image banner
Biểu tượng cảm xúc và lịch sử của trà
Lượt xem: 106
Từ Trung Quốc cổ đại cho đến nước Mỹ thế kỷ 20, loại đồ uống có mùi thơm này đã trải qua một quá trình phát triển mạnh mẽ.
anh tin bai

Trà xanh được thể hiện qua biểu tượng cảm xúc “tách trà không tay cầm” (trái). Biểu tượng cảm xúc “đồ uống nóng” (phải) lấy cảm hứng từ trà đen. Nguồn: smithsonianmag.com

 

Khi tìm kiếm biểu tượng cảm xúc (emoji) về trà trên các ứng dụng nhắn tin văn bản, một loạt tùy chọn sẽ xuất hiện. Một biểu tượng hình chiếc bát trắng chứa chất lỏng màu xanh lá, một biểu tượng khác có một chiếc đĩa lót dưới một chiếc cốc chứa đầy chất lỏng sẫm màu như cà phê. 

Những biểu tượng cảm xúc này thể hiện lịch sử lâu đời của trà – từ vị trí trung tâm trong truyền thống châu Á trở thành đồ uống toàn cầu. Trong lịch sử, từ “trà” dùng để chỉ trà xanh Trung Quốc, sau này là Nhật Bản, được minh họa bằng biểu tượng cảm xúc “tách trà không tay cầm”. 

“Thế giới uống trà xanh Trung Quốc khá muộn”, Erika Rappaport, tác giả cuốn sách “A Thirst for Empire: How Tea Shaped the Modern World” (tạm dịch: Khát vọng đế chế: Trà đã định hình thế giới hiện đại như thế nào). Mặt khác, trà đen “gần như là một hiện tượng của thế kỷ 20”, bà nói. Nó được thể hiện bằng biểu tượng cảm xúc thứ hai, có tên khái quát hơn là “đồ uống nóng”. 

Nguồn gốc của trà 

Cây trà (tên khoa học: Camellia sinensis) bắt nguồn từ một khu vực rộng lớn bao phủ Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Campuchia ngày nay. Mọi loại trà đều bắt nguồn từ một loại cây. Nhưng các phương pháp chế biến khác nhau sẽ tạo ra các loại trà khác nhau, với mức độ oxy hóa tác động đến màu sắc và hương vị của đồ uống. 

Để làm trà xanh, người ta sẽ khử bớt nước, làm nóng và tạo hình cho lá, giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa và giữ được màu sắc nguyên bản của trà. Trong khi đó, lá trà đen lại bị oxy hóa hoàn toàn, chuyển từ màu xanh sang nâu đậm hơn. Trà ô long – có màu xanh hoặc đen, là dạng đặc biệt nằm ở giữa, do lá trà bị oxy hóa một phần.

Truyền thuyết cho rằng Thần Nông – một vị thần huyền thoại của Trung Quốc tình cờ phát hiện ra trà vào năm 2737 TCN. Từ một thức uống chữa bệnh, trà đã trở thành đồ uống hằng ngày vào thế kỷ 3, những người thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội Trung Quốc coi uống trà như một cách tiêu khiển nhàn nhã. Đến thế kỷ 8, dưới thời nhà Đường, văn hóa trà của Trung Quốc đã phát triển rực rỡ. Lục Vũ, một học giả Trung Quốc đã viết công trình chuyên khảo đầu tiên về trà (Trà Kinh) vào khoảng năm 760. Vài thế kỷ sau đó, mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc đều thích uống trà xanh, và trà trở thành nền tảng thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác.

Ở phía Đông Trung Quốc, tại Nhật Bản, giới tinh hoa bắt đầu uống trà vào thế kỷ 8. Nhưng đến cuối thế kỷ 12, trà mới được đánh giá cao và được trồng rộng rãi ở nơi đây, khi nhà sư Eisai phổ biến loại đồ uống này. Ở Nhật Bản, matcha – một loại trà được làm từ bột lá trà xanh – thường được đựng trong một chiếc bát nhỏ trong nghi lễ trà truyền thống. Loại bát này được gọi là chawan (trà oản), có nguồn gốc từ Trung Quốc song lại mang một hình dạng mới ở Nhật Bản vào thế kỷ 13 – 16. Nó vẫn phổ biến đến ngày nay qua biểu tượng cảm xúc “tách trà không tay cầm”. Trong khi đó, biểu tượng cảm xúc “đồ uống nóng” bắt nguồn từ một truyền thống uống trà khác: trà đen, loại trà có địa vị vững chắc ở phương Tây thông qua giao thương giữa châu Âu và châu Á. 

Vào đầu thế kỷ 17, các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đã mang trà xanh từ châu Á về nước, nó nhanh chóng trở thành một loại đồ uống chữa bệnh. Trà cũng thu hút sự chú ý đặc biệt ở châu Mỹ, sau khi được các cường quốc thực dân và các công ty thương mại ở các nước này giới thiệu, bao gồm Công ty Đông Ấn Anh (EIC) và Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC).

Đến thế kỷ 18, phần lớn người châu Âu và người Mỹ uống trà xanh hoặc trà ô long với các tên thương mại thuộc địa như hyson, singlo, bohea, congou và souchong. Các nhà quan sát đương đại và trong lịch sử thường nhầm bohea, congou và souchong là trà đen song thực tế, chúng là trà ô long. Chuyên gia về trà Bruce Richardson giải thích: “Các nhà buôn trà châu Âu và Mỹ không biết sự khác biệt giữa trà xanh, trà đen hay ô long, hoặc nó đến từ đâu. Họ lấy tất cả những loại trà có thể lấy được, vì cơn khát trà vẫn chưa nguôi ở châu Âu và châu Mỹ”.

Sự trỗi dậy của trà đen

Ở Trung Quốc, trà xanh truyền thống được làm từ những lá trà non được hái vào đầu xuân. Đến thế kỷ 18, trà xanh là loại trà ngon và có giá trị nhất được xuất khẩu từ Trung Quốc. Nhưng các loại trà này chưa bao giờ có mặt ở thị trường châu Âu hay châu Mỹ.

Khi các tàu buôn đến Quảng Châu vào mùa đông, người Trung Quốc đã uống hết những loại trà ngon nhất. “Do vậy, họ vặt sạch các cây trà để có đủ trà lấp đầy những chiếc rương”, Richardson nói. Sở thích uống trà của người Anh dẫn đến sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc – quốc gia chỉ chấp nhận thanh toán bằng bạc. Để chiếm thế thượng phong, các thương gia người Anh bắt đầu buôn lậu thuốc phiện vào Trung Quốc. Khi người Trung Quốc nghiện thuốc phiện ngày càng nhiều, nhà cầm quyền đã tìm cách thực thi lệnh cấm thuốc phiện, khiến chính quyền Anh giận dữ và phát động chiến tranh thuốc phiện vào giữa thế kỷ 19. 

Cùng thời điểm này, EIC ở Ấn Độ và VOC ở Indonesia quyết định không chỉ buôn bán mà còn sản xuất trà. Vào những năm 1830, khi EIC giải phóng mặt bằng ở Assam, Ấn Độ để trồng trà, họ cố gắng sản xuất loại trà ô long tương tự như trà bohea và congou được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã bảo vệ chặt chẽ các phương thức sản xuất, ngăn chặn nỗ lực sản xuất trà của châu Âu.

Do thiếu kiến thức về cách làm trà, người Anh và người Hà Lan đã để lá trà oxy hóa hoàn toàn, tạo ra một loại đồ uống hoàn toàn mới (trà đen). Để sản xuất trà đen ở quy mô công nghiệp, những người trồng trà châu Âu bắt đầu nhập khẩu lao động từ các tỉnh khác của Ấn Độ vào Assam, Darjeeling và Sri Lanka (khi đó gọi là Ceylon), buộc họ phải làm việc như nô lệ. 

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, EIC và các công ty khác ở Ấn Độ và Sri Lanka do Anh kiểm soát đã triển khai chiến dịch nhằm thay đổi thói quen uống rượu ở phương Tây bằng cách tăng cường uống trà đen và chê bai trà xanh và trà ô long của Trung Quốc. “Quảng cáo của châu Âu và Mỹ đã thấm nhuần tư tưởng đế quốc, tạo ra quan niệm về sự khác biệt chủng tộc và quyền lực tối cao của người da trắng”, Rappaport viết trong cuốn sách của mình. 

Ngày nay, trà đen là loại trà phổ biến nhất ở phương Tây; ở Nhật Bản và Trung Quốc, trà xanh tiếp tục chiếm ưu thế. Các loại trà khác, bao gồm trà ô long, bạch trà, hoàng trà, trà phổ nhĩ và trà thảo mộc, được nhiều người yêu thích nhưng vẫn chưa đạt đến đỉnh cao như trà đen và trà xanh.

Sự đa dạng các biểu tượng cảm xúc về trà (gồm biểu tượng trà sữa và ấm trà) cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đồ uống này. Như một thương gia người Mỹ từng viết: “Không có hoạt động canh tác nào có thể kích thích sự giao lưu giữa những vùng xa xôi nhất trên thế giới ở mức độ như vậy; cũng không có loại đồ uống nào được ưa chuộng như vậy; trà đã trở thành một nguồn an ủi, một phương thức giúp điều độ, lành mạnh và vui vẻ”.

Nguồn: Tiasang
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập