image banner
Lào Cai đề xuất khẩn với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung
Lượt xem: 894

Tiếp sau bài “Nhà máy Gang thép Lào Cai đứng trước nguy cơ dừng sản xuất” đăng trên Báo Lào Cai điện tử ngày 9/8/2021, Báo Lào Cai tiếp tục nhận được nhiều thông tin có liên quan đến nội dung này, trong đó có việc UBND tỉnh đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Các công văn này đều nêu rõ tình hình và khẳng định việc Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ VTM là hết sức cần thiết và cấp bách, tránh những thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính và hoạt động sản xuất theo dây chuyền tại dự án này và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư của địa phương.

Sản phẩm phôi thép của Nhà máy Gang thép Lào Cai làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó.

Theo thông tin mà Báo Lào Cai tiếp nhận, sau khi VTM có “Báo cáo khẩn” ngày 20/7/2021 và Công văn số 3509/UBND - TK ngày 30/7/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho liên doanh sản xuất thép đang có kết quả sản xuất tích cực trong thời gian qua.

Cụ thể, công văn của UBND tỉnh nêu, theo báo cáo của VTM, trong 6 tháng đầu năm 2021, việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; đặc biệt, Nhà máy Gang thép Lào Cai hoạt động cầm chừng do nguyên liệu đầu vào chỉ đáp ứng khoảng 70% đến 80% công suất khiến tiêu hao nhiên liệu tính trên đơn vị sản phẩm lớn. Riêng tháng 7/2021, sản lượng Nhà máy Gang thép Lào Cai chỉ đạt 23.000 tấn, bằng 50% năng lực thiết kế, trong khi nguồn nguyên liệu cũng chỉ đủ cho VTM duy trì sản xuất hết tháng 8, nếu không được bổ sung kịp thời thì nguy cơ tắt lò, dừng hoàn toàn sản xuất là rất lớn.

Công văn số 3509/UBND-TK cũng nêu việc dừng sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế và an sinh xã hội của địa phương như: 1.387 lao động sẽ mất việc làm, không có thu nhập, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó tìm được việc làm thay thế; dừng hoạt động cũng đồng nghĩa với thiết bị nhà máy xuống cấp, hư hỏng và khi khởi động lại lò cao sẽ phải chi phí tới 70 tỷ đồng, nếu dừng lâu phải xây dựng lại lò mới thì mức độ thiệt hại lại càng khó lường.  

UBND tỉnh Lào Cai cũng cập nhật hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trong đó nêu rõ, nhờ tình hình thuận lợi của thị trường thép và những nỗ lực của VTM về tổ chức lại bộ máy, giảm chi phí sản xuất, nên trong 6 tháng đầu năm 2021 sản lượng chỉ tăng 9% nhưng lợi nhuận vẫn đạt 302 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 6 tháng năm 2020 lỗ tới 348 tỷ đồng; VTM cũng đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu hoàn chỉnh, có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực thực tế và đang báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, đúng như Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 25/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc cấp giấy phép khai thác mỏ Quý Xa cho VTM. Công văn của UBND tỉnh Lào Cai cũng nhận định rằng, trong thời gian tới, tình hình thị trường thép tiếp tục có nhiều thuận lợi và hoạt động sản xuất phôi thép của VTM tiếp tục mang lại lợi nhuận nếu đủ nguồn cung nguyên liệu.

Từ những lý do này, UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương có hướng giải quyết khó khăn về nguồn nguyên liệu quặng sắt phục vụ cho hoạt động sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai nhằm duy trì việc làm cho gần 1.400 lao động, ổn định kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu phát triển và các quy định hiện hành. UBND tỉnh đề xuất giải pháp là Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, sớm giải quyết đề nghị của VTM về việc xin khai thác ứng trước 1 triệu tấn quặng limonit tại mỏ Quý Xa thuộc phần khối lượng 12,57 triệu tấn mà doanh nghiệp này đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng thực tế chưa khai thác.

Nếu thiếu nguyên liệu đầu vào thì cuối tháng 8 này Nhà máy Gang thép Lào Cai sẽ phải buộc ngừng lò luyện, như vậy sẽ gây nhiều thiệt hại về kinh tế.

Trước đó, ngày 16/7/2021, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2631/UBND-KT và ngày 5/5/2021 có Công văn số 1794/UBND-KT đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn cho VTM về nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất. Tại thời điểm báo cáo các công văn này cũng nêu rõ, tính đến thời điểm 31/12/2020, VTM lỗ lũy kế 1.376 tỷ đồng nhưng sau đó 3 tháng đã có lãi tới 84 tỷ đồng và tính đến giữa tháng 4/2021, VTM đã không còn nợ ngân sách Nhà nước về thuế, phí, các khoản tiền nộp chậm (trừ khoản thu đóng góp xây dựng hạ tầng theo Nghị quyết HĐND tỉnh Lào Cai, VTM cam kết hoàn thành nghĩa vụ trong quý II năm 2021). Tại các công văn này, UBND tỉnh Lào Cai nhận định rằng, nếu thiếu nguyên liệu, dừng sản xuất sẽ dẫn tới hàng loạt phát sinh khó khăn cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, khả năng phá sản của VTM là rất lớn, điều đó không những ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội địa phương mà còn tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, quan hệ ngoại giao giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Gần 1.400 lao động của VTM sẽ thất nghiệp nếu Nhà máy Gang thép Lào Cai dừng hoạt động.

Làm việc với phóng viên Báo Lào Cai, ông Ngô Sĩ Hiếu, Phó Tổng giám đốc VTM đã đề cập tới những khó khăn nội tại và cấp bách chưa được giải quyết liên quan chặt chẽ tới quyết định cho phép khai thác tạm ứng 1 triệu tấn quặng làm nguyên liệu duy trì sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai. Ông Hiếu cũng cho biết, tháng 12/2014 VTM đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với cơ cấu vốn dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai là 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn góp của các bên; 100% vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh là vay ngân hàng, VTM luôn phải đối mặt với áp lực trả nợ rất lớn, bao gồm nợ lãi và trả nợ gốc. Với dự án dây chuyền cán thép 500 nghìn tấn/năm và dự án rửa quặng 250 nghìn tấn/năm, do VTM không bố trí được vốn đối ứng nên Ngân hàng Viettinbank không xem xét đề nghị tài trợ vốn. Hiện toàn bộ tài sản của VTM đều đã thế chấp cho Viettinbank, ngân hàng này cũng là nhà tài trợ vốn duy nhất cho Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai và Dự án khai thác mỏ Quý Xa theo hợp đồng đã ký kết, mọi giao dịch của VTM đều phải thông qua tài khoản mở tại  Viettinbank.

Nhà máy Gang thép Lào Cai là đơn vị công nghiệp chế biến khoáng sản lớn của cả nước để gia tăng giá trị quặng sắt nguyên khai, cung cấp nguồn phôi thép chất lượng cho các nhà máy cán thép phục vụ xây dựng hạ tầng và phát triển công nghiệp nặng của đất nước, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Vì thế, việc Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tìm giải pháp duy trì hoạt động sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai là hết sức cần thiết và cấp bách.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập