image banner
Cảnh báo việc sử dụng thông tin tiêm chủng để bán thực phẩm chức năng
Lượt xem: 185
Thời gian gần đây, một số người phản ánh tình trạng có số điện thoại lạ gọi đến tư vấn mua thực phẩm chức năng, đặc biệt, họ biết rõ thông tin cá nhân, quá trình tiêm chủng của trẻ.

Chị Trần Mai A., ở xã Quang Kim (Bát Xát) kể: Khi tôi sinh con được hơn 1 tháng, có số điện thoại lạ gọi đến. Họ nói rất rõ thông tin cá nhân của tôi và còn biết tôi mới sinh con nên tôi nghĩ đó là nhân viên ngành y tế. Trong quá trình trao đổi, họ tư vấn cho tôi mua các sản phẩm canxi, vitamin. Khi tôi trả lời đang sử dụng sản phẩm canxi thì họ khẳng định ngay “loại canxi chị đang dùng không tốt cho phụ nữ sau sinh”. Thế rồi, họ giới thiệu một số loại canxi, vitamin và nói rằng do bác sỹ ở bệnh viện tuyến trung ương kê, phải đặt trước vài tháng mới có, rất quý và hiếm. Họ còn hỏi thăm sức khỏe của bé, cho rằng hiện tượng quấy khóc, rụng tóc vành khăn... là do thiếu canxi, vitamin và tư vấn, vì thế tôi mua thuốc của họ.

Thông tin tiêm chủng của trẻ được quản lý chung  trên phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Tương tự, chị Nguyễn Thị N., ở phường Sa Pa (thị xã Sa Pa) rất hoang mang bởi cách đây không lâu, có số điện thoại gọi và giới thiệu làm việc tại Trung tâm Tiêm chủng quốc gia liên hệ để tư vấn. Người này cũng đọc rõ thông tin cá nhân như tên, địa chỉ nhà của chị N. và thông tin của con chị, biết bé tiêm những mũi tiêm gì, ở phòng tiêm nào. “Thấy họ biết rõ thông tin của mình, tôi chia sẻ tình trạng của con và được họ tư vấn rằng, tôi cần bổ sung canxi cho con với liệu trình 3 tháng. Ban đầu tôi đồng ý, nhưng sau đó người nhà khuyên ngăn nên tôi không mua nữa. Tôi đã hỏi phòng tiêm chủng vắc-xin nơi con tôi tiêm thì được khẳng định, nhân viên phòng tiêm không gọi điện tư vấn gì. Không hiểu họ lấy thông tin của tôi và con tôi từ đâu?”, chị N. thắc mắc.

Phòng tiêm chủng vắc-xin A.K, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) là địa chỉ tiêm chủng dịch vụ tin cậy của nhiều người. Nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc có số điện thoại thông tin về lịch sử tiêm chủng của con tại Phòng tiêm chủng vắc xin A.K, sau đó tư vấn mua thực phẩm chức năng, cơ sở này đã lập tức đăng cảnh báo trên fanpage.

Bác sỹ Trần Thị Lệ Hằng, phòng tiêm chủng vắc-xin A.K khẳng định: Chúng tôi không liên lạc với khách hàng để tư vấn hoặc rao bán bất kỳ sản phẩm nào, chỉ thực hiện dịch vụ theo đăng ký kinh doanh là tiêm chủng vắc-xin.

Trước thông tin phản ánh của khách hàng, bác sỹ Trần Thị Lệ Hằng đã trực tiếp gọi cho số điện thoại đó để nhờ tư vấn cho con gần 1 tháng tuổi và chị cũng nhận được lời khuyên nên mua canxi cho con uống, liệu trình 6 tháng.

Bác sỹ Hằng cho biết thêm: Đơn vị chúng tôi sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Lịch sử tiêm chủng của trẻ được lưu trên phần mềm nên chỉ cần vào được phần mềm thì có thể tra được thông tin tiêm chủng của trẻ ở bất cứ tỉnh, thành phố nào. Một số cá nhân đã lấy thông tin, liên lạc với cha mẹ trẻ để tư vấn bán sản phẩm.

Tiêm chủng cho trẻ tại Phòng tiêm chủng vắc-xin Thành Công.

Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015, mỗi trẻ được cấp 1 mã số tiêm chủng để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời. Cơ sở y tế sẽ theo dõi số lần tiêm chủng, các loại tiêm chủng, số mũi tiêm còn thiếu, thời điểm tiêm chủng tiếp theo... hạn chế việc tránh tiêm sót, chồng chéo mũi tiêm do bố mẹ không nhớ rõ lịch tiêm hoặc tiêm ở nhiều cơ sở y tế khác nhau. Tuy nhiên, hiện tượng có một số đối tượng lợi dụng thông tin trên phần mềm để tuyên truyền, kinh doanh đang đặt ra câu hỏi lớn về việc quản lý thông tin trên phần mềm.

Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc nhập họ tên, thông tin tiêm chủng của trẻ vào phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là bắt buộc. Trước tình trạng một số đối tượng lấy được thông tin để gọi điện, tư vấn mua thực phẩm chức năng, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh nên thận trọng, cảnh giác. Ngành y tế cũng đã chỉ đạo, quán triệt phòng tiêm chủng tư nhân và công lập trên địa bàn tỉnh được quyền quản lý tài khoản của phần mềm tiêm chủng mở rộng quốc gia tuyệt đối không tư vấn bán và cung cấp thực phẩm chức năng qua điện thoại.

Ông Lục Hậu Giang cũng cho biết: Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh, chỉ cung cấp các vi chất dinh dưỡng. Bởi vậy, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh cân nhắc trước khi sử dụng cho con, em mình.

Việc nghe và tin vào những người bán hàng trên mạng xã hội, qua điện thoại, nhất là đối tượng giả danh để trục lợi rất dễ dẫn đến “lợi bất cập hại”. Người dân cần có sự kiểm chứng thông tin trước khi mua hàng, tránh bị lợi dụng.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập