image banner
CÁN BỘ TUYÊN GIÁO VỚI TRỌNG TRÁCH “ĐI TRƯỚC MỞ ĐƯỜNG, ĐI CÙNG THỰC HIỆN, ĐI SAU TỔNG KẾT”
Lượt xem: 612

Năm 2022 - năm có ý nghĩa bản lề cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong bối cảnh lịch sử đó, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai vui mừng, phấn khởi chào đón kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. 

Lấy truyền thống vẻ vang làm “bệ đỡ”, tạo đà cho sự quyết tâm hành động, gặt hái thành công. 

Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của công tác tuyên giáo, ngay sau khi ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền. Đây là mốc lịch sử đánh dấu sự hình thành, phát triển ngành Tuyên giáo của Đảng, đồng thời cũng là tổ chức chủ chốt thực hiện công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối cách mạng của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng ta. Lịch sử đã chứng minh, chính từ vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà năm 1944, thực hiện chỉ đạo của Bác, sau khi được đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông báo kế hoạch thành lập tổ chức vũ trang lấy tên “Đội Việt Nam Giải phóng quân” Bác Hồ đã thêm hai từ “Tuyên truyền” để thành tên gọi hoàn chỉnh “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam).

anh tin bai

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong chuyến kiểm tra công tác tuyên giáo tại cơ sở

Ở Lào Cai, từ năm 1932, các chiến sĩ cách mạng bị thực dân bắt đưa lên giam giữ tại Nhà tù Sa Pa đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng trong nhà tù. Tự tay may lá cờ đỏ có dòng chữ “Thành công Việt Nam cách mệnh”, tự viết tài liệu, bí mật đưa ra ngoài tuyên truyền về đường lối cách mạng. Năm 1947 đồng chí Lê Thanh, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp kiêm phụ trách chỉ đạo công tác tuyên huấn (công tác tuyên huấn ban đầu được gọi là công tác Hội). Đến tháng 12 năm 1947, Ban tuyên huấn khu 10 (Tây Bắc) được thành lập. Tháng 02 năm 1948, Hội nghị tuyên huấn toàn quốc họp ra nghị quyết kiện toàn ban tuyên huấn các cấp, trong đó có các khu, bộ máy ban tuyên huấn có 3 tiểu ban gồm: Tuyên truyền cổ động, văn hóa giáo dục, huấn luyện học tập. Khu Tây Bắc được phân thành 2 loại: Loại A (Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái) có từ 3 đến 5 nhân viên, loại B (Lào Cai, Hà Giang, Sơn La) có 3 nhân viên. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo thành lập ban tuyên huấn cấp huyện tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương; đối với cấp xã chú trọng tổ chức tiểu ban học tập và tuyên truyền cổ động do ít nhất 01 đồng chí ủy viên phụ trách.

Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26/6 đến ngày 09/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đầy đủ: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Lời chỉ dạy của Bác được xem như mệnh lệnh và ngọn đuốc soi đường cho những người làm công tác tuyên giáo của Đảng trong thực hiện sứ mệnh làm “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân.

Cùng với ngành Tuyên giáo của Đảng, từ khi thành lập cho đến nay lực lượng làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã không ngừng được củng cố, nỗ lực, vượt qua khó khăn thử thách, đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiễu phỉ, bảo vệ biên giới, nhất là trong sự nghiệp tái thiết, xây dựng Lào Cai từ sau ngày tái lập tỉnh (1991) đến nay. Một số thành tựu quan trọng, tiêu biểu của công tác tuyên giáo trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng bộ tỉnh đó là: Giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp năm 1992 và tham gia ý kiến vào Đề án tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng; triển khai tuyên truyền, học tập Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và học tập, làm theo Di chúc của Bác; tham gia đề xuất, chuẩn bị các điều kiện để Báo Lào Cai ra số đầu tiên ngày 01/11/1991; tham mưu cho Tỉnh ủy xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với Lào Cai – Những sự kiện” và tham gia ý kiến về việc xây dựng tượng đài “Bác Hồ với Lào Cai” nhân kỷ niệm 40 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (1958 – 1998); chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên của Đài Phát thanh – Truyền hình tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Lào Cai (1950 – 2000); biên soạn, xuất bản hàng nghìn đầu sách, tài liệu phục công tác tuyên tuyền, giáo dục lịch sử truyền thống như Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai, bộ “Văn kiện Đảng bộ tỉnh toàn tập” từ 1991 đến 2020, sách “30 năm Lào Cai sáng tạo”; xây dựng đề án, quy định và cơ chế thực hiện mô hình Tuyên vận cấp xã, thôn toàn tỉnh từ năm 2012; đề xuất xây dựng và thực hiện 03 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2010 đến nay); xây dựng phần mềm thi trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, học tập nghị quyết (2021); Lào Cai lần đầu tiên có tác phẩm đoạt giải A- Giải báo chí toàn quốc về xây dựng đảng mang tên Búa liềm vàng và giải Nhì Hội thi chung khảo toàn quốc Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi (năm 2021).

Vững tâm thế, viết tiếp những trang sử mới

Kết quả và thắng lợi trong công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai thời gian qua có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ trong ngành luôn đoàn kết, cần mẫn, giàu trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, không ngừng trăn trở để sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của tình hình chính trị, an ninh trong khu vực và trên thế giới, tác động mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ, cũng như yêu cầu ngày càng cao của công tác Tuyên giáo, nhìn thẳng vào sự thật cho thấy một bộ phận cán bộ trong ngành cũng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém nhất định về năng lực, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh, biểu hiện “thiếu lửa” trong tham mưu, đề xuất, thực hiện nhiệm vụ.

Để đáp ứng và làm tròn sứ mệnh cao cả “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, góp phần tô thắm và làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang ngành Tuyên giáo của Đảng, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, người làm công tác Tuyên giáo phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, xây dựng đạo đức trong sáng, tôi luyện bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, kiên định trước mọi cám dỗ, vượt qua được những khó khăn, thử thách. Xuất phát từ đặc thù công tác Tuyên giáo là một khoa học tổng hợp, bao hàm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau, như: Tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, lịch sử, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, báo chí - xuất bản, văn hóa văn nghệ, điều tra dư luận xã hội,... Do đó để đạt hiệu quả cao, mỗi cán bộ Tuyên giáo phải bảo đảm hội tụ giữa cái “tâm” say mê, nhiệt huyết, gắn bó với công việc và cái “tầm” của tri thức khoa học. Cái “tâm” của mỗi cán bộ tuyên giáo thể hiện rõ trong sự kiên định với lý tưởng, với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; có bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ của cơ chế thị trường, dũng cảm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống quan điểm sai trái, thù địch; trong sáng, lành mạnh trong lối sống. Cái “tầm” thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc, ở trình độ chuyên môn khoa học được đào tạo cơ bản trên một nền tảng văn hóa vững chắc; đó là sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; dám nghĩ, dám làm trong đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự thông thạo trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào công việc một cách hiệu quả; có nhãn quan dự báo tình hình và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm lý xã hội.

Tập trung và nỗ lực xây dựng, rèn luyện, từng bước hình thành thói quen, phương pháp, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại. Kỹ năng, phương pháp, tác phong làm việc giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thực tiễn đã chứng minh và khẳng định, người cán bộ tuy có tri thức năng lực, nhiệt tình nhưng nếu thiếu phương pháp, tác phong làm việc tốt cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao. Thậm chí, do phương pháp, tác phong làm việc thiếu khoa học, thiếu dân chủ, xa rời thực tế, quan liêu… mà cán bộ có thể gây ra tổn thất cho Đảng và Nhà nước. Vì vậy, một trong những yêu cầu rất quan trọng của cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay là phải có kỹ năng, phương pháp, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại.

Kỹ năng, phương pháp, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp được thể hiện trước hết ở việc trong luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở để truyên truyền, giáo dục, thuyết phục, giải thích cho quần chúng Nhân dân; luôn phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, định hướng hành động đúng đắn của quần chúng. Khi đề cập, lý giải hoặc phân tích các sự kiện, hiện tượng luôn đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa những điều kiện, không gian, thời gian nhất định, vạch rõ quá trình phát triển, biến đổi, chỉ rõ bản chất và cách giải quyết phù hợp để mang lại hiệu quả cao. Thực hiện chặt chẽ quy trình, các bước trong thực hiện công tác Tuyên giáo, đó là: Điều tra - Nghiên cứu - Tuyên truyền - Tổ chức - Đấu tranh; kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, thúc đẩy quá trình tạo ra những cơ sở khoa học mới, vững chắc cho công tác Tuyên giáo.

Có thể thấy, trải qua các giai đoạn lịch sử và yêu cầu thực tiễn, ngành Tuyên giáo của Đảng mặc dù được thay đổi nhiều tên gọi khác nhau như Ban Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn, Ban Tuyên Văn Giáo huấn, Ban Tư tưởng – Văn hoá hay Ban Tuyên giáo ngày nay thì vị trí, vai trò, trọng trách không thay đổi, và chữ “Tuyên” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Sứ mệnh “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đòi hỏi mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo không chỉ nắm chắc và tự hào về truyền thống vẻ vang mà còn phải vững tin xốc tới, quyết tâm hành động, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân đã gửi gắm. Đóng góp thiết thực hơn nữa cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030./.               

TS. Dương Đức Huy Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập