image banner
Vị thế “cửa ngõ” hành lang kinh tế
Lượt xem: 478
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ giàu tiềm năng phát triển thương mại giữa các nước Đông Nam Á - Việt Nam với vùng Tây Nam rộng lớn của nước bạn Trung Quốc. Đặc biệt, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hội tụ đủ các loại hình vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy và tới đây là đường hàng không Cảng Hàng không được xây dựng.

 

Toàn cảnh Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Hiện nay, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai gồm Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành và Ga Đường sắt Quốc tế Lào Cai với hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, văn minh, hiện đại, đủ điều kiện trở thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN với thị trường Trung Quốc.

Tái lập tỉnh Lào Cai tháng 10/1991, cùng với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng đã mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị và thúc đẩy phát triển kinh tế Việt - Trung, làm thức dậy các hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự năng động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, Lào Cai đã sớm khai thông biên giới, thông xe cầu Hồ Kiều (tháng 5/1993), mở lại Cửa khẩu Quốc tế và khôi phục đoạn đường sắt Phố Lu - Lào Cai. 10 năm đầu tái thiết xây dựng lại Lào Cai đã thúc đẩy dịch vụ hàng hóa xuất - nhập khẩu và làm thay đổi diện mạo Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu.

Năm 1999, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hợp tác xây dựng cầu Hồ Kiều II và khánh thành vào tháng 1/2001; cùng với đó hoàn thành xây dựng khu cửa khẩu mới khang trang, hiện đại đã đặt mốc son mới cho sự phát triển về thương mại - dịch vụ - du lịch. Năm 2001, kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt hơn 100 triệu USD, đến năm 2005 đã đạt hơn 430,5 triệu USD.

Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100 ngày 26/5/1998 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai, Lào Cai đã có nhiều chính sách thông thoáng, thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, tham gia xuất - nhập khẩu. Cùng với đó, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được hình thành, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã phát huy tối đa lợi thế về vị trí “điểm đầu”, “cầu nối” trung chuyển hàng hóa trên tuyến.

Đến năm 2010, kim ngạch xuất - nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 800 triệu USD (gấp 8 lần năm 2001). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy sản và quặng các loại. Các mặt hàng nhập khẩu là hàng điện tử, thiết bị, máy móc, hóa chất, phân bón… Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động giao thương đã tạo bước chuyển mới cho dịch vụ cửa khẩu như ngân hàng, thương mại, dịch vụ…

Để tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch của nền kinh tế trong thời kỳ mới, Lào Cai đã tăng cường đầu tư xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu, Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, đưa vào vận hành Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, tạo môi trường thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa chính ngạch; mở rộng các dịch vụ cửa khẩu như tài chính, ngân hàng, tạm nhập, tái xuất, logistics...

Giai đoạn 2016 - 2019, giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai đạt 11,48 tỷ USD. Giai đoạn 2010 - 2020 tăng bình quân 20%/năm, riêng năm 2019 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 4,4 lần so với năm 2010.

Do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng Lào Cai đã có nhiều sáng tạo trong vận hành, quản lý hoạt động giao thương phù hợp với tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa duy trì lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu. Kết quả, kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Hoạt động xuất-  nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Việt Quang, Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết: Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hôm nay được xây dựng xứng tầm “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế phía Bắc của đất nước. Kết cấu hạ tầng cửa khẩu được xây dựng khang trang, hiện đại, với đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu chính quyền điện tử. Riêng đối với lực lượng hải quan Lào Cai đã có bước phát triển vượt bậc; từ khi thành lập là một chi sở với 20 cán bộ, công chức, đến nay Cục Hải quan Lào Cai đã có 11 đơn vị trực thuộc với hơn 200 cán bộ, công chức được đào tạo chuyên môn bài bản, cùng với hệ thống hạ tầng và phương tiện kỹ thuật hiện đại đủ tiềm lực thực hiện nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Những ngày phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua, với sự chung tay của lực lượng hải quan, biên phòng và các ngành hữu quan, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa logistics, hoạt động của cửa khẩu vẫn được duy trì. Thành tựu đạt được của Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, du lịch địa phương theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng kinh tế nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch giai đoạn 2001 - 2005 từ 33% lên 38,6%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng từ 42% lên 42,5%.

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng lực lượng hải quan vẫn phục vụ doanh nghiệp làm thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Thiếu tá Bùi Hồng Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai chia sẻ: Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh cung cấp hàng hóa và có tuyến đường vận chuyển hàng hóa đi qua đã đặt ra cho hoạt động xuất - nhập khẩu của tỉnh Lào Cai thêm nhiều khó khăn, thách thức, nhất là quản lý người xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm và sáng tạo trong công tác quản lý, phối hợp điều hành đồng bộ của các ngành hữu quan, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, góp phần giữ gìn an ninh biên giới, củng cố và tăng cường tình hữu nghị Việt - Trung.

Năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, vị trí, vai trò Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tiếp tục được phát huy với thời cơ và vận hội mới. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai được Thủ tướng cho điều chỉnh mở rộng, với nhiều chính sách mới; kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn. Công tác quản lý của các ngành chức năng tại cửa khẩu ngày càng chuyên nghiệp. Cùng với đó, các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu, tài chính, ngân hàng, tạm nhập tái xuất, logistics…phát triển phong phú, đa dạng. Công tác kiểm dịch y tế cửa khẩu, kiểm dịch động - thực vật, đảm bảo an toàn cho cửa khẩu trong phòng, chống dịch bệnh được quan tâm. Vì vậy, kim ngạch xuất - nhập khẩu luôn được duy trì theo hướng tăng tỷ trọng xuất - nhập khẩu chính ngạch.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, thành tựu đạt được trong hoạt động của Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc các lĩnh vực dịch vụ, du lịch của nền kinh tế địa phương và là yếu tố quan trọng khẳng định vị trí trong tốp đầu về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế Lào Cai là “cầu nối” của tuyến hành lang kinh tế lớn, giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng và bảo vệ khu vực biên giới hữu nghị, thân thiện và cùng phát triển.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập