image banner
Ngành du lịch khởi sắc đầu xuân
Lượt xem: 234
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các tỉnh, thành đã đón hàng triệu du khách tới du xuân, chiêm bái, nghỉ dưỡng. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch trong nỗ lực phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh kéo dài.

 

Thời tiết đẹp giúp khu vực đỉnh Fansipan thu hút du khách dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Lượng khách tăng đột biến

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ đô ước đón hơn 105 nghìn lượt khách. Theo số liệu cung cấp của một đơn vị, từ ngày 31/1 đến 4/2, Vườn Quốc gia Ba Vì đón 13.000 lượt khách, Vườn thú Hà Nội đón khoảng 28.000 lượt khách, Công viên Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 15.000 lượt khách, Khu du lịch Tản Đà đón 1.000 lượt khách, Làng sinh vật cảnh Hồng Vân đón 700 lượt khách…

Mặc dù các điểm di tích, văn hóa trên địa bàn thành phố vẫn tạm dừng hoạt động, chưa được mở cửa đón khách trở lại. Các lễ hội cũng tạm dừng tổ chức. Tuy nhiên, một số điểm tham quan du lịch, bảo tàng, công viên được mở cửa. Khách du lịch chủ yếu là các gia đình, nhóm bạn bè người Hà Nội đi du xuân và khách đến từ một số tỉnh, thành lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoài Hà Nội, các địa điểm du lịch của các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sa Pa, Mộc Châu được đông đảo du khách lựa chọn. Cụ thể, tính từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã đón trên 365.000 lượt du khách. Riêng trong dịp đầu xuân Nhâm Dần, tỉnh Hà Giang đón khoảng 86.000 lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt 159 tỷ đồng.

Tại Lào Cai, mặc dù thời tiết có mưa phùn nhẹ và sương mù, các điểm du lịch vẫn thu hút lớn lượng khách trong Nam, ngoài Bắc tới nghỉ dưỡng. Chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1-3/2), khách du lịch đến Lào Cai đã đạt trên 20.000 lượt khách và tiếp tục tăng cao trong những ngày tiếp theo.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Lào Cai dự kiến đón trên trên 70.000 lượt khách, tăng khoảng 25.000 lượt khách so với dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tỷ lệ đặt phòng hiện tại ở các khu, điểm du lịch của Lào Cai và đặc biệt tại Sa Pa đã đạt khoảng 90% công suất.

Cũng trong dịp này, theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Sơn La, tổng lượt khách du lịch đến địa phương trong 3 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ước đạt 11.700 lượt. Doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 11 tỷ đồng.

Trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, từ ngày 28 đến mùng 4 Tết Nhâm Dần, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón gần 8,5 vạn lượt khách du lịch, tăng 35,52% so với dịp Tết Tân Sửu 2021.

Theo ban quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết, các khu di tích, danh thắng đã đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, chiêm bái.

Cụ thể, di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) đã đón trên 3 vạn lượt du khách. Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) đã đón trên 2 vạn lượt du khách. Hai khu di tích quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (huyện Cẩm Giàng) đã đón gần 1,5 vạn lượt du khách. Các khu di tích như đền Cao, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ… (thành phố Chí Linh) cũng đã đón 1,5 vạn lượt du khách.

Tín hiệu ngành du lịch phục hồi?

Dịp Tết Nguyên đán này có rất đông du khách tới Đà Nẵng du xuân, tham quan du lịch. Theo thống kê, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong dịp Tết ước đạt 35.939 lượt, tăng 16,71% so với 2021, tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ven biển và tham quan các khu, điểm du lịch như: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà…

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết đã có khoảng 58.300 lượt khách đến tham quan các di tích, điểm du lịch, văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, tăng 286% so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các điểm tham quan, du xuân đầu năm chủ yếu ở khu vực: khu di sản Hoàng Cung Huế, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, đền Huyền Trân, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu…

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, du lịch tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, từ ngày 31/1 (ngày 29 tháng Chạp) đến hết ngày 6/2, tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt trên 300.000 lượt, tăng 566,7% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và tăng 15,4% so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 120.000 lượt, tăng 128,9%, khách quốc tế ước đạt 1.900 lượt, tăng 3,1%.

Sở Du lịch Kiên Giang cũng thông tin, từ 29/1 (27 Tết) đến 4/2 (mùng 4 Tết), tổng lượng khách đến Kiên Giang là 82.000 lượt. Riêng TP Phú Quốc đón khoảng 66.990 lượt, với trên 2.700 lượt khách quốc tế. Những ngày đầu năm mới, mỗi ngày, có 50 - 60 chuyến bay tới Phú Quốc. Bên cạnh đó, khách du lịch còn đến thành phố du lịch này bằng đường biển.

Tại Cần Thơ, địa phương này đã đón hơn 178.000 lượt khách du lịch, tăng 10,3% so với Tết năm ngoái. Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày mùng 5 Tết, các điểm du lịch của tỉnh đón và phục vụ khoảng 80.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 27,7 % so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, du lịch TP HCM cũng đã có những tín hiệu khởi sắc trong những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trong bối cảnh thích ứng với tình hình dịch. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM nhận định: “Ngành du lịch sẽ tự tin phát triển trở lại”.

Nhiều nơi vẫn đóng cửa, thận trọng chống dịch

Lo ngại tình trạng chen lấn, quá tải do khách thập phương về lễ đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vũ Ninh ban hành Thông báo số 85/TB-BCĐ về việc tạm dừng đón tiếp khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho, TP Bắc Ninh.

Tại Hà Nội, những ngày đầu xuân, Sở Văn hóa và Thể thao đều có đoàn kiểm tra việc tạm dừng các lễ hội như: Lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), Lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức)... Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội xuân trên địa bàn.

Trong những ngày Tết, ngày chính lễ tại các điểm di tích, các nơi thờ tự thực hiện việc thờ cúng theo truyền thống đảm bảo ấm cúng, trang trọng. Các địa phương phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính lễ hội; vận động nhân dân không lập bàn thờ tạm gần các di tích, chùa, đền, cài tiền lẻ tại cổng... để bái vọng, làm mất mỹ quan, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 

Nguồn: TTVH
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập