image banner
Những sáng tạo lan toả trong công tác chính trị, tư tưởng
Lượt xem: 526
Chính trị, tư tưởng là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Từ thực tiễn trong những năm qua, nhất là trong 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện công tác chính trị, tư tưởng mang tính đột phá, qua đó tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị. Công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Từng bước nghiên cứu, xác định cơ chế, chính sách có tính tổng thể, phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng

Qua 30 năm thực hiện nghị quyết của 7 kỳ đại hội, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng của Đảng bộ đã thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc nghiên cứu ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án phù hợp với từng thời kỳ để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị, tiếp tục tạo sự đột phá tạo đà cho Lào Cai phát triển. Việc Đảng bộ tỉnh vận dụng chủ trương của Trung ương phù hợp với thực tiễn địa phương là quá trình vừa có sự kế thừa, bổ sung và vừa đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X (nhiệm kỳ 1991-1995) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đặt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó yêu cầu các đoàn thể quần chúng phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; phát huy vai trò làm chủ của quần chúng để đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung động viên quần chúng tích cực tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 29/6/1991 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động trong đó đề ra 4 nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Nhiệm kỳ 1996 - 2000 công tác chính trị, tư tưởng tiếp tục được quan tâm và đặt ra yêu cầu mới, trong đó nhấn mạnh việc tập trung làm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân nêu cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tiếp nối kết quả đạt được trong giai đoạn trước, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành 7 chương trình công tác trọng tâm và chỉ đạo xây dựng, thực hiện 29 đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội,… Trong đó có 3 nghị quyết, đề án về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Điểm nổi bật về thực hiện công tác chính trị, tư tưởng trong giai đoạn này là năm 2004 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy quyết định thành lập Trung tâm Thông tin - Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đặc biệt gồm 52 người. Năm 2005, Báo Lào Cai được phép xuất bản thêm tờ báo Lào Cai cuối tuần, đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhân dân các dân tộc của tỉnh nhà.

 

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (Các khóa XIV, XV, XVI) Tỉnh ủy ban hành 03 đề án về công tác chính trị tư tưởng gồm: (1) Đề án số 25-ĐA/TU về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, khoa giáo giai đoạn 2011-2015; (2) Đề án số 17- ĐA/TU tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020; (3) Đề án số 17- ĐA/TU về nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn từ 2010 đến nay công tác chính trị, tư tưởng của Lào Cai tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, phương pháp, nhất là trong công tác tuyên giáo và công tác dân vận của Đảng. Mô hình tuyên vận ra đời là kết quả của sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác chính trị, tư tưởng và tuyên truyền, vận động ở cơ sở, là sản phẩm của ý Đảng, lòng dân. Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, giai đoạn 2015- 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo “một số vấn đề công tác tư tưởng” của Tỉnh ủy, trong đó phân công đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo giúp Tỉnh ủy thực hiện 3 lĩnh vực trọng tâm đó là: Công tác lý luận chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và công tác tuyên vận.

Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về củng cố nâng cao năng lực hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, giai đoạn 2013-2015; dự án xây dựng và di chuyển Trường Chính trị tỉnh về khu đô thị mới theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới, cải tạo, nâng cấp 9 trung tâm chính trị huyện, thành phố và Trường Chính trị tỉnh, đưa Lào Cai trở thành tỉnh có sự đầu tư quy mô, bề thế về cơ sở vật chất đối với trung tâm chính trị và Trường Chính trị tỉnh chuẩn hóa vào tốp đầu cả nước. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng được quan tâm, bố trí, sắp xếp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ biên chế, cập nhật nội dung và đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm.

Đổi mới, tạo ra khâu đột phá, sức lan tỏa trong các lĩnh vực trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở, trong đó bí thư cấp ủy chủ trì việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết của cấp mình. Nét mới là việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết đã được Tỉnh ủy áp dụng bằng nhiều phương pháp đa dạng, đổi mới (học trực tuyến, truyền hình trực tiếp, lựa chọn và mời báo cáo viên có chất lượng của Trung ương tham gia truyền đạt tại tỉnh, kiểm tra kết quả học tập viết thu hoạch thông qua trắc nghiệm, thi tìm hiểu nghị quyết trực tuyến trên Internet,...). Nhờ đó, việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đã đi vào nền nếp, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy đã tổ chức trên 2.000 hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng với hình thức, phương pháp, chất lượng ngày càng cao trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, quán triệt nội dung. Trong đó trên 70% hội nghị được thực hiện bằng hình thức truyền hình trực tiếp, trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở do đó mở rộng đến nhiều đối tượng cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia.

Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đạt kết quả nổi bật. Tỉnh ủy tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học có tính lý luận và tầm ảnh hưởng lớn như: năm 2013 tổ chức Hội thảo “Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho Nhân dân các dân tộc Lào Cai”; năm 2016 tổ chức Hội thảo khoa học “Lào Cai 25 năm tái lập (01/10/1991 - 01/10/2016) - Bài học kinh nghiệm và giải pháp phát triển trước yêu cầu, nhiệm vụ mới,... Xuất bản nhiều ấn phẩm quan trọng, có giá trị như: Bộ 30 tập văn kiện Đảng bộ tỉnh Lào Cai từ khóa I đến khóa XV; sách “Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai”; sách “Lào Cai 25 năm tái lập đổi mới, phát triển (1991 - 2015) - Tầm nhìn và hành động”;... Đến năm 2020, toàn tỉnh đã xuất bản 214 công trình lịch sử đảng, lịch sử ngành, địa phương (cấp tỉnh 59 đơn vị, cấp huyện 43 đơn vị, cấp xã 112 đơn vị). Đặc biệt năm 2021 hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực chính trị, tư tưởng (lịch sử tỉnh Lào Cai gồm 3 tập, lịch sử 30 năm tái lập tỉnh, sách “30 năm - Lào Cai sáng tạo”,...) qua đó khẳng định tinh thần đi trước, mở đường trong hiện thực hóa các chủ trương, quyết sách của tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động.

Việc triển khai nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, thể hiện tiên phong, đi trước, đi đầu so với chỉ đạo của Trung ương. Ngay trong năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TU ngày 22/12/2011 về “Một số nội dung tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ban hành bộ tiêu chí chấm điểm đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện từ cơ sở với hơn 100 tiêu chí. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và thực tiễn đặt ra, Tỉnh ủy ban hành Quy định số 08-QĐ/TU ngày 26/3/2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có tính toàn diện, đồng bộ. Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 26/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 28-QĐ/TU về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như vậy, trong thời gian chưa đầy 10 năm, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành 03 Quy định để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh việc học tập và làm theo Bác; điều đó cho thấy quyết tâm đổi mới, sáng tạo để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành thường xuyên, thực chất. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, Lào Cai đã biểu dương, khen thưởng cho trên 17.200 tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc; ghi danh được hơn 3.500 mô hình mới, tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác, và hàng vạn gương người tốt, việc tốt, những bông hoa giữa đời thường được biểu dương tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Trên cơ sở tổng kết giai đoạn thí điểm và quy định tạm thời về công tác tuyên vận, ngày 24/11/2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 60-QĐ/TU, chính thức đưa công tác tuyên vận trở thành việc làm thường xuyên của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Vấn đề quan trọng nhất của mô hình tuyên vận là đã bảo đảm tinh gọn bộ máy tuyên giáo, dân vận cấp xã, không phát sinh biên chế, bố trí 01 cán bộ chuyên trách tham mưu thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cho cấp ủy tại cơ sở. Thống nhất và chuẩn hóa hội nghị báo cáo viên ở các cấp tỉnh, huyện, xã hằng tháng, qua đó bảo đảm dòng chảy thông tin chính thống, liên tục, hai chiều. Mô hình tuyên vận đã khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ giữa các khâu trong công tác tư tưởng của Đảng ở cơ sở, nhờ đó công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Lào Cai có bước đi phù hợp, vận dụng sáng tạo những vấn đề lý luận, tôn trọng thực tiễn và luôn lấy thực tiễn là thước đo khi đưa ra quyết định có tính đột phá, chưa có tiền lệ về công tác tư tưởng, dân vận của Đảng ở cơ sở. Hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ của tỉnh được thực hiện theo quy hoạch, đúng định hướng. Năm 2012, Lào Cai chính thức đưa sóng phát thanh, truyền hình tỉnh lên vệ tinh Vinasat. Từng ngành, lĩnh vực liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng của tỉnh chủ động đổi mới để vượt qua thách thức trong thời kỳ bùng nổ thông tin, công nghiệp 4.0, thích ứng và hoạt động có hiệu quả.

Xác định vị trí, yêu cầu của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, với quan điểm “bảo vệ Đảng là bảo vệ chính mình”, Tỉnh ủy Lào Cai đã đề ra nhiều nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị. Thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch với đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực tiễn. Hệ thống kênh thông tin, truyên truyền, nhất là trên mạng xã hội từ tỉnh đến cơ sở hoạt động theo sự chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của Ban chỉ đạo 35 tỉnh với hơn 500 trang thông tin điện tử. Chỉ đạo, hướng dẫn thành lập trang tuyên truyền của các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và tất cả các trang của các xã, phường, thị trấn. Trang “Phan Si Păng điểm hẹn” của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh trong 03 năm (2018-2021) đã đăng tải, chia sẻ trên 7.000 tin, bài, hình ảnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên mạng xã hội. Lực lượng tham gia Ban Chỉ đạo 35 tỉnh làm tốt công tác phối hợp trong việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội cả ở cơ quan, đơn vị, địa phương và trên không gian mạng, định hướng tư tưởng nhất là khi có sự kiện, vấn đề tác động nhiều chiều trong dư luận xã hội và trên các trang mạng xã hội. Đã nhắc nhở 76 tài khoản, xử phạt hành chính 14 chủ tài khoản về hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Tổ chức kịp thời việc viết bài đấu tranh, chia sẻ lan toả thông tin tích cực, gỡ bỏ thông tín xấu, độc trên mạng xã hội. Kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh phát triển; góp phần quan trọng vào thành công của các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và của tỉnh trong thời gian qua.

Công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Lào Cai 30 năm qua luôn đồng hành cùng sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và phát triển tỉnh. Thành quả của công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc vào sự nghiệp đổi mới đất nước, của tỉnh, thực sự là nguồn lực to lớn bảo đảm cho Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc của Tổ quốc trong những năm tiếp theo.

TS. Dương Đức Huy, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai.
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập