image banner
Đầu tư cho văn hóa cần kiên trì và hệ thống
Lượt xem: 395

Đảng ta xác định: Coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thì phải có sự đầu tư thỏa đáng cho văn hóa. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế” chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”,… “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.”.

Đầu tư cho văn hóa có sự khác biệt so với đầu tư cho kinh tế. Trong kinh tế có đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tùy vào chu kỳ của hoạt động kinh tế. Chẳng hạn đầu tư cho hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tư vấn…thường là đầu tư ngắn hạn; đầu tư cho cây trồng, vật nuôi thường là ngắn hạn và trung hạn; còn đầu tư cho bất động sản, xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất ra tư liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng mang tính kỹ thuật, công nghệ cao…thường là đầu tư dài hạn. Mặt khác sau một chu kỳ hoạt động kinh tế thì thấy ngay lỗ lãi thế nào, thậm chí người ta còn dự toán, đong đếm được lỗ lãi trước khi quyết định đầu tư.

Đầu tư cho văn hóa thì chủ yếu là đầu tư dài hạn và kết quả khó đong đếm, khó nhìn thấy ngay như hoạt động kinh tế. Chẳng hạn đầu tư cho các thiết chế văn hóa vật thể (sân vận động, nhà văn hóa, bảo tàng, các di tích lịch sử, đình, chùa, miếu thờ, kim tự tháp…) đều là đầu tư dài hạn. Mặc dù trong số các thiết chế văn hóa ấy cũng có thiết chế sau khi đầu tư sẽ thu về lợi ích kinh tế có thể đong đếm được. Song nhìn chung các thiết chế văn hóa ấy tạo ra những giá trị tinh thần mới là giá trị cao, đích thực của nó - giá trị ấy khó có thể đong đếm và nhận thấy ngay được. Đầu tư cho văn hóa phi vật thể thì không chỉ dài hạn mà còn hoàn toàn khó đong đếm giá trị của nó hơn. Ví dụ, chúng ta muốn có một lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao thì phải mất khoảng 15 đến 20 năm đào tạo. Cụ thể, một người từ khi sinh ra lớn lên, trở thành lao động có kỹ thuật phải trải qua 2 đến 3 năm học mầm non, 12 năm học phổ thông, 3 đến 6 năm học nghề để có bằng trung cấp hoặc đại học. Nếu muốn có trình độ cao hơn nữa thì cần thêm từ 2 đến 4 năm đào tạo sau đại học, tổng cộng khoảng 15 đến 20 năm học tập, đào tạo. Để tạo ra nếp sống văn hóa ở một người, một gia đình phải trải qua quá trình giáo dục gia đình, cộng với giáo dục nhà trường và xã hội mới có được. Để tạo ra tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của người dân; tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc chuyên nghiệp, phong cách ứng xử văn hóa…ở công chức nhà nước chắc chắn phải có nhiều văn bản ràng buộc, nhiều cuộc họp, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát và trong khoảng thời gian nhất định mới có được. Để tạo ra một truyền thống văn hóa của một địa phương, một vùng miền phải mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Để tạo ra truyền thống văn hóa của một dân tộc phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm.

Như vậy, đầu tư cho văn hóa không thể đòi hỏi phải có hiệu qủa ngay như đầu tư cho kinh tế; càng không thể đòi hỏi sự đo đếm lời lãi như đầu tư cho kinh tế. Mọi hoạt động văn hóa đều thẩm thấu, chuyển hóa dần dần tạo ra sức mạnh nội sinh ở mỗi con người, cộng đồng người, đó là con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; đó là lòng yêu nước, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; đó là ý chí tự lực tự cường, tinh thần vượt khó đi lên; đó là cần cù, thông minh, sáng tạo, thắng không kiêu, bại không nản; đó là biết gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông…v.v. Tuy nhiên những giá trị đó không thể có được trong ngày một ngày hai mà phải có cả quá trình, trong đó bao gồm cả sự trao truyền từ đời này sang đời khác và giáo dục, tác động của hiện tại. Vì vậy, đầu tư cho văn hóa phải kiên trì, có hệ thống, bài bản, hài hòa và xứng tầm./.

Minh Hiếu
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập