image banner
Chưa đồng thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Lượt xem: 211
Là một trong những khu vực đi đầu nỗ lực áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, song các nước Liên minh châu Âu (EU) chưa thể thống nhất cách thức áp dụng mức thuế trên toàn khối. Mới đây, Ba Lan đã phủ quyết một thỏa thuận do Pháp đề xuất về vấn đề này.

Gần 140 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước EU, đã đạt thỏa thuận áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Mặc dù đã được “bật đèn xanh” nhưng để có hiệu lực, thỏa thuận còn phải trải qua quá trình phê duyệt và triển khai tại mỗi nước. Đối với EU, quá trình này càng chông gai hơn, bởi EU cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên để thông qua kế hoạch áp thuế.

Các Bộ trưởng Tài chính EU họp tại Pháp.

Pháp, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong sáu tháng đầu năm 2022, đã tích cực thúc đẩy triển khai thỏa thuận áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tại “mái nhà chung”. Tuy nhiên, nỗ lực này liên tục vấp phải khó khăn do sự phản đối của một số nước. Mới đây, Ba Lan đã phủ quyết thỏa thuận do Pháp đề xuất về cách thức áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu tại EU. Hồi tháng trước, Ba Lan cũng là một trong bốn quốc gia ngăn chặn nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp về vấn đề này. Tuy nhiên, ba nước phản đối còn lại là Estonia, Thụy Điển và Malta đã từ bỏ quan điểm trái ngược, sau khi thỏa thuận do Pháp đề xuất được sửa đổi.

Giới chức Ba Lan quan ngại vì mức thuế có hiệu lực nhưng không đi kèm quy định ngăn chặn các công ty đa quốc gia lớn né thuế. Người đứng đầu Cơ quan ngân sách quốc gia Ba Lan Magdalena Rzeczkowska (M.Dếch-cao-xca) nhấn mạnh, thỏa thuận do Pháp đề xuất không bảo đảm hai trụ cột trong thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu có hiệu lực cùng một thời điểm.

Trụ cột thứ nhất trong thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu nhằm phân bổ một số khoản thuế của các doanh nghiệp có lợi nhuận cao cho quốc gia nơi doanh nghiệp đó triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu, thay vì quốc gia đặt trụ sở chính. Trụ cột thứ hai quy định áp mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên. Theo đó, nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp “né thuế” bằng cách chuyển lợi nhuận sang “thiên đường thuế”.

Tuy nhiên, những quy định liên quan trụ cột thứ nhất vẫn chưa được hoàn thiện. Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B.Lơ Me) khẳng định, EU không thể thực hiện ngay yêu cầu hai trụ cột có hiệu lực cùng một thời điểm của Ba Lan. Để thuyết phục Ba Lan, ông Bruno Le Maire đã đề xuất các nước thành viên ký một tuyên bố chung khẳng định hai trụ cột sẽ không bị tách rời, song ý tưởng này cũng không nhận được sự nhất trí của Vacsava. Giới phân tích cho rằng, sự phản đối của Ba Lan là một cú giáng mạnh vào nỗ lực của EU nhằm triển khai thỏa thuận đúng lộ trình, qua đó góp phần quan trọng xử lý vấn nạn trốn thuế đầy nhức nhối và tạo sân chơi bình đẳng cho các nước.

Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis (V.Đôm-brốp-xki) nhấn mạnh, thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với EU, nhất là vào thời điểm khối đang cần củng cố tài chính công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển đổi số. Cuộc họp vào tháng 5 tới sẽ là cơ hội để các Bộ trưởng Tài chính EU tiếp tục gỡ những “nút thắt”, giải quyết bất đồng còn tồn tại.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập