image banner
Công tác khoa giáo tỉnh Lào Cai, một số vấn đề thực tiễn và kinh nghiệm
Lượt xem: 624

Công tác Khoa giáo là một bộ phận cấu thành của công tác xây dựng Đảng, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Để nâng cao chất lượng tham mưu giúp Tỉnh ủy chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác khoa giáo, những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành quy chế phối hợp với các ngành trong khối khoa giáo qua đó góp phần nắm chắc thực tiễn và phối hợp tham mưu thực hiện toàn diện các nội dung.

 
Công tác trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái được các cấp, các ngành chú trọng, phát động thực hiện

Trong 5 năm (từ năm 2013 đến hết tháng 6/2018), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 13 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác khoa giáo, tiêu biểu như: Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25/4/2013 của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”, Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 09/5/2016 “về tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh”, .... Riêng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu 23 văn bản chỉ đạo sơ kết, tổng kết chuyên đề các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy trong các lĩnh vực khoa giáo.

Cùng với việc tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, quán triệt, xây dựng các văn bản, đề án triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với các ngành trong khối khoa giáo, tổ chức hướng dẫn các ngành, địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết. Đây là bước không thể thiếu trong quy trình thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Với phương châm sâu sát cơ sở, nắm chắc lý luận, bám sát thực tiễn công tác khoa giáo đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn để tham mưu cho Tỉnh uỷ chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hiện tại quy mô, chất lượng giáo dục, đào tạo được giữ vững và từng bước được chuẩn hóa. Đến nay tỷ lệ xóa mù chữ đạt 85,9% kế hoạch giai đoạn 2015-2020. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở học lên Trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên hàng năm đều tăng (năm học 2017- 2018 đạt 77,8%), Lào Cai là tỉnh đứng đầu trong 11 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, đứng thứ 4 trong 15 tỉnh Trung du miền núi về số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia. Năm 2017, đã hoàn thành mục tiêu xây nhà ở công vụ cho giáo viên và nhà ở cho học sinh bán trú. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; số phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc luôn đạt trên 100% chỉ tiêu; gần 70% cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 1,2%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm trên 1,2%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,68%; là một trong những tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhất cả nước. Hoạt động khoa học và công nghệ chuyển mạnh sang thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng, góp phần tích cực vào phát triển công nghiệp, nông nghiệp và văn hóa, xã hội. Quản lý Nhà nước về môi trường được tăng cường; ý thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ rác thải công nghiệp, nông thôn được thu gom, xử lý đạt cao; môi trường đô thị chuyển biến tích cực. Phong trào thể dục, thể thao không ngừng phát triển, tổng số người dân tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cuối năm 2017 đạt 26,4% tổng dân số. Các môn thể thao trọng điểm, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng thể thao được đầu tư. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được đẩy mạnh, đến nay, toàn tỉnh có số hộ gia đình văn hóa đạt 80,9%; 81,2% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Với những kết quả đạt được, công tác khoa giáo của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác khoa giáo của tỉnh Lào Cai đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý, xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường; phân luồng học sinh, tuyển sinh dạy nghề đạt thấp; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn, còn 36% phòng học chưa được kiên cố hóa. Phòng học bộ môn, ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn mới đáp ứng được 20%. Chất lượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế chưa theo kịp yêu cầu; việc nhân rộng kết quả nghiên cứu trong sản xuất, đời sống ở một số địa phương chưa được đẩy mạnh. Chất lượng dân số còn thấp, vẫn còn tồn tại tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh (113 bé trai/100 bé gái) còn khá cao.

Để tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy đòi hỏi trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đơn vị khối khoa giáo cần tiếp tục đổi mới hoạt động, đưa công tác khoa giáo đi vào chiều sâu, trong đó chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ  sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu sắc nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; bám sát nhóm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các nghị quyết và căn cứ vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện; chú trọng công tác định hướng, thẩm định, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, đổi mới nội dung và phương thức phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đơn vị trong khối khoa giáo, gắn việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Thứ ba, cần nghiên cứu, khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng tình hình khách quan, khoa học để đề xuất những nội dung, giải pháp phù hợp, thiết thực, khả thi. Đây là việc quan trọng làm cơ sở cho nghị quyết, chỉ thị của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Hằng năm, lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các đề án cụ thể; trên cơ sở đó tiến hành khảo sát, đánh giá sâu, đúng với tình hình thực tiễn qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.

Thứ tư, để tiếp tục nâng cao chất lượng sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn và các địa phương trong việc khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin, đánh giá đúng tình hình. Qua việc sơ kết, tổng kết tiếp tục tham mưu đề xuất những mục tiêu, phương pháp hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đánh giá cán bộ làm công tác khoa giáo các cấp. Cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực khoa giáo.

 

 


 Tác giả: Đặng Hồng
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập