image banner
ĐỂ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO LÀO CAI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Lượt xem: 532
Trải qua 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai ngày càng đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh toàn diện. Đội ngũ cán bộ của ngành không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về số lượng và chất lượng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai.

Ngành tuyên giáo nói chung và đội ngũ cán bộ tuyên giáo Lào Cai nói riêng đã từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trên lĩnh vực tư tưởng, tạo ra sự đồng thuận xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội , bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Trở lại những ngày đầu thành lập Đảng bộ tỉnh cách đây 74 năm (3/1947), công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh Lào Cai chưa có cán bộ chuyên trách, nhiệm vụ này trực tiếp do đồng chí Lê Thanh - Bí thư Tỉnh ủy phụ trách, chỉ đạo. Đến cuối năm 1947, Lào Cai chỉ có 01 giảng viên cho công tác huấn luyện, tháng 3/1948, mới có 02 cán bộ tuyên huấn giúp việc cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ có 09 cán bộ, đến năm 1995, ban tuyên giáo cấp huyện được bố trí từ 3-5 cán bộ/huyện. Tổng số cán bộ tuyên giáo chuyên trách toàn tỉnh chỉ có hơn 30 người. Trong đó, chỉ có 06 đồng chí có trình độ đại học, số còn lại hầu hết có trình độ cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp và phục vụ. Toàn tỉnh số cán bộ tuyên giáo chuyên trách có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị chỉ chiếm gần 10%, số cán bộ có trình độ trung cấp và sơ cấp lý luận chiếm 80%, số còn lại là nhân viên phục vụ. Những chỉ số trên cho thấy mặt bằng trình độ chung của đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyên giáo còn khá thấp, đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh vừa thiếu về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ có mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đó là những khó khăn không nhỏ, đặt ra cho công tác chính trị tư tưởng những năm đầu tái lập tỉnh.

Đ/c Hoàng Thị Thu Hằng (người đứng thứ 4 từ trái qua phải) Chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bảo Yên đoạt giải Ba, Hội thi báo cáo viên khu vực phía Bắc năm 2021.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và phát triển của tỉnh cùng với những thành tựu chung, sự quan tâm của thường trực Ban Thường vụ tỉnh ủy qua các thời kỳ, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ tuyên giáo không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, vận động của tỉnh. Sau 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, đội ngũ cán bộ trong binh chủng tuyên giáo đã có sự lớn mạnh và trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 09 cán bộ tuyên giáo chuyên trách ngày đầu tách tỉnh, đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 81 cán bộ tuyên giáo chuyên trách và hàng nghìn báo cáo viên, cộng tác viên dư luận và hội, thành viên Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận trải rộng trên mọi mặt trận tư tưởng, tuyên truyền vận động của tỉnh. Chất lượng đội ngũ cũng có sự trưởng thành bứt phá, trong số đội ngũ cán bộ chuyên trách toàn tỉnh có 02 tiến sỹ, 18 thạc sỹ, 59 cử nhân. Trình độ lý luận chính trị cũng được nâng lên nhanh chóng, 46 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân và tương đương, 33 đồng chí có trình độ trung cấp. Trình độ quản lý nhà nước cũng được nâng lên nhanh chóng với 30 chuyên viên chính, 49 chuyên viên và chỉ có 02 cán bộ diện cán sự làm nhiệm vụ phục vụ. Riêng giai đoạn 2015-2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có 02 đồng chí lãnh đạo Ban có trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp.

Điều đáng mừng là đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh không chỉ tăng lên về số lượng mà còn trưởng thành nhanh chóng về kỹ năng, phương pháp và có phông kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú. Sự phối hợp và mối quan hệ gắn kết giữa các lực lượng trong binh chủng tuyên giáo cũng không ngừng được tăng cường, vai trò thống lĩnh, định hướng và điều tiết giữa các lực lượng trong binh chủng tuyên giáo ngày càng chặt chẽ và nhất quán. Thực tiễn đã xuất hiện nhiều cán bộ tuyên giáo trẻ giỏi, được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, có bản lĩnh, năng lực, sự nhạy bén và nhãn quan chính trị nhạy cảm. Nhiều cán bộ tuyên giáo đã trưởng thành và được cấp ủy tin tưởng giao các trọng trách quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công, được Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy các khóa đánh giá cao, nhiều tỉnh thành trong cả nước đến học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đòi hỏi người cán bộ tuyên giáo không chỉ có bản lĩnh, phông tri thức đủ rộng, nhạy bén chính trị mà còn đòi hỏi các kỹ năng mềm, khả năng thích ứng và xử lý các vấn đề tư tưởng nảy sinh, đồng thời có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì cái chung. Thực thế cho thấy một bộ phận cán bộ tuyên giáo còn hạn chế về năng lực, phương pháp công tác. Khả năng quan sát, dự báo tình hình, phát hiện vấn đề phát sinh từ thực tiễn cơ sở còn chưa cập với yêu cầu, nhiệm vụ tuyên giáo nhập thế, đi trước, mở đường trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền vận động. Cá biệt còn cán bộ tuyên giáo sức ì lớn, lười học tập, thực hiện nhiệm vụ theo kinh nghiệm, lối mòn, ít có sự sáng tạo bứt phá, ngại tiếp cận với cái mới, dụt dè trong tham mưu, đề xuất. Thậm chí còn một bộ phận cán bộ công tác nhiều năm trong ngành tuyên giáo song lại chưa nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của ngành, chưa hiểu rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác nên trong tham mưu, đề xuất, phối hợp thực hiện chưa tròn vai, thuộc bài, dẫn đến sự chồng chéo, lấn sân hoặc chưa bao phủ hết nhiệm vụ tuyên giáo. Cá biệt còn cán bộ ít rèn luyện kỹ năng nói, viết, nên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh hành chính, ít hoặc không tham mưu được bài viết chính luận, bài nói có giá trị để giúp lãnh đạo định hướng, chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh, cần sự thống nhất, đồng thuận. Một bộ phận cán bộ thiếu ý chí vươn lên, tinh thần tự học, tự rèn còn hạn chế; còn hiện tượng tham mưu theo lối mòn, có tư tưởng “an phận thủ thường”, chưa quyết tâm vươn lên hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bước vào giai đoạn mới, bối cảnh mới, thời cơ và nhiệm vụ mới đặt ra cho ngành tuyên giáo tỉnh rất nặng nề song cũng vô củng vẻ vang. Bên cạnh sự bùng nổ của xã hội thông tin và công nghệ số, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi cán bộ ngành tuyên giáo tỉnh cần tiếp tục tự hoàn thiện mình để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Để công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thực hiện tốt phương châm “đi trước mở đường; đi cùng thực hiện; đi sau tổng kết”. “Đi trước”, tức phải luôn luôn cập nhật thông tin, làm tốt công tác tham mưu dự báo những xu hướng, diễn biến tư tưởng, mở rộng diện phủ sóng, tỉnh táo và vững vàng, chủ động và có tư duy đi trước, đi cùng những biến thiên, các sự kiện và sự việc diễn ra trong đời sống xã hội, tuyệt đối không thụ động, đi sau thực tiễn. “Mở đường”, tức phải biết tham mưu, thiết kế và vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, biết phân tích và làm chủ thông tin, xử lý, cung cấp kịp thời cho lãnh đạo định hướng, chỉ đạo để tạo ra thống nhất trong nhận thức và hành động. “Đi cùng thực hiện” nghĩa là luôn nắm chắc chủ trương, bám sát thực tiễn, đồng hành cùng nhịp đập và hơi thở của cuộc sống trong mỗi bài nói, bài viết và nhiệm vụ tham mưu của mình. “Đi sau tổng kết” nghĩa là phải có sự nghiên cứu thấu đáo vấn đề, từ đó phân tích, đánh giá, đúc kết thành kinh nghiệm, thành lý luận để giúp lãnh đạo định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ tuyên giáo. Đây là yêu cầu cao hơn trong bối cảnh, tình hình mới để ngành tuyên giáo thực hiện tốt sứ mệnh, tạo ra sự thống nhất ý chí, tư tưởng và hành động.

Với truyền thống tốt đẹp, quý báu mà lớp lớp cán bộ ngành tuyên giáo tỉnh những năm qua không ngừng vun đắp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đội ngũ cán bộ tuyên giáo tỉnh nhà hiện nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của ngành, không ngừng nỗ lực vươn lên, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực tham gia tổng kết thực tiễn thành lý luận, đổi mới, sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu sớm đưa Lào Cai trở thành tỉnh khá và phát triển của cả nước.

Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng ban, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập