image banner
Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Lượt xem: 522

Ngày 24-10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Ngoài ra, ngày 24-10 còn diễn ra một số sự kiện đặc biệt như ngày thành lập Quân đoàn 1, Ngày Liên hợp quốc...

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 24-10

Sự kiện trong nước

Ngày 24-10-1953, công nhân bến tàu Angie và Ôrăng ở nước Angiêri đấu tranh kiên quyết không chịu khuân vác vũ khí xuống hai chiếc tàu của Pháp để chở sang Việt Nam. Từ tháng 6-1953, công nhân bến tàu Ôrăng đã giữ trọn lời hứa: thà chịu đói chứ không chịu khuân vác vũ khí xuống tàu cho thực dân Pháp chở sang xâm lược Việt Nam. Đây là một hành động dũng cảm của công nhân Angiêri thể hiện sự đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

(Sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Ngày 16-10-1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1. Ảnh: TTXVN.

Quân đoàn 1-Binh đoàn Quyết Thắng là quân đoàn chủ lực cơ động dự bị chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trước đó, với tư duy quân sự sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị thành lập các quân đoàn chủ lực. Sau khi được Bộ Chính trị nhất trí thông qua, tháng 6-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu: “Khẩn trương lập các quân đoàn, những “quả đấm chủ lực” sẵn sàng sử dụng ở thời điểm quyết định, nghiên cứu phương thức tác chiến theo hướng tiêu diệt chi khu, quận lỵ, chiến đoàn, lữ đoàn địch đi ứng cứu, tiêu diệt sư đoàn địch”.

Sau một thời gian chuẩn bị, các quân đoàn chủ lực của quân đội ta lần lượt được thành lập: Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết Thắng (24-10-1973) đứng chân ở miền Bắc. Quân đoàn 2 mang tên Binh đoàn Hương Giang ở Trị-Thiên (17-5-1974). Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long ở Đông Nam Bộ (20-7-1974). Quân đoàn 3 mang tên Binh đoàn Tây Nguyên ở Tây Nguyên (26-3-1975). Sự ra đời của các quân đoàn ở cả hậu phương và ngay tại chiến trường miền Nam đánh dấu bước trưởng thành, sự lớn mạnh của Quân đội ta sau gần 30 năm xây dựng và chiến đấu, tạo tiền đề thực hiện những trận quyết chiến chiến lược, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Các đại biểu tham quan mô hình học cụ huấn luyện chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng bộ Quân đoàn 1 nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Báo Ninh Bình.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 vừa thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc-hậu phương chiến lược của cả nước, vừa chủ động khắc phục khó khăn để tổ chức cuộc hành quân “thần tốc” vượt chặng đường dài hơn 1.700km từ Bắc vào Nam chỉ trong 11 ngày đêm, kịp thời vào trực tiếp tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với lối đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân đoàn đã tiến công đánh chiếm những mục tiêu quan trọng có tính chiến lược trong hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn; tiêu diệt và bức hàng hoàn toàn Sư đoàn 5 ngụy giải phóng tỉnh Bình Dương; táo bạo thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu-cơ quan đầu não của Quân ngụy Sài Gòn, Quận lỵ Gò Vấp, Tiểu khu Gia Định, góp phần quan trọng giải phóng Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau ngày đất nước được giải phóng, trước yêu cầu khẩn trương của sự nghiệp cách mạng, Quân đoàn 1 lại một lần nữa thực hiện cuộc hành quân “Thần tốc” từ miền Nam trở về miền Bắc làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cơ động dự bị chiến lược của Bộ. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên các vùng biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, Quân đoàn 1 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện lực lượng tăng cường cho các đơn vị chiến đấu ở tuyến trước, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu phòng ngự thay phiên, giữ vững một vùng biên cương Tổ quốc, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Bộ đội Sư đoàn 312 và xe tăng Lữ đoàn 202, Quân đoàn 1 luyện tập hiệp đồng chiến đấu. Ảnh: qdnd.vn. 

48 năm qua, dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ quân đoàn đoàn kết một lòng, hăng hái phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những chiến công và thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước, Quân đoàn 1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (29-8-1985).

Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, các đơn vị của Quân đoàn 1 được trang bị thêm nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; tổ chức nhiều cuộc diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học-nghệ thuật quân sự hoặc “làm mẫu” thực nghiệm cho toàn quân huấn luyện chiến đấu.

Sự kiện quốc tế

Hiến chương Liên hợp quốc do Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc soạn thảo đã được thông qua tháng 6-1945 tại Hội nghị Xan Phranxixccô gồm đại diện 50 nước và có hiệu lực từ ngày 24-10-1945. Ngày 24-10 hàng năm được gọi là Ngày Liên hợp quốc.

Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc từ tháng 9-1977. Trong những năm qua, các tổ chức của Liên hợp quốc như: PAM, UNICEF, FAO, UNDP, UNFPA, UNESCO, IMF, WB đã hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, công tác dân số...

(Sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)

Theo dấu chân Người

Ngày 24-10-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 24-10-1926, trên tờ “Thanh Niên” của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát hành tại Quảng Châu đăng bài “Nhân đức của Pháp” của Nguyễn Ái Quốc lên án vụ thực dân Pháp cho phá đê sông Hồng để bảo vệ cho thành Hà Nội nơi người Pháp sinh sống làm chết nhiều người dân bản xứ.

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu. 

Ngày 24-10-1946, tại buổi tiệc trà chiêu đãi đại biểu các giới nhân dân Thủ đô sau chuyến thăm nước Pháp, Bác nói: “Từ trước tới giờ, chúng ta đã đồng tâm hiệp lực chịu khó làm việc, nên chúng ta đó thu được ít nhiều thành công. Bây giờ chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực gánh vác việc nước, việc công hơn nữa”.

Cùng ngày, Bác viết thư gửi các cháu thiếu nhi để bày tỏ cảm xúc: “Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu: 1. Phải siêng học, 2. Phải giữ sạch sẽ, 3. Phải giữ kỷ luật, 4. Phải làm theo đời sống mới, 5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”.

Ngày 24-10-1962, Bác đến xem Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962 và đưa ra nhận xét: “Các tranh tượng đã nói lên được tình người, tả chân thực những người lao động bình thường. Anh chị em đã cố gắng đi vào đời sống, thế là tốt. Nhưng tranh chưa nói lên được khí thế thi đua của quần chúng. Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong phần viết về “Vấn đề cán bộ”, Người nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng... “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa (Tập II), NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chủ Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951. Ảnh tư liệu. 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy về trọng dụng nhân tài, về cách đánh giá, sử dụng cán bộ, cách huấn luyện cán bộ, đồng thời Bác luôn là một tấm gương mẫu mực về năng lực, phong cách, tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. Điều đó có nghĩa là mỗi cán bộ đều phải có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa có đức vừa có tài-những yếu tố tạo nên nhân cách, bản lĩnh của người cán bộ cách mạng. Trong đó, đức phải được đặt lên hàng đầu, đức là “gốc”, bởi “cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Và vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây có giá trị, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng người có ích cho công việc chung. Hồ Chủ tịch cũng luôn nhắc nhở chúng ta phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ, “dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một thất bại”.

Bàn về công tác cán bộ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải thường xuyên đánh giá cán bộ; phải đánh giá cán bộ khách quan, toàn diện, nhất là về năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc và đánh giá cán bộ phải công tâm, minh bạch. Đánh giá xong rồi dứt khoát phải coi trọng khâu huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Người khẳng định: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. 

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, tháng 12-1958. Ảnh tư liệu.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn mang tính thời sự trong tình hình hiện nay, cần được vận dụng một cách phù hợp, hiệu quả; tránh hình thức, giáo điều, chạy theo thành tích; đặc biệt, phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhằm tiếp tục thực hành “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo lời dạy của Bác, từ Đại hội III đến Đại hội XII, nội dung “xây dựng Đảng về đạo đức” đã được bổ sung, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, toàn diện bao gồm cả đạo đức cách mạng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thực tế cho thấy công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, nên ngày 19-5-2018 Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây chính là “chiến lược về cán bộ của thời kỳ phát triển mới”.

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: vtv.vn. 

Theo đó, Đại hội XIII quyết định tách nội hàm cán bộ từ “xây dựng Đảng về tổ chức” ra riêng để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giải quyết vấn đề cán bộ: “Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ-nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là bước đột phá tư duy lý luận của Đảng trong nhìn nhận, cân nhắc vấn đề xây dựng Đảng với trọng tâm, trọng điểm và căn cốt là công tác cán bộ.

Ngày nay, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với tính chủ động, đa phương, đa dạng ngày càng cao; trong khi, các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết tận dụng cơ hội chúng ta “mở cửa hội nhập” để tập trung mũi nhọn tấn công vào đội ngũ cán bộ của Đảng, nhất là cán bộ trẻ, họ lấy đó làm mục tiêu để thực hiện chiến lược chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm lôi kéo, mua chuộc, đào tạo, chuyển hóa… tạo ra một đội ngũ cán bộ lãnh đạo “thế hệ mới-đổi màu” ý thức hệ chính trị, đưa đất nước ta chệch hướng XHCN.

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2019. Ảnh: tinhuygialai.org.vn.

Thực tế, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 10-1-2020 đã chỉ rõ: Từ năm 2016 đến nay, đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hàng chục sĩ quan trong LLVT… Nhìn vào con số này, có cán bộ, đảng viên chân chính nào lại không đau lòng và đây cũng là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần ngăn chặn kịp thời.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo đường lối lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ vẫn là “gốc”. Từ vai trò, trách nhiệm đến phẩm chất, năng lực đều có những yêu cầu mới cao hơn. Người cán bộ phải được nâng tầm và “tự nâng cao” trình độ lý luận chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kiến thức pháp luật; phải “rèn đức, luyện tài”, trong đó đức vẫn là “gốc” của “gốc”, muốn vậy, mỗi người phải đưa việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào thường xuyên, phải “tự soi, tự sửa” hằng ngày. Theo đó, công việc huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng đánh giá cán bộ cũng phải có bước phát triển tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Đúng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng năm 2018: “Càng ngày càng thấm thía cán bộ là cái gốc của công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, do vậy cũng có thể nói nếu xây dựng Đảng là then chốt, thì công việc của ban tổ chức các cấp cũng là then chốt của then chốt. Nếu cái chốt này mà rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ, nếu chẳng may cái chốt này nó mọt, nó trục trặc, thì không biết tình hình sẽ thế nào... Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, sự cố gắng vươn lên của từng cấp ủy các cấp, cùng cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”.

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 24-10-1963, trang nhất Báo QĐND số 1271 đăng bức thư với tiêu đề “Lời Hồ Chủ tịch trong buổi tiếp các đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế” nhân sự kiện Hội nghị của Ủy ban công đoàn quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân miền Nam Việt-Nam.

Ngày này năm xưa: 24-10-1973: Quân đoàn 1 ra đời như thế nào?
Trang nhất Báo QĐND ngày 24-10-1963, 22-10-1964 và 24-10-1969.

Báo QĐND số 1427 ngày 24-10-1964 đăng tải bài viết về chuyến thăm hữu nghị nước ta của Tổng thống Mô-đi-bô Cây-ta đã thành công tốt đẹp, được trích từ thông cáo chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng thống Mô-đi-bô Cây-ta ngày 22-10-1964.

Trang nhất Báo QĐND số 3027 ngày 24-10-1969 đăng bức ảnh Hồ Chủ tịch ân cần thăm hỏi các chiến sĩ khi Người đến thăm một đơn vị phòng không và không quân, sáng mồng một Tết Kỷ Dậu (1969).

Nguồn QĐND ĐIỆN TỬ
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập