image banner
Đảng bộ tỉnh Lào Cai đổi mới công tác chính trị tư tưởng và khoa giáo, tuyên truyền vận động
Lượt xem: 249
Để đổi mới công tác chính trị tư tưởng và khoa giáo, tuyên truyền vận động của Đảng bộ tỉnh Lào Cai, ngày 10/02/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quyết định số 366-QĐ/TU về việc phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm mô hình “ban tuyên - vận xã, phường, thị trấn” và “tổ tuyên - vận thôn, bản, tổ dân phố” trên địa bàn tỉnh Lào Cai.  

Để thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tuyên vận bảo đảm có lộ trình phù hợp dựa trên các căn cứ lý luận, khoa học và thực tiễn như tổ chức hội thảo xây dựng đề án, lấy ý kiến tham gia đóng góp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trước khi Tỉnh ủy thông qua. Quá trình thực hiện hằng năm đều có đánh giá, sơ kết, điều chỉnh, rút kinh nghiệm từ đó ban hành kế hoạch mở rộng và thực hiện năm tiếp theo. Việc lựa chọn địa phương thực hiện mô hình cũng được Tỉnh ủy chỉ đạo, thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp từng thời điểm cụ thể. Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn 36 xã, phường có điều kiện thuận lợi trong đó 35 xã điểm về xây dựng nông thôn mới để thực hiện Đề án; năm 2013 lựa chọn 40 địa phương có nhiều khó khăn để kiểm chứng hiệu quả mô hình; từ năm 2014 để cho các địa phương chủ động, tự giác đăng ký thực hiện, đến tháng 3/2016 100% xã, phòng, thị trấn trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện, mô hình tuyên vận với 1.959 tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố (thị trấn Phố Ràng huyện Bảo Yên là địa phương cuối cùng trong tỉnh đăng ký thực hiện).

Qua 05 năm thực hiện Đề án tuyên vận, Tỉnh ủy đã trực tiếp ban hành và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành trên 150 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện; trong đó Tỉnh ủy đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo về công tác tuyên vận. Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan giúp việc của Tỉnh ủy đã tổ chức trên 600 cuộc khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá tại các huyện ủy, thành ủy, nhất là tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố qua đó kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở cũng như điều chỉnh các nội dung, cách thức chỉ đạo của tỉnh (năm 2014 gắn việc kiểm tra, đánh giá công tác tuyên vận với việc thực hiện nội dung theo Quy định số 19-QĐ/TU của Tỉnh ủy). Chỉ đạo và phân công gần 30 lượt các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi dự, chỉ đạo, nắm tình hình công tác triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án tại một số huyện ủy, thành ủy và đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng được quan tâm thực hiện. Ngoài các hội nghị tập huấn tuyên vận gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ tuyên vận cấp xã, thôn và cán bộ tuyên giáo, dân vận cấp tỉnh, huyện phụ trách tham mưu thực hiện Đề án tuyên vận.

Việc tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nội dung, phương thức hoạt động của mô hình, bố trí cán bộ, nguồn lực, chế độ chính sách, cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, vận động, nhất là hoạt động của ban tuyên vận, tổ tuyên vận…  được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở, ngành chuyên môn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tỉnh thực hiện thường xuyên, kịp thời, trong đó có nhiều đổi mới, sáng tạo; đã biên soạn và xuất bản 3.500 cuốn “Sổ tay công tác tuyên vận” cấp phát cho cơ sở làm tài liệu tuyên truyền, bồi dưỡng…; tổ chức 02 cuộc điều tra xã hội học (với 3.800 phiếu) trong phạm vi toàn tỉnh làm căn cứ cho nội dung sơ kết, tổng kết cũng như chỉ đạo của Tỉnh ủy; đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8 năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức điều tra xã hội học theo hướng chọn mẫu đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân về mô hình tại cấp tỉnh, huyện, xã, thôn với tổng số 2.247 phiếu[1].

Trên cơ sở Đề án tuyên vận của Tỉnh ủy và thực tiễn thực hiện tại cơ sở, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo thành lập 668 mô hình “tổ tuyên tuyền” trong hệ thống các cấp học (từ mầm non đến trung học phổ thông) và trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố trong toàn tỉnh từ năm 2013; trong đó riêng huyện Bảo Yên lấy tên là “tổ tuyên vận”; số lượng thành viên và phương thức hoạt động của toàn bộ các tổ này bám sát theo nội dung Đề án tuyên vận của Tỉnh ủy.

Các huyện ủy, thành ủy đã phát huy tốt vai trò là đầu mối chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án tuyên vận. Trong 5 năm thực hiện Đề án tuyên vận, các huyện ủy, thành ủy và các cơ quan giúp việc đã ban hành 751 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện (Bảo Thắng 142 văn bản; Bảo Yên 120 văn bản; Bắc Hà 105 văn bản; Bát Xát 96 văn bản; Thành phố Lào Cai 89 văn bản…). Tổ chức hàng nghìn cuộc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại Đề án tuyên vận cơ sở, trong đó riêng thường trực, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã trực tiếp dự, chỉ đạo được trên 800 cuộc (tiêu biểu như Bát Xát 315 cuộc, Thành phố Lào Cai 182 cuộc, Mường Khương 170 cuộc). Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án tuyên vận, các huyện ủy, thành ủy đã phân công trên 400 lượt cán bộ phụ trách, giúp đỡ các xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố thực hiện công tác tuyên vận. Ngay từ khi mới thực hiện Đề án tuyên vận đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao của các địa phương. Huyện ủy Bát Xát, Thành ủy Lào Cai phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy phụ trách và trực tiếp dự, chỉ đạo tại hội nghị tuyên vận; Huyện ủy Bắc Hà, Mường Khương thành lập tổ giúp việc… Một số mô hình, cách làm này đã được Tỉnh ủy chỉ đạo, giới thiệu nhân rộng ra toàn tỉnh trong những năm tiếp theo. Chất lượng công tác chỉ đạo của thường trực, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy từng bước được nâng cao, Huyện ủy Bát Xát đã chỉ đạo và thực hiện ở tất cả các xã, thị trấn đều tăng số lượng thành viên ban tuyên vận lên 11 người (theo đề án, tối đa là 9 người), trong đó các hiệu trưởng (hoặc phó hiệu trưởng) các trường trên địa bàn đều bố trí là thành viên ban tuyên vận; bố trí thêm một phó ban tuyên vận là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã, thị trấn nhằm tăng cường trách nhiệm của UBND trong công tác tuyên vận. Việc chỉ đạo, thực hiện kiện toàn, bổ sung cán bộ tuyên vận nhằm đáp ứng yêu cầu được các huyện ủy, thành ủy thực hiện nghiêm túc, có nhiều sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong công tác tổ chức cán bộ tuyên vận đã xuất hiện một số cách làm sáng tạo của các huyện, mang lại hiệu quả thiết thực. Các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo tổ chức 175 lớp tập huấn, bồi dưỡng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cho trên 12.000 lượt cán bộ tuyên vận cấp xã, thôn và cán bộ tuyên giáo, dân vận cấp huyện phụ trách tham mưu thực hiện Đề án tuyên vận. Tổ chức 489 hội nghị báo cáo viên và cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên vận tại cơ sở.

Hầu hết cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ cấp xã đến thôn đã tích cực, chủ động, có nhiều sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án tuyên vận, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến mô hình trong thực tiễn áp dụng. Việc tổ chức hội nghị tuyên vận, hoạt động báo cáo viên được thực hiện nền nếp ở hầu hết các địa phương, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Ban tuyên vận đã tham mưu cho cấp ủy cấp xã cử gần 12.000 lượt cán bộ tuyên vận xã, thôn tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện tại xã đã tham dự đầy đủ các hội nghị báo cáo viên do ban tuyên giáo huyện ủy, thành ủy tổ chức. Với trên 4.600 lượt cán bộ là thành viên ban tuyên vận được phân công phụ trách thôn, bản, tổ dân phố cũng như hoạt động của các tổ tuyên vận; trong 5 năm thực hiện Đề án tuyên vận, ban tuyên vận các xã, phường, thị trấn đã tham mưu, tổ chức trên 13.100 cuộc kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp tuyên truyền, vận động cũng như giám sát, đánh giá hoạt động của các tổ tuyên vận.

Việc chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đã được thành viên các ban tuyên vận cấp xã triển khai qua nhiều hình thức, mang lại hiệu quả thiết thực. Đã biên tập, cung cấp cho tổ tuyên vận trên 14.000 tài liệu tuyên truyền các loại; biên tập và phát trên loa truyền thanh trên 10.000 tin, bài; tổ chức 3.500 hoạt động tuyên truyền, cổ động qua các chương trình biểu diễn văn nghệ, thể thao; nắm bắt và cung cấp trên nhiều thông tin dư luận xã hội có giá trị phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tại xã đã phối hợp với các tổ tuyên vận tổ chức được trên 28.500 buổi tuyên truyền, vận động tại khu dân cư.

Thực hiện quy chế hoạt động và trách nhiệm trong công tác tuyên vận, tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố tại các địa phương trong tỉnh đã phân công gần 800.000 lượt tổ viên tham dự tại 5.300 hội nghị tuyên vận xã, phường, thị trấn. Tổ chức triển khai nội dung tuyên vận tại 52.526 cuộc họp mở rộng cho trên 961.000 lượt hội viên, thành viên các tổ chức đoàn thể tại thôn từ đó tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân tại cơ sở. Việc khai thác, phát huy các thiết chế văn hóa, thông tin, các hình thức tuyên truyền, vận động tại thôn cũng được hầu hết các tổ tuyên vận thực hiện hiệu quả với trên 887.700 giờ loa truyền thanh hoạt động và hơn 6.200 tin, bài được biên soạn, phát trên loa truyền thanh. Việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động giữa tổ tuyên vận với các tổ chức đoàn thể tại thôn được duy trì, nâng cao, với gần 44.000 buổi. Trong 05 năm thực hiện Đề án tuyên vận, tổ tuyên vận đã thực hiện 20.785 cuộc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại thôn.

Những kết quả trong công tác lãnh đạo thực hiện Đề án thực hiện thí điểm mô hình “ban tuyên - vận xã, phường, thị trấn” và “tổ tuyên - vận thôn, bản, tổ dân phố” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 



[1] Phân tích, tổng hợp một số nội dung quan trọng của mẫu phiếu điều tra cho kết quả trả lời như sau:

- Cách thức chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên vận thời gian qua: Phù hợp, hiệu quả (87,3%); không phù hợp, hiệu quả thấp (8,4%); không biết (4,2%).

- Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về mô hình tuyên vận: Nhận thức đúng, tích cực thực hiện (81,5%); còn hoài nghi về mô hình (14,2%); không biết (4,6).

- Việc thực hiện mô hình tuyên vận như hiện nay: Phù hợp (83,5%; không phù hợp (12,1%), không biết (4,4%).

- Công tác tuyên truyền, vận động thay đổi như thế nào từ khi có mô hình tuyên vận: Thay đổi tích cực (63,4%); không đáng kể (31,1%); không biết (6,2%).

- Vai trò của MTTQ và các đoàn thể như thế nào khi thực hiện mô hình: Được củng cố, hoạt động hiệu quả hơn (70,8%); hoạt động lúng túng, mờ nhạt (22,6%); không có sự thay đổi (6,5%).

- Công tác tập huấn, bồi dưỡng: Hiệu quả, đáp ứng yêu cầu (70,5%); hiệu quả thấp (20,5%); không biết (9,1%).

- Kinh phí và các điều kiện hoạt động: Phù hợp, đáp ứng yêu cầu (43,8%); còn ít, chưa đáp ứng (51,1%); lãnh phí (5,1%).

- Việc thực hiện công tác tuyên vận thời gian tới: Tiếp tục duy trì (63,5%).

- Việc ban hành quy định về công tác tuyên vận thời gian tới: Nên ban hành (73,3%); không nên ban hành (10,2%); không biết (16,5%).


 Nguồn: laocai.org.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập