image banner
Tầm nhìn quy hoạch
Lượt xem: 3443
Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, việc cần thiết là phải xác định vị trí thị xã tỉnh lỵ. Dù có những ý kiến khác nhau nhưng thị xã tỉnh lỵ Lào Cai (cũ) đã được lựa chọn với những luận cứ xác đáng, ngoài giá trị lịch sử thì địa thế nơi đây có một không hai, đó là nằm hai bên bờ sông Hồng, một cấu trúc địa hình phù hợp, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đô thị.

Phát triển đô thị dọc sông Hồng

An Dương Vương, một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố Lào Cai, cách đây 30 năm là bãi bồi ven sông phủ đầy lau sậy. Con đường hình thành khoảng 15 năm sau ngày tái lập, khi tỉnh bắt đầu thực hiện các quy hoạch dọc sông Hồng từ cầu Cốc Lếu đến cầu Phố Mới nhằm tạo quỹ đất xây dựng công trình dịch vụ, công trình nhà ở để có nguồn thu cho ngân sách. Với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bờ sông Hồng đã có sự biến đổi ngoạn mục, góp phần hình thành nên diện mạo đô thị hiện đại, xứng tầm là “cửa ngõ” với vùng Tây Nam Trung Quốc. Tiếp nối các thế hệ đi trước, tỉnh Lào Cai đang cụ thể hóa phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng với tầm nhìn rộng mở về không gian phát triển cả chiều dọc và chiều ngang. Ở phía Nam thành phố, cầu Làng Giàng - cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng - đang được triển khai xây dựng; bên bờ tả sông Hồng, dự án đường Phố Mới - Bảo Hà đang gấp rút hoàn thiện được ra đời từ tầm nhìn ấy.

Thành phố Lào Cai những năm đầu tái lập tỉnh.

Theo Viện Kiến trúc quy hoạch xây dựng Lào Cai, đến nay, dọc sông Hồng qua địa phận tỉnh Lào Cai về cơ bản đã được phủ kín quy hoạch chung như quy hoạch chung Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai; quy hoạch chung thành phố Lào Cai; quy hoạch chung đô thị Phố Lu; quy hoạch chung đô thị Bảo Hà - Tân An. Hai khu vực chưa có quy hoạch chung là khu vực kết nối đô thị thành phố Lào Cai với đô thị Phố Lu và khu vực kết nối đô thị Phố Lu với đô thị Bảo Hà - Tân An cũng đang được hoàn thiện.

Phương án quy hoạch chung xây dựng dọc sông Hồng đang được tỉnh nghiên cứu hoàn thiện với 5 phân vùng chức năng nhằm định hướng phát triển không gian dọc hai bên bờ sông Hồng. Tổ chức phát triển không gian đô thị, các điểm dân cư, các khu chức năng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ và sản xuất nông - lâm nghiệp. Với tầm nhìn mới, quy hoạch phân khu đô thị sẽ hướng ra sông Hồng, ưu tiên vành đai xanh kết hợp với cảnh quan đô thị, tạo không gian hài hòa để phát triển hai bên dòng sông.

Song song với việc hoàn thiện phương án quy hoạch chung, qua từng giai đoạn, các dự án hạ tầng kết nối theo chiều dọc và kết nối ngang cũng đã được triển khai. Nếu như trước đây kết nối dọc sông Hồng chỉ có Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E và đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì nay có thêm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Phố Mới - Bảo Hà. Các cây cầu bắc qua sông Hồng cũng được đầu tư xây dựng đảm bảo kết nối hai bên bờ sông, sau cầu Làng Giàng, cây cầu thứ 9 và thứ 10 là cầu Phú Thịnh và cầu biên giới Bản Vược cũng sẽ sớm được đầu tư xây dựng.

Giai đoạn tới, tỉnh đang xúc tiến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, nâng cấp đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Lai Châu... Đây cũng là tư duy mới, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa hai bờ sông và trải đều từ Bắc xuống Nam.

Trong chuyến khảo sát thực địa phương án quy hoạch chung xây dựng dọc sông Hồng mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong một lần nữa khẳng định: Trong tương lai, với hệ thống giao thông gồm 4 loại hình đường hàng không, đường thủy, đường sắt và đường bộ cùng hội tụ sẽ tạo ra dư địa lớn để các địa phương dọc hai bên bờ sông Hồng thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để tạo nên những không gian đô thị hiện đại, với quy mô, mật độ dân số hợp lý.

Hài hòa không gian kiến trúc

Theo định hướng quy hoạch vùng đã được phê duyệt, tỉnh Lào Cai hướng tới hình ảnh là một đô thị xanh, một đô thị khởi nguồn, năng động và hiện đại, ưu tiên đẩy mạnh phát triển các khu đô thị, các khu chức năng và các điểm dân cư nông thôn dọc sông Hồng. Nhìn ra thế giới, đến nay, đã có nhiều đô thị thành công với quy hoạch hai bên sông, được phát triển như sông Tiền Đường (Hàng Châu - Trung Quốc), sông Hàn (Seoul - Hàn Quốc), sông Thames (London - Anh), sông Seine (Paris - Pháp)... Những bài học kinh nghiệm từ các nước sẽ được đúc rút để Lào Cai hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng. Ngay tại các tỉnh, thành trong nước cũng có nhiều bài học đáng quý, điển hình là tại thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Lào Cai được phát triển cân đối dọc sông Hồng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Nguyễn Quốc Huy, phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng sẽ kế thừa những thành tựu của các thế hệ trước với các công trình xây dựng sẵn có, các dự án đã giao cho chủ đầu tư và một số đồ án quy hoạch khác, đảm bảo phù hợp với hiện trạng của sông Hồng, có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Tư duy mới về quy hoạch, kết hợp sử dụng quỹ đất theo hướng “xanh”, phát triển không gian công cộng và xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng đều được nghiên cứu phù hợp với thực tiễn. Một số quan điểm không còn phù hợp trước đây cũng được điều chỉnh, ví dụ như trước đây chỉ chú trọng xây dựng đô thị, nhà ở ven sông thì nay với không gian rộng mở, mật độ các công trình nhà ở, hạ tầng sẽ được phân bổ hợp lý.

Theo các chuyên gia xây dựng, phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng khi được hoàn thiện và triển khai sẽ là “chìa khóa” để mở cửa, khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh cả hiện tại và tương lai. Trong tương lai gần, các công trình hạ tầng hiện đại được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị bên sông. Đô thị hiện đại sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Những người dân Lào Cai đều hy vọng tương lai Lào Cai chẳng thua kém những thành phố ven sông trên thế giới.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập