Hồi ký của đồng chí đồng chí Hoàng Trường Minh- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lào Cai kể lại, được tin Bác lên thăm Lào Cai bằng tầu hỏa, đêm 22/9/1958, đồng chí cùng một số cán bộ chủ chốt của tỉnh xuống Ga Yên Bái đón Bác. Đồng chí đến chào Bác tại toa tầu dành riêng cho Người; sau một vài câu xã giao hỏi thăm sức khỏe, Bác lấy ra một tờ giấy đã viết và nói "Bác chuẩn bị sẵn Bài nói chuyện với đồng bào Lào Cai rồi, Chú xem đi, có ý kiến gì thì góp ý với Bác". Lời nói của Bác làm đồng chí Hoàng Trường Minh vô cùng cảm động, bàng hoàng bất ngờ về lề lối, tác phong làm việc của Người thật dân chủ. Đồng chí cầm tờ giấy Bác đưa đọc từng dòng nghĩ mãi chẳng biết tham gia gì, thì Bác nhắc "Chú có ý kiến gì thì thêm vào".
Đọc mãi sau mới nghĩ ra một ý, đồng chí Hoàng Trường Minh liền mạnh dạn thưa với Bác “Về mặt tư tưởng cháu đề nghị Bác nhấn mạnh phải khắc phục tư tưởng dân tộc lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi”. Vừa nghe xong Bác liền vui vẻ gật đầu. Đồng chí Hoàng Trường Minh vô cùng sung sướng ghi thêm mấy chữ vào bản viết tay của Bác. Thấy Bác đồng ý với ý kiến của mình, đồng chí lại đọc tiếp thấy có chỗ còn ngờ ngợ. Trong bài viết của Bác có câu: "Đặc biệt là đối với dân tộc rất ít người như đồng bào Lô Lô...". Đồng chí Hoàng Trường Minh kể lại vì không tin ở mình nên không dám thưa với Bác. Về sau trong lần Điều tra dân số năm 1960, đồng chí mới biết ở Lào Cai có dân tộc Lô Lô, dẫu rằng dân số rất ít. Cách làm việc của Bác thật chính xác, cẩn thận là thế. Trong Bài nói chuyện của Bác đối với đồng bào Lào Cai vào sáng sớm ngày 24/9/1958, tại sân trụ sở Tỉnh ủy Lào Cai[1]; Người đã linh hoạt trong trong cách thể hiện việc sử dụng các thành ngữ và lập luận đễ hiểu nhất, rất phù hợp với một đối tượng phần lớn là người dân tộc biết ít tiếng phổ thông, trình độ hiểu biết còn hạn chế như tỉnh Lào Cai. Bác đã căn dặn 4 điều: Đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, thuần phong mỹ tục.
Vấn đề Người quan tâm đầu tiên là đoàn kết vốn là một tính từ; khi dùng nó ở bài nói chuyện Bác không dùng riêng biệt mà đi kèm với một định ngữ để trở thành cụm tính từ. Người đã nhiều lần nhắc tới từ đoàn kết trực tiếp hoặc gián tiếp. Đối với nhân dân các dân tộc Lào Cai, Bác dùng cụm từ "đoàn kết chặt chẽ" thương yêu giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt; đặc biệt là đối với các dân tộc thiểu số như đồng bào Lô Lô, thì các dân tộc đông người hơn cần phải tìm cách giúp đỡ họ về mọi mặt. Đối với quân đội, mặt trận và chính quyền, Người dùng cụm từ "đoàn kết nhất trí”, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi việc. Đối với chi bộ Đảng, Bác căn dặn "đoàn kết dân tộc"; mọi việc ích nước, lợi dân, đảng viên cùng cán bộ trong Đảng phải xung phong làm gương mẫu để lôi cuốn nhân dân làm theo. Những phân tích trên đây chỉ khái niệm trực tiếp về đoàn kết. Ngoài ra còn nhiều lần khác Bác không nhắc tới từ đoàn kết, song nội dung của nó bao hàm đồng nghĩa với đoàn kết như: "đối với những người lầm đường làm phỉ, cán bộ, đồng bào phải thuyết phục họ, khuyên họ trở về làm ăn lương thiện...", hoặc: "các dân tộc to hay nhỏ đều bình đẳng, đều là người chủ của nước nhà Việt Nam...", hay "người tàn tật, già yếu cháu bé không có sức lao động thì xã hội, Nhà nước giúp đỡ họ...". Qua những việc giúp đỡ người lầm đường trở về làm ăn lương thiện, bình đẳng giữa mọi người, giúp đỡ người già cả... đó chẳng phải là đoàn kết hay sao ?
Bác nói về tăng gia sản xuất, Người căn dặn đồng bào Lào Cai "chúng ta phải cố gắng, làm thế nào cho đồng bào no cơm, ấm áo hơn nữa, muốn vậy phải tăng gia sản xuất", hay "muốn người đông, sức đủ để tăng gia, thì phải tổ chức tổ đổi công cho tốt, rồi tiến dần lên hợp tác xã". Những lý lẽ trên được dùng với các thành ngữ quen thuộc, dẫn người nghe suy tưởng tới hệ nhân quả, từ đó rút ra muốn no cơm ấm áo thì phải tăng gia sản xuất, muốn người đông, sức đủ phải tổ chức tổ đổi công cho tốt rồi tiến lên hợp tác xã là cần thiết, tất yếu. Về trật tự trị an, Bác căn dặn đồng bào Lào Cai "Trật tự trị an tốt thì dân an cư, lạc nghiệp". Để giữ gìn trật tự trị an phải tổ chức Nhân dân, dựa vào lực lượng Nhân dân mà ngăn ngừa những kẻ trái phép. Đối với Người lầm đường làm phỉ, cán bộ phải thuyết phục họ, khuyên họ trở về làm ăn lương thiện; làm cho họ hiểu rằng chính sách của Chỉnh phủ là khoan hồng đối với những người biết cải tà quy chính, mà nghiêm khắc đối với những kẻ ngoan cố, không chịu sửa đổi”. Nói về công tác cán bộ, Người căn dặn "…Muốn công tác tốt trong các vùng dân tộc, trong các địa phương, nhất định cần phải có cán bộ của các dân tộc và địa phương ấy"; hay "Cán bộ dân tộc phải cố gắng học tập để tiến bộ, đoàn kết chặt chẽ với cán bộ miền xuôi, tránh tư tưởng hẹp hòi", hoặc "Cán bộ phải cần kiệm, liêm chính, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".
65 năm đã trôi qua, bài nói chuyện của Bác ngày 24/9/1958 với đồng bào Lào Cai đến nay vẫn mang tính thời sự. Với cách lập luận chặt chẽ ngắn gọn lô gíc, cùng với sử dụng các thành ngữ: "Đoàn kết chặt chẽ", "No cơm, ấm áo", "Người đông, sức đủ”, "An cư lạc nghiệp", "Một lòng một dạ”, “Cần kiệm, liêm chính", “Ích nước, lợi dân” được Bác đặt vào đúng vị trí trong văn cảnh diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, có sức thuyết phục người nghe dễ tiếp nhận, dễ hiểu, dễ nhớ, làm cho mọi người chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Đó là một thao tác tư duy khoa học, một thái độ chân trọng người nghe, cũng là hành vi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; tạo nên phong cách Hồ Chí Minh trong cách nói và viết của Người đến nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Những lời căn dặn đó của Người mãi mãi khắc ghi trong lòng các thế hệ con cháu Lào Cai, không chỉ cho hôm nay mà còn mãi mãi về sau./.
[1] . Nguyên văn Bài nói chuyện do Bác chuẩn bị, in trong cuốn sách “Lào Cai làm theo lời Bác” do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1999, trang 54-58.