image banner
Nhận thức về các khâu đột phá chiến lược trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Lượt xem: 110

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện vai trò lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đó là xác định các khâu đột phá chiến lược bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. 

Một số nhận thức về đột phá chiến lược

Cách mạng là một quá trình liên tục, kế tiếp những bước phát triển tuần tự với những bước phát triển nhảy vọt. Để tạo ra những bước phát triển nhảy vọt, Đảng lãnh đạo cần lựa chọn những hướng, những mũi, những khâu đột phá, tập trung vào những lĩnh vực, những địa bàn, những điểm hoặc trọng yếu, có thế mạnh, hoặc ách tắc, nhiều khó khăn, mà nếu giải quyết, tháo gỡ, phát huy được sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực, địa bàn khác, tạo ra sự phát triển bứt phá, đột biến.

Từng lĩnh vực, địa bàn đều có thể lựa chọn các hướng, mũi, khâu đột phá phù hợp. Đó là những đột phá chiến thuật, tạo ra những đột biến cục bộ. Đột phá chiến lược là những hướng, mũi, khâu đột phá ở tầm chung nhất, bao quát nhất, mà việc thực hiện thành công sẽ tạo ra hiệu ứng sâu rộng, đưa đến sự phát triển bứt phá toàn cục.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ở các thời kỳ, giai đoạn cách mạng, Đảng đều chú trọng lựa chọn những đột phá chiến lược, tạo những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng, đi đến thắng lợi. Phá kho thóc của Nhật, chia cho dân nghèo là đột phá chiến lược dẫn đến cao trào chống Nhật, cứu nước, đưa tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Biên giới năm 1950; Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là những đột phá chiến lược dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng khởi năm 1960; Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những đột phá chiến lược đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Sau khi đất nước thống nhất, trong quá trình tìm tòi, khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng đã lựa chọn đúng đắn các đột phá chiến lược: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế..., tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Từ Đại hội VIII (1996), Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề lựa chọn đột phá được đặc biệt quan tâm. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 (Đại hội IX) xác định: Tập trung sức đột phá những lĩnh vực then chốt để làm chuyển động toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (Đại hội XI) lần đầu tiên sử dụng khái niệm "các đột phá chiến lược". Trên cơ sở tổng kết 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; kế thừa, phát triển nhận thức của Đại hội VIII và Đại hội IX về "đột phá những lĩnh vực then chốt", Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định ba đột phá chiến lược: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đại hội XII kiểm điểm việc thực hiện ba đột phá chiến lược do Đại hội XI xác định và chủ trương: "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực".

anh tin bai

Một góc khu hành chính tỉnh Lào Cai tại Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường. Ảnh: ST

Đột phá chiến lược trong Văn kiện Đại hội XIII

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, ba đột phá chiến lược tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thực tiễn cũng xuất hiện những khó khăn, vướng mắc và những yêu cầu mới đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ hơn, sát hợp hơn các đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu 5, 10 năm tới. Báo cáo chính trị xác định ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nêu ba đột phá chiến lược trong 10 năm. Cụ thể:

Một là, đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển: Báo cáo chính trị mở rộng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trong đó thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trọng tâm. Hoàn thiện thể chế trong 5 năm tới gắn với đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả hướng vào bốn trọng điểm: (1) Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; (2) Tạo lập khung khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (3) Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; (4) Phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

Từ tầm bao quát 10 năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 mở rộng và nhấn mạnh nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại gắn với xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Hai là, đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao: Báo cáo chính trị xác định hai nội dung cơ bản: (1) Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; (2) Phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặtchẽ và đặt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung cơ bản của đột phá chiến lược này được trình bày cụ thể, chi tiết hơn trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Ba là, đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại: Để tập trung nguồn lực, hoàn thành dứt điểm các công trình hạ tầng quan trọng, đồng thời với định hướng phát triển đồng bộ cả về kinh tế và xã hội, Báo cáo chính trị nhấn mạnh hai hướng ưu tiên: (1) Phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 với phạm vi bao quát 10 năm, bổ sung ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia.

Ngoài ra, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội XIII xác định ba giải pháp đột phá. Tuy không phải là đột phá chiến lược, song có ý nghĩa rất quan trọng, đó là: "(1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. (2) Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. (3) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực".

Việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung các khâu đột phá chiến lược này là rất cần thiết, làm “kim chỉ nam” để mỗi đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương củng cố niềm tin, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đồng thời đấu tranh, phản bác lại các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, suy diễn, sai sự thật của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hiện nay./.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t.60, tr.284-285.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.106.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.227, 247.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.89.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.2, tr.257.

Phùng Nam Trung
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập