image banner
4 tại chỗ, 3 kịp thời góp phần chữa cháy rừng hiệu quả
Lượt xem: 74
Đâu là yếu tố quyết định để kiểm soát, khống chế nhanh đám cháy, hạn chế thiệt hại, bảo vệ rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Phóng viên Báo Lào Cai đã có buổi trò chuyện với đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai – người trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên để có câu trả lời.

“4 tại chỗ”, “3 kịp thời” góp phần chữa cháy rừng hiệu quả

 

baolaocai_6.jpg
Khu vực xảy ra cháy nhiều vách đá, núi cao, đường đi khó khăn và gió lớn nên khó khăn trong bố trí lực lượng tiếp cận điểm cháy và chữa cháy.

 

Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá về nguyên nhân, mức độ thiệt hại vụ cháy rừng xảy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa (từ ngày 19/2 đến ngày 22/2/2024)?

Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh: Vụ cháy rừng xảy ra tại xã Tả Van, thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên từ ngày 19 đến ngày 22/2/2024, qua kết quả xác định sơ bộ đã gây thiệt hại khoảng 4 ha rừng trồng và 31 ha rừng chưa có trữ lượng, chủ yếu là thảm cỏ, cây bụi, cây tái sinh rải rác.

 

11.jpg
Nỗ lực dập lửa cứu rừng Hoàng Liên.

 

Hiện nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang phối hợp với các cơ quan chức năng (công an, kiểm lâm, UBND xã Tả Van) tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trường để đánh giá mức độ thiệt hại. Đồng thời điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra vụ cháy để đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ về những giải pháp đã triển khai trong công tác chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên?

Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh: Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, chủ rừng, chính quyền, lực lượng chức năng đã vào cuộc triển khai ngay các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”: Kịp thời huy động lực lượng tại chỗ đến tăng cường, chủ công là các tổ bảo vệ rừng, dân quân, bộ đội, công an, kiểm lâm, cán bộ và nhân dân trên địa bàn, với gần 3.000 lượt người tham gia.

Công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy kịp thời, quyết liệt ngay từ đầu, đảm bảo nhận định, đánh giá sát tình hình; huy động, bố trí lực lượng, phương tiện hợp lý; tổ chức xử lý tình huống và áp dụng các biện pháp chữa cháy phù hợp; cung cấp hậu cần đầy đủ; thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt giữa Sở chỉ huy với các lực lượng tham gia chữa cháy.

 

baolaocai_5.jpg

 

 

 

z5182224903535_7c9020061d3c05b4f94728d6d7be9886.jpg
Ứng dụng các phương tiện kỹ thuật số tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng.

 

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các phương tiện kỹ thuật số hiện đại phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng được áp dụng như thiết bị bay flycam, GPS, điện thoại vệ tinh, bộ đàm liên lạc công suất lớn, hệ thống máy tính xử lý bản đồ chỉ huy chữa cháy tốc độ cao… góp phần phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức chữa cháy rừng.

Phóng viên: Những kinh nghiệm được rút ra trong công tác chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh: Qua việc tổ chức chữa cháy, có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đó là: Huy động kịp thời, phân công hợp lý, sử dụng tối đa lực lượng tại chỗ gồm dân quân tự vệ, các tổ bảo vệ rừng và Nhân dân ở tại thôn xã nơi xảy ra cháy rừng là những người hiểu, thông thuộc địa hình có sức khỏe tốt; Kịp thời, quyết liệt ngay từ đầu, trong đó người chỉ huy chữa cháy hiện trường phải am hiểu tình hình thực tế có kiến thức và khả năng tổ chức, chỉ đạo lực lượng chữa cháy; Huy động tốt phương tiện, dụng cụ chữa cháy, trong đó chú trọng khai thác sử dụng một số trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, đồng thời huy động, sử dụng tối đa các loại dụng cụ, phương tiện tại chỗ sẵn có trong dân phục vụ chữa cháy; Bảo đảm hậu cần tại chỗ có ý nghĩa lớn đối với thành công việc tổ chức chữa cháy có quy mô lớn, dài ngày, đảm bảo người tham gia chữa cháy có đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, chính là thực hiện tốt phương châm “3 kịp thời”, đó là: Phát hiện đám cháy sớm, việc phát hiện đám cháy sớm khi đám cháy còn nhỏ nên lực lượng huy động sẽ ít hơn; Huy động lực lượng chữa cháy nhanh, ngay khi phát hiện, xác định quy mô đám cháy phải huy động ngay lực lượng có mặt gần nhất và nhanh nhất để kịp thời tiếp cận đám cháy trong thời gian sớm nhất; Chữa cháy triệt để, các đám cháy có thể xuất phát từ những tàn lửa hoặc là những đám lửa rất nhỏ cho nên sau khi khống chế đám cháy xong, các lực lượng chữa cháy phải xử lý triệt để các tàn lửa trong các gốc cây, đám than còn sót lại tránh việc khi có gió to sẽ mang vật liệu cháy từ nơi này sang nơi khác và tránh việc đám cháy lại.

Thứ ba, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong chữa cháy rừng dù là đám cháy nhỏ hay đám cháy lớn thì người đứng đầu của hệ thống chính trị của cấp cháy đó phải vào cuộc và chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, có như vậy khả năng thành công của công tác chữa cháy sẽ rất cao.

 

baolaocai_3.jpg
baolaocai_4.jpg
Huy động lực lượng tại chỗ, góp phần chữa cháy rừng hiệu quả.

 

 

 

2024_02_20_11_38_IMG_4217.JPG
Bữa cơm vội của lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

 

Thứ tư, phải dựa vào lực lượng quần chúng Nhân dân và huy động sức mạnh tổng hợp của Nhân dân từ việc huy động lực lượng, phương tiện đến huy động công tác hỗ trợ, bảo đảm hậu cần.

Thứ năm, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tổ chức chữa cháy rừng, như sử dụng thiết bị bay flycam để xác định vị trí đám cháy, nguy cơ cháy lan, các hướng tuyến để điều động lực lượng chữa cháy (coi như “mắt” của chỉ đạo, chỉ huy); sử dụng các thiết bị liên lạc bộ đàm cầm tay công suất lớn, tầm hoạt động rộng để chỉ đạo, chỉ huy thống nhất lực lượng tham gia chữa cháy (coi như “tai” của chỉ đạo, chỉ huy).

 

a.jpg
z5188344705517_2235d4a3813f5d774de31f5b122403e3 (1).jpg
Thống nhất trong công tác chỉ huy, chỉ đạo trong suốt quá trình là một trong yếu tố quan trọng góp phần chữa cháy rừng hiệu quả.

 

Thứ sáu, thống nhất công tác chỉ huy, chỉ đạo trong suốt quá trình chữa cháy: Đối với đám cháy lớn, rộng có nhiều điểm cháy nhỏ cần phải có Sở chỉ huy trung tâm và người chỉ huy trung tâm (là người có chức vụ quyền hạn cao nhất hoặc là được phân công chịu trách nhiệm cao nhất ở đó); người chỉ huy đó phải phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người chịu trách nhiệm tiếp theo như: Chỉ huy các mũi chữa cháy trực tiếp ở từng khu vực.

Đối với thực tế ở Lào Cai, người chỉ huy các lực lượng chữa cháy trực tiếp thường là người đứng đầu các đơn vị quân đội, công an, kiểm lâm các cấp có mặt tại hiện trường; tham mưu kỹ thuật biện pháp tổ chức chữa cháy rừng là Kiểm lâm hoặc là người có kiến thức, kinh nghiệm về chữa cháy.

Đối với chỉ huy về công tác hậu cần phải là người có kinh nghiệm trong việc kêu gọi các nguồn lực ủng hộ và tổ chức bố trí sắp xếp con người phương tiện để tiếp ứng hậu cần cho toàn bộ người trực tiếp tham gia chữa cháy; đối với người chỉ huy điều phối các phương tiện, thiết bị phục vụ việc chữa cháy, thông tin liên lạc phải có tầm nhìn bao quát, nhu cầu của các hoạt động để kịp thời phân bổ nguồn lực cần thiết.

Phóng viên: Cuối cùng, xin đồng chí đánh giá về nguy cơ cháy rừng thời gian tới và giải pháp tiếp theo nhằm phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả?

Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh: Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng rõ rệt tới đời sống xã hội nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng. Trong thời điểm khô hanh, nắng nóng kéo dài, cộng với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, sự bất cẩn của người dân trong việc đốt dọn nương, xử lý thực bì, sử dụng lửa trong sinh hoạt, trong các hoạt động du lịch trong rừng…là nguyên nhân, nguy cơ cao gây ra những đám cháy và cháy lan vào rừng. Vì vậy, hoạt động phòng ngừa là nguyên tắc hàng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

 

baolaocai_1.JPG
Khung cảnh yên bình ở thôn Séo Mý Tỷ.

 

Để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng tới mọi người dân cần được ưu tiên hàng đầu, thực hiện thường xuyên, liên tục. Tiếp đến, các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, chủ rừng và người dân cần hiểu rõ trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cơ cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng cần thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm các điểm cháy; đồng thời hướng dẫn các biện pháp sử dụng lửa an toàn trong sản xuất và sinh hoạt trong thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng. Các đơn vị liên quan như: kiểm lâm, quân sự, công an, dân quân tự vệ, các tổ/đội bảo vệ rừng phải được thực tập phương án chữa cháy rừng, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy rừng, bảo đảm luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

Theo nguồn Báo Lào Cai Điện tử
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập