế ngút tầm mắt, thấp thoáng những căn nhà vườn mới xây rất đẹp.

Chúng tôi ghé vào nhà trưởng thôn để hỏi thăm đến nhà ông Vàng Seo P., người mà vào năm 2011 đã dẫn nhiều hộ trong thôn đi sang Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tham gia “Nhà nước Mông”. Khi hỏi thăm, chúng tôi bất ngờ vì thấy trưởng thôn tủm tỉm cười: Ông P. là bố tôi đấy, đang ở nhà cho đàn trâu ăn, để tôi dẫn các nhà báo đến tận nhà…!

Đến nhà, khi chúng tôi gợi chuyện nói về “đạo Vàng Chứ” và “Nhà nước Mông”, nhấp ngụm trà, ông Vàng Seo P. phá lên cười: Đúng là cái thời nông nổi, chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng tại hồi đó đời sống khó khăn quá, lại không được đọc sách báo, xem ti vi nên khi nó (người lôi kéo ông P. theo “đạo Vàng Chứ” - PV) nói, mình tin ngay. Không chỉ gia đình tôi mà gần 40 hộ trong thôn cũng tin, đi theo, nhất là khi nghe họ nói “Vương chủ” đang ở Mường Nhé thì tất cả các hộ bán trâu, bán ngô, mua xe máy và chuẩn bị tiền kéo nhau sang gặp. . Riêng tôi và mấy người đàn ông khỏe mạnh trong thôn thì nó nói sang đó sẽ được làm chức vụ quan trọng trong chính quyền “Nhà nước Mông”, không phải làm mà chỉ hưởng thụ. Thế là vào một đêm cuối tháng 4/2011, cả thôn bảo nhau lặng lẽ lên xe máy đi Mường Nhé để gặp “vua”.

Sau gần 2 ngày đi đường, đến địa điểm tập kết thì mọi người mới ngã ngửa trước cảnh tượng không như bọn truyền đạo nói. Trên mấy quả đồi ở đó là hàng trăm lán, trại bằng tre, nứa chặt tại chỗ và mái lợp bằng những tấm bạt rách nát. May là các hộ người Mông ở Phìn Giàng C. đi đến đây đều mang theo cả chăn màn, quần áo, đồ dùng tối thiểu nên đêm xuống có cái để đắp. Hôm sau, đi một vòng nhìn cảnh tượng người lớn thì mệt mỏi vì đói, trẻ con thì nheo nhóc, khóc râm ran khắp nơi, ai cũng sợ sệt, lo âu.

Buổi sáng, tôi đến hỏi một người ở căn lều lớn nhất trên đồi thì họ phân công tôi lấy củi về phục vụ nấu ăn. Đang lên đồi lấy củi thì bỗng nhiên thấy máy bay trực thăng của công an và bộ đội bay khắp rừng phát loa yêu cầu người dân giải tán trở về nhà. Sợ quá, tôi vội vàng cùng mọi người đi lấy xe phóng một mạch về Lào Cai.

Thật ra, trên đường trở về nhà ai cũng lo lắng không biết nhà mình có bị phá phách hay không, về có bị chính quyền bắt giữ không, có còn được ở lại quê hay không… Nhưng thật bất ngờ, khi đoàn chúng tôi về đến đầu xã thì được lãnh đạo xã đón về đưa đến tận thôn động viên, thăm hỏi, giúp đỡ thực phẩm ổn định cuộc sống.

Khi nghe cán bộ giải thích về bộ mặt thật của “đạo Vàng Chứ” và bản chất của tà đạo này là âm mưu lợi dụng để tuyên truyền hoạt động lập “Nhà nước Mông”, người dân Phìn Giàng C. đã hiểu rõ và rất căm ghét lũ người dụ dỗ bà con theo “đạo Vàng Chứ”. Ngay sau đó, các gia đình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ “đạo Vàng Chứ”, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, giữ gìn truyền thống, phong tục và bản sắc tốt đẹp của dân tộc Mông.

“Giờ không chỉ ở Cốc Ly mà qua những gì được thấy trên báo, đài, tôi thấy các bản làng người Mông trong tỉnh đã đổi thay, chương trình nông thôn mới giúp đời sống vật chất, tinh thần của bà con ổn định, người Mông đã an tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương mình” - ông Vàng Seo P. nói…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, trật tự, ổn định chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông, nhất là khi “đạo Vàng Chứ” xâm nhập, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm làm công tác vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo… Vì vậy, người dân đã sớm nhận ra bộ mặt thật của những đối tượng truyền đạo trái phép. Từ đó, bà con một lòng theo Đảng, tích cực lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh.

Nguồn LCĐT
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập