image banner
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến 20-8-2017)
Lượt xem: 701
TCCSĐT - Những ngày qua, thành phố yên bình Charlottesville, bang Virginia (Mỹ) bất ngờ trở thành “điểm nóng” khi một cuộc tuần hành ở đây đã biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ, khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Nguyên nhân là do mâu thuẫn sắc tộc vẫn âm ỉ trong lòng nước Mỹ trong những năm gần đây.
 

Cần dẹp bỏ mâu thuẫn sắc tộc

Cuộc tuần hành ở thành phố Charlottesville. Ảnh: CNN

Bạo động đã nổ ra vào ngày 12-8 trong cuộc tuần hành mang tên “Ðoàn kết phe Cánh hữu” ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, của hàng ngàn người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan da trắng cùng các nhóm ủng hộ cánh hữu ở Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tuần hành đã nhanh chóng trở thành bạo lực do vấp phải sự phản đối từ những nhóm ủng hộ quyền lợi cho người da đen và chống phân biệt chủng tộc.

Ngay sau vụ đụng độ trên, Tổng thống Mỹ D. Trump đã chỉ trích vụ việc mà theo ông là “biểu hiện thái quá của thù hận, mù quáng và bạo lực từ nhiều phía”. Tuy nhiên, những phát ngôn này của Tổng thống D. Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích mạnh mẽ khi dư luận cho rằng, ông D. Trump đã không đưa ra tuyên bố phản đối bạo lực liên quan đến phân biệt chủng tộc ngay lập tức mà chỉ lên án vụ việc.

Nhiều nghị sĩ Mỹ trong đó có Thượng Nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz trong tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân, đã nói rằng, ông D. Trump cần gọi đích danh cái ác. Ðó là những “Người da trắng thượng đẳng” và hành động của họ là sự khủng bố bên trong nước Mỹ. Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ HR McMaster còn đi xa hơn khi bình luận rằng, bất cứ khi nào một ai đó thực hiện vụ tấn công nhằm vào con người để kích động sự sợ hãi đều gọi là khủng bố. Vụ bạo lực ở Charlottesville là “một hành động tội ác chống lại người Mỹ”.

Trước sức ép từ dư luận Mỹ cũng như các nghị sỹ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, ngày 14-8, Nhà Trắng đã phải có lời đính chính lại. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump đã lên án chủ nghĩa đề cao người da trắng, trong đó có cả chủ nghĩa phát xít mới, chủ nghĩa dân tộc suy tôn da trắng, bài trừ nhập cư. Không chỉ khẳng định, chủ nghĩa suy tôn da trắng, thù hận và phân biệt chủng tộc không có chỗ đứng tại nước Mỹ, ông D. Trump cũng nhấn mạnh sẽ khôi phục luật pháp và trật tự xã hội, kêu gọi đoàn kết dân tộc và đưa tất cả người Mỹ xích lại gần nhau.

Theo giới phân tích, sự việc xảy ra tại Virginia là kết quả phát sinh từ những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu trong lòng nước Mỹ. Ðiều này cho thấy, trong cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của Mỹ vẫn âm ỉ cuộc xung đột gay gắt giữa các sắc tộc, chỉ cần có cơ hội là bùng phát lên thành biến cố lớn. Ðiều này đòi hỏi chính quyền Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt để dẹp bỏ những mâu thuẫn vốn có giữa các nhóm sắc tộc.

Tấn công khủng bố ở Tây Ban Nha: Thế giới cực lực lên án

Cảnh sát đi tuần sau vụ tấn công khủng bố ở đại lộ Las Ramblas, Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: CNN

Ít nhất 13 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương trong vụ một xe tải đâm người đi bộ ở đại lộ Las Ramblas, trung tâm thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, tối 17-8.

Theo các nhà chức trách Tây Ban Nha, số người thiệt mạng trong vụ tấn công này có thể còn tăng cao do nhiều người bị thương nặng. Sau vụ đâm xe, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ 2 nghi can gồm một người Tây Ban Nha và một người Maroc. Trong khi đó, lực lượng chức năng đã triển khai một chiến dịch săn lùng tên lái xe.

Ngay sau các vụ tấn công khủng bố, Hoàng gia Tây Ban Nha đã kịch liệt lên án, đồng thời khẳng định đất nước sẽ không bị khiếp sợ vì những hành động này. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha M. Rajoy tuyên bố, “những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ chiến thắng một dân tộc đoàn kết”.

Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới cũng lên án mạnh mẽ các vụ tấn công, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết, sát cánh cùng Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố. Các ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện tinh thần đoàn kết với Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố và nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Trên trang mạng Twitter, Tổng thống Mỹ D. Trump viết: “Mỹ kịch liệt lên án các vụ tấn công khủng bố Tây Ban Nha và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp đỡ”. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi các vụ tấn công khủng bố tại Tây Ban Nha là “hèn hạ” khi cố tình nhằm vào những người đang dành thời gian bên gia đình và bạn bè, đồng thời nhấn mạnh thế giới sẽ không bao giờ sợ hãi trước những hành động dã man như vậy. Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk khẳng định toàn thể châu Âu sát cánh cùng Tây Ban Nha. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết, Chính phủ Đức kịch liệt lên án các vụ tấn công kinh hoàng ở Tây Ban Nha và bày tỏ tình đoàn kết, luôn sát cánh với người dân Tây Ban Nha. Tổng thống Pháp E. Macron mô tả vụ việc xảy ra ở Tây Ban Nha là các vụ “tấn công thảm khốc”, đồng thời lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với đất nước Tây Ban Nha sau vụ việc này. Thủ tướng Anh T. May cũng chia sẻ với nỗi đau của các nạn nhân trong vụ tấn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh B. Johnson cho biết, ông thực sự cảm thấy thực sự “lo ngại và đau buồn” về các vụ tấn công xảy ra liên tiếp tại Tây Ban Nha.

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga V. Putin đã kêu gọi thế giới đoàn kết trong một cuộc chiến không khoan nhượng chống các lực lượng khủng bố. Thủ tướng Hy Lạp A. Tsipras cũng bày tỏ sự cảm thông với gia đình các nạn nhân cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân Tây Ban Nha trong thời khắc đau thương này. Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen bày tỏ bàng hoàng khi được thông báo về các vụ tấn công, trong đó 2 công dân nước này bị thương. Tổng thống Phần Lan S. Niinisto lưu ý các phần tử khủng bố lại nhằm vào châu Âu, đồng thời cho biết ông đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay.

Không ai có lợi trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran

Ảnh minh họa. Ảnh: BBC

Luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran (cùng với Nga và Triều Tiên) đã được Tổng thống Mỹ D. Trump chính thức ký ban hành đầu tháng 8-2017. Kể từ thời điểm đó, cuộc đối đầu giữa hai nước ngày càng gia tăng khiến dư luận lo ngại quan hệ Mỹ - Iran lại đang đứng trước vòng xoáy mới.

Quốc hội Iran ngày 13-8 đã thông qua khoản ngân sách trị giá hơn nửa tỷ USD tài trợ cho chương trình tên lửa của nước này cũng như các hoạt động ở nước ngoài của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt lên họ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 10-8 đã cáo buộc Iran không giữ đúng tinh thần của thỏa thuận hạt nhân đã đạt được với các cường quốc thế giới vào năm 2015, đồng thời tái khẳng định là đây là một “thỏa thuận tồi”. Một ngày sau đó, Iran đã có hành động đáp trả khi phản đối tuyên bố trên, đồng thời cáo buộc Tổng thống Mỹ thể hiện “dụng ý xấu” đối với văn kiện mang tính lịch sử này.

Thời gian qua, Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về những hoạt động của Iran trên khắp Trung Đông mà cơ quan này cho là ảnh hưởng đến ổn định, an ninh và thịnh vượng khu vực. Đáp lại, Iran vẫn luôn khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân toàn diện được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7-2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 01-2016, mở đường cho việc bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Iran để đổi lấy việc Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình. Thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc các nước châu Âu tập trung quay trở lại đầu tư vào Iran, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran rõ ràng sẽ tác động đến Liên minh châu Âu (EU), bởi vì sau một năm gỡ bỏ các biện pháp thắt chặt kinh tế nhằm vào Iran, các nước châu Âu đã trở thành các nhà tiêu thụ dầu mỏ chính của Iran. Theo đánh giá của EU, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran có thể gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế và năng lượng của EU đồng thời kéo theo những hậu quả không lường trước được.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ và Iran không nên từ bỏ các nỗ lực ngoại giao trong quan hệ giữa hai nước. Nếu lựa chọn giải pháp quân sự, Mỹ sẽ phải chấp nhận một chiến dịch tốn kém, dễ bị sa lầy trong một môi trường tác chiến phức tạp. Iran có diện tích gấp ba lần Iraq, bao gồm đủ các loại địa hình từ rừng núi, sa mạc cho tới đồng bằng. Mỹ cũng sẽ phải tính đến hình thái chiến tranh đường phố, do khoảng 70% dân số Iran tập trung ở các thành phố một khi được phát động, kết cục tốt nhất mà Mỹ có được là một cuộc can dự không hiệu quả và tốn kém. Về phía Iran, giải pháp quân sự với Mỹ sẽ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế đang trên đà hồi phục và trong trường hợp tệ nhất là Iran có khả năng rơi vào một cuộc nội chiến.

Các con đường ngoại giao trong mối quan hệ Mỹ - Iran hoàn toàn chưa được sử dụng hết. Mỹ và Iran có nhiều lợi ích chung hơn những gì giới chống Iran tại Mỹ chịu thừa nhận. Đơn cử như việc hai nước cùng chia sẻ quan tâm về việc đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Rõ ràng Mỹ và Iran không thể đồng thuận về tất cả mọi vấn đề nhưng từ bỏ con đường ngoại giao trước khi giải pháp này có được cơ hội chứng minh tính hiệu quả sẽ là một sai lầm lớn.

Viện trợ khẩn cấp để hỗ trợ cho Sierra Leone

Lở đất ở Sierra Leone. Ảnh: The Guardian

Ngày 14-8, ít nhất 312 người đã thiệt mạng trong một trận lở đất ở chân núi Sugar Loaf, thuộc thị trấn Regent, ngoại ô thủ đô Freetown của Sierra Leone. Vụ lở đất cũng cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản và khiến người dân khu vực chìm trong hoảng loạn.

Theo Hội Chữ thập Đỏ Sierra Leone, dự kiến số người thiệt mạng trong vụ lở đất sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Cảnh sát và quân đội cũng đã được huy động đến hiện trường vụ lở đất để tìm kiếm cứu hộ những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma đã gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân, khẳng định chính phủ đã phối hợp với các đối tác để thiết lập một trung tâm xử lý khủng hoảng để điều phối các hoạt động cứu hộ cứu nạn. Ông cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, tránh đi đến khu vực thảm họa trong lúc các nhóm cứu hộ đối phó với tình huống khẩn cấp nghiêm trọng này.

Ngày 15-8, Tổng thống Sierra Leone Koroma đã tuyên bố quốc tang kéo dài 7 ngày để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ lở đất. Theo tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống, quốc tang sẽ bắt đầu từ ngày 16 đến 22-8 và trong thời gian này, cả nước Sierra Leone sẽ treo cờ rủ. Người dân cũng đã dành một phút mặc niệm vào lúc 12h ngày 15-8 để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa. Tuyên bố cũng cho biết Tổng thống L. Koroma đã quyết định sử dụng luật Trợ giúp quân đội dành cho cộng đồng dân sự (MAC-C), đồng thời nâng mức cấp độ đe dọa an ninh lên mức 3 nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp tiềm tàng. Tuyên bố cũng khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thường xuyên những thông tin mới nhất liên quan đến tình hình lở đất cho người dân.

Cùng ngày, Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân trong vụ lũ lụt, lở đất thảm khốc tại Sierra Leone.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đến những gia đình nạn nhân, chính phủ và nhân dân Sierra Leone và cam kết AU đứng bên cạnh Sierra Leone trong thời điểm khó khăn này. Nhân dịp này, ông F. Mahamat cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nhà hảo tâm và các nước châu Phi giúp đỡ và viện trợ khẩn cấp cho những nạn nhân ở Sierra Leone đang gặp rất nhiều khó khăn này. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Phi, quốc gia Tây Phi này vừa trải qua tình trạng bùng phát dịch bệnh Ebola cách đây hai năm, khiến hơn 3.655 người tử vong, đồng thời nền kinh tế và hệ thống y tế gần như kiệt quệ.

Theo các nhà quan sát tại chỗ, hiện Anh, Israel và một số quốc gia châu Phi đã và đang gửi hàng viện trợ khẩn cấp để hỗ trợ cho Sierra Leone. Lở đất và lũ lụt thường xuyên xảy ra trong mùa mưa ở khu vực Tây Phi, nơi tình trạng phá rừng và quy hoạch đô thị yếu kém khiến người dân gặp nhiều nguy hiểm. Sierra Leone hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Phản ứng của Venezuela và cộng đồng quốc tế về tuyên bố đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ

Tổng thống Venezuela N. Maduro. Ảnh: TTXVN

Quan hệ Mỹ và Venezuela tiếp tục diễn biến căng thẳng, thậm chí Tổng thống Mỹ D. Trump khẳng định không loại trừ “lựa chọn quân sự” đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ M. Pence đang thực hiện chuyến công du tới khu vực Mỹ Latinh với các điểm đến là Colombia, Argentina, Chile, và Panama.

Cảnh báo của Tổng thống Mỹ D. Trump về việc không loại trừ “lựa chọn quân sự” đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela được đưa ra sau nhiều ngày căng thẳng gia tăng giữa hai nước và tuyên bố này phần nào gợi nhớ tới một giai đoạn ký ức đau buồn tại khu vực khi Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào năm 1989 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Panama M. Noriega.

Trong những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump đã gia tăng sức ép đối với với Tổng thống Venezuela N. Maduro, đặc biệt kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến (ANC) gây tranh cãi ở nước này hôm 30-7 vừa qua và Tổng thống N. Maduro tuyên bố giành chiến thắng. Sau cuộc bầu cử này, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào hàng chục quan chức chính phủ quốc gia Nam Mỹ này, bao gồm cả Tổng thống N. Maduro. Tuy nhiên, không có đại diện nào của Chính phủ Mỹ đề cập công khai về giải pháp quân sự mà chỉ luôn nói tới lựa chọn chính trị và kinh tế. Chính quyền Caracas đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt này của Mỹ.

Chính phủ Venezuela đã phản bác mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Mỹ D. Trump về việc cân nhắc giải pháp “lựa chọn quân sự” với nước này. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Venezuela J. Arreada khẳng định những tuyên bố mang tính “lái buôn chiến tranh” của Tổng thống D. Trump là sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cũng như quyền tự quyết của Venezuela. Ông J. Arreada cũng kêu gọi khu vực Mỹ Latinh đoàn kết chống Washington, nhấn mạnh tuyên bố của ông D. Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống N. Maduro tái kêu gọi thiết lập quan hệ cấp cao bình đẳng và hợp tác với Mỹ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Từ Caracas, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela V. Padrino nêu rõ quân đội Venezuela sẽ bảo vệ lợi ích và chủ quyền đất nước. Bộ trưởng Truyền thông Venezuela E. Villegas coi đây là “lời đe dọa chưa từng có đối với chủ quyền quốc gia”. Quốc hội Lập hiến Venezuela - cơ quan quyền lực nhất nước này cũng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, nhiều người dân Venezuela khẳng định tuyên bố của ông D. Trump là sự đe dọa tới chủ quyền của nước này.

Tuyên bố của Washington cũng đã vấp phải phản ứng từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh. Ngày 13-8, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc I. Jazairy cho rằng, áp đặt các lệnh trừng phạt với Venezuela không phải là cách để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này.

Nhiều nước Mỹ Latinh, ngay cả Colombia, Mexico - những nước lâu nay vẫn chỉ trích Tổng thống Venezuela N. Maduro - cũng cho rằng phát biểu của Tổng thống D. Trump đã đi ngược các nguyên tắc của Liên hợp quốc. Tổng thống Colombia Santos đã khẳng định lập trường của các nước khu vực, nhấn mạnh “mỗi quốc gia ở Mỹ Latinh đều không muốn can thiệp quân sự dưới bất kỳ hình thức nào”.

Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray cho rằng, cuộc khủng hoảng Venezuela không thể được giải quyết bằng các hành động quân sự, dù là từ bên trong hay bên ngoài. Bộ Ngoại giao Brazil ra thông cáo nhấn mạnh, từ chối bạo lực, cũng như mọi lựa chọn bao gồm sử dụng vũ lực nên là nền tảng cơ bản cho “sự chung sống dân chủ”, cả ở cấp độ quốc gia lẫn các quan hệ quốc tế. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba, Bolivia , Ecuador và Nicaragua cùng nhiều quốc gia Caribbean khác cũng ra các tuyên bố khẳng định sát cánh với chính phủ Venezuela. Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng bác bỏ việc sử dụng vũ lực chống Venezuela, dù trước đó đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của nước này./.

 Tác giả: Theo: http://tapchicongsan.org.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập