image banner
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số
Lượt xem: 282
Thực hiện mục tiêu đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã giúp nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Với phương châm đào tạo “cầm tay chỉ việc”, “lấy nông dân dạy nông dân”, trong 5 năm qua (2016 - 2021), Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã tổ chức 15 lớp thêu may thổ cẩm cho hơn 500 lao động là người dân tộc thiểu số. Các học viên không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được trực tiếp thực hành để nâng cao tay nghề, thiết kế và sản xuất các mẫu thêu mới phù hợp với thị hiếu của khách du lịch và các mẫu thêu do các công ty bao tiêu sản phẩm đặt hàng. Ngoài những kiến thức và kỹ năng thêu truyền thống của đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Mông, trung tâm còn liên kết với Công ty TNHH Babeeni Việt Nam Chi nhánh tại Hải Dương - đơn vị chuyên sản xuất hàng may thời trang thổ cẩm xuất khẩu - ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với người dân.

Trao chứng nhận đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Chị Giàng Thị Hạnh (thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa) cho biết: Sau khi học xong nghề thêu thổ cẩm do Trung tâm Hỗ trợ nông dân đào tạo, tôi tiếp tục được đào tạo nâng cao tại Công ty Babeeni Việt Nam. Tôi đang đứng ra làm đầu mối thu mua các sản phẩm thêu may thổ cẩm của người dân địa phương, sau đó phân phối tới khách hàng. Với công việc này, tôi và các lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Phạm Văn Thuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân khẳng định: Chúng tôi đã huy động nguồn lực từ doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề và tạo việc làm sau đào tạo cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, doanh nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở khu vực nông thôn, vừa tham gia truyền nghề, vừa nhận lao động và bao tiêu sản phẩm, hướng tới tổ chức liên kết nông dân theo hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống, mở rộng một số nghề mới ở các địa phương, thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.

“Thực tế cho thấy, nhiều gia đình có người học nghề đã có việc làm từ các nghề phi nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó họ trở thành những tuyên truyền viên trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn”, ông Phạm Văn Thuân cho biết.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập