image banner
Kinh nghiệm đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái phép ở Lào Cai
Lượt xem: 302
Thực tiễn kinh nghiệm tuyên truyền, đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái phép ở Lào Cai của các thế hệ cán bộ đi trước chính là bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bài 1: Nhận diện cái gọi là “đạo Vàng Chứ”

Bài 2: Giúp người “mê” tỉnh ngộ

Bài cuối: Những kinh nghiệm cần phát huy

Khi tìm hiểu về sự chỉ đạo của cấp ủy đảng trong đấu tranh ngăn chặn việc truyền đạo trái phép trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương những năm 1985 - 1995 của thế kỷ trước, tôi tìm đến những lãnh đạo chủ chốt của địa phương để bổ sung tư liệu sinh động từ thực tiễn. Các cụ giờ đã cao tuổi, nhưng gợi lại một thời 3 cùng “cùng ở, cùng làm, cùng ăn” để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; củng cố cơ sở chính trị, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Mông; lật tẩy những giáo lý mê tín dị đoan, phản văn hóa của “đạo Vàng Chứ” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Quan tâm gìn giữ bản sắc dân tộc góp, phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh sẽ góp phần đẩy lùi những hoạt động tôn giáo trái phép.

Khi được hỏi về thực tế chỉ đạo công tác tuyên truyền chống “đạo Vàng Chứ”, tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Trần Văn Luân, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Hà (trước năm 1990), sau ngày tái lập tỉnh Lào Cai làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, người gần suốt cuộc đời công tác ở vùng cao, vùng đồng bào Mông Bắc Hà, Si Ma Cai vẫn nhớ như in: Khi đó huyện Bắc Hà có 31 xã thì 23 xã có đông đồng bào người Mông bị lôi cuốn theo “đạo Vàng Chứ”. Nguyên nhân là thời kỳ đó, do huyện ở xa trung tâm tỉnh Hoàng Liên Sơn nên việc củng cố tổ chức đảng và hệ thống chính trị để thực hiện chủ trương định canh, định cư, ổn định đời sống đồng bào vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, những khó khăn chồng chất quá sức với cấp ủy đảng, chính quyền huyện và cơ sở là cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá, đặc biệt là việc tuyên truyền, lôi kéo đồng bào theo “đạo Vàng Chứ”. Rất may, sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, chủ trương định canh, định cư của Đảng như luồng sinh khí mới trong đồng bào vùng cao, các địa phương vùng cao vẫn vững vàng trong xây dựng “Pháo đài biên giới”.

Sau khi phát hiện những bất cập, yếu kém của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là sau khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời có những giải pháp đúng, đó là tăng cường cán bộ tỉnh, huyện xuống cơ sở “bắt tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ xã lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và cùng cơ sở ngăn ngừa việc tuyên truyền đạo trái phép… thì việc chỉ đạo mới thuận lợi.

Ông Trần Nguyên, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi chia sẻ về những năm tháng ở cơ sở chỉ đạo đấu tranh với những đối tượng cầm đầu tuyên truyền đạo trái phép, khẳng định: Một thời, cán bộ khối tuyên truyền - dân vận, các đoàn thể huyện phải thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình đời sống người dân, bám nắm những người cao tuổi, người đứng đầu dòng họ, người có uy tín để xây dựng đầu mối tuyên truyền. Chúng tôi tập trung vạch trần những chiêu trò phản động và những giáo lý mê tín dị đoan, phản văn hóa của “đạo Vàng Chứ” đến những học viên các lớp xóa mù chữ và học sinh để họ là cầu nối vận động cha mẹ, ông bà không nghe theo. Vận động kiên trì, bền bỉ cuối cùng nhiều người dân tỉnh ngộ bỏ cái gọi là “đạo Vàng Chứ”.

Trước năm 2011, xã Cốc Ly (Bắc Hà) là địa bàn nổi cộm về hoạt động của “đạo Vàng Chứ”. Cùng với đó, có nhiều đối tượng bị lôi kéo tham gia hoạt động âm mưu lập “Nhà nước Mông” tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên… Điều này khiến người dân đi theo bị mê hoặc xa rời văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thậm chí có hành động chống phá chính quyền… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, gây bức xúc trong Nhân dân.

Theo đồng chí Thào Thị Sáo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cốc Ly, trong những năm qua, với nhiều giải pháp đồng bộ như lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị tại thôn, bản, nhất là điểm nổi cộm về hoạt động của “đạo Vàng Chứ” và nhờ triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng giao thông nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã được cải thiện rất nhiều, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Những người Mông trước đây không nhận thức rõ đã đi theo “đạo Vàng Chứ”, giờ hầu hết tự nguyện ký cam kết từ bỏ và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.

Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà khẳng định: Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp vùng cao ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, với nhiệt huyết và trách nhiệm được giao phó, hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác xung phong lên vùng cao công tác, tất cả vì sự tiến bộ của người dân mà chẳng ai toan tính đến lợi ích cá nhân. Đây cũng là bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và xây dựng, củng cố tổ chức đảng, hệ thống chính trị tại các thôn, bản vùng cao hiện nay.

Nói vậy không có nghĩa là hiện nay, các thế lực thù địch đã ngừng thực hiện việc lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta, xúi giục Nhân dân đi ngược lại đường lối, chính sách mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện.

Để chủ động đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái phép, cần làm tốt công tác xây dựng, củng cố các tổ chức tại thôn, bản (trong ảnh, cán bộ Hội Phụ nữ xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai tuyên truyền chính sách, pháp luật tại cơ sở).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo, Tin lành được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 46.000 tín đồ, chiếm khoảng 7,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các tôn giáo cơ bản chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn những hội, nhóm tôn giáo chưa được công nhận như Ân Điển cứu rỗi, Bà Cô Dợ, Tia Chớp Phương Đông, Dương Văn Mình, Ngọc Phật Hồ Chí Minh… hoạt động trái phép, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định.

Theo ông Vũ Trọng Khuynh, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, cản trở tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, nhận diện và chủ động đấu tranh với hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Còn theo Thượng tá Lê Quốc Huy, Trưởng Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, với “tham vọng” đẩy nhanh hoạt động phá hoại, đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động vẫn ngày đêm lợi dụng các nhóm tà đạo như “Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Đức chúa trời”, “Dương Văn Mình”… gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc và gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp không được mất cảnh giác; bài học về chống “đạo Vàng Chứ” vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nguồn LCĐT
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập