image banner
ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LÀO CAI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Lượt xem: 520
Thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của tỉnh Lào Cai; có vị trí chiến lược quan trọng, là thành phố tỉnh lỵ biên cương duy nhất của Việt Nam, là cửa khẩu quốc tế kết nối không chỉ của nền kinh tế Việt Nam mà còn của khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Phát huy vị trí, vai trò vị trí đặc biệt đó, Đảng bộ thành phố Lào Cai đã tập trung nghiên cứu, nhận diện, phát huy các tiềm năng, lợi thế và phục các khó khăn, thách thức; chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Sau 30 năm tái lập, cùng toàn tỉnh và cả nước thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Đảng bộ thành phố Lào Cai đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc vượt qua nhiều thách thức, khó khăn; từ một địa phương miền núi nghèo khó về kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển, đã từng bước vươn mình, trở thành một trong những thành phố phát triển năng động. Năm 2005, thành phố Lào Cai được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2014, thành phố được công nhận là đô thị loại II. Đặc biệt năm 2015, thành phố phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai, kinh tế tăng trưởng ở mức cao, bình quân hằng năm đạt từ 15-17%, luôn ở mức gấp 1,5 lần tăng trưởng kinh tế của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 4.600 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 86 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo; kết cấu hạ tầng đô thị có bước phát triển vượt bậc, diện mạo đô thị từng bước văn minh, hiện đại. Thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu. Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng cao, tạo thế và lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Những thành tựu trên ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của thành phố tỉnh lỵ, là cầu nối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đồng thời cũng khẳng định thành quả của quá trình lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Trong 30 năm tái lập và phát triển, Đảng bộ thành phố Lào Cai đã nhận thức được việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ là đòi hỏi cấp bách và tất yếu để nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự chủ động, tích cực trong mỗi giai đoạn, ở từng cấp, từng địa phương giải quyết từng vấn đề thực tiễn đặt ra, giải phóng mọi nguồn lực tạo nên thành công trong xây dựng và phát triển thành phố Lào Cai, đáp ứng yêu cầu thành phố là hạt nhân, động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Lào Cai.
Thứ nhất, tăng cường công tác tham mưu để cấp trên đưa ra những định hướng đúng đắn phát triển thành phố Lào Cai giàu đẹp, văn minh. Với vai trò là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh, nằm trong tổng thể hệ thống các đô thị của toàn quốc, trong quá trình phát triển, Đảng bộ thành phố Lào Cai luôn quán triệt quan điểm “tỉnh vì thành phố”; thành phố là “đầu tàu”, “động lực” đưa con tàu của tỉnh tiến lên phía trước. Để thực hiện tốt được vai trò này, Đảng bộ thành phố đã luôn đánh giá đúng các các tiềm năng, lợi thế và thách thức, từ đó thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp trên về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển thành phố. Trên cơ sở tham mưu của cấp ủy, chính quyền thành phố, Trung ương và tỉnh đã có ra nhiều quyết sách quan trọng, được coi là kim chỉ nam, định hướng sự phát triển của địa phương như: 1- Quyết định số 1151/2007/QĐ-TTg, ngày 30/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020, trong đó xác định:“Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành khu kinh tế động lực trên tuyến hành lang kinh tế tiếp giáp với Trung Quốc trong giai đoạn hội nhập toàn diện của Việt Nam”. 2- Quyết định số 980/QĐ-TTg, ngày 21/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, đã xác định: “Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế, là đô thị hiện đại có vị trí quan trọng trong hợp tác quốc tế, giao lưu kinh tế của cả vùng với Trung Quốc; xây dựng thành phố Lào Cai góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia”. 3- Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 20/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển thành phố Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. 4- Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hưỡng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định thành phố Lào Cai là một trong các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển của vùng…

Nhận thức được vai trò động lực “đầu tàu” của thành phố Lào Cai đối với sự phát triển của tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo phát huy các thế mạnh của thành phố như: Tập trung hình thành khu kinh tế cửa khẩu, khai thác lợi thế, vị trí “cầu nối", đưa du lịch, dịch vụ, thương mại là mũi nhọn của nền kinh tế; mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư phát triển với các tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Đặc biệt, việc quy hoạch, xây dựng, chuyển các cơ quan Đảng, nhà nước về khu đô thị mới, nhường chỗ cho xây dựng mở rộng khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại Kim Thành là một trong những quyết định táo bạo của tỉnh, tạo ra động lực và sức lan tỏa lớn trong phát triển kinh tế cửa khẩu và đô thị thành phố Lào Cai.

Thứ hai, đổi mới công tác xây dựng nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, mang tính đột phá và hiệu quả. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, việc đề ra các các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đúng đắn đóng vai trò quan trọng, quyết định. Nhận thức được điều đó, Đảng bộ thành phố Lào Cai đã chú trọng công tác xây dựng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề, nội dung cụ thể, có lộ trình, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; xây dựng hệ thống các chương trình, đề án trọng tâm cho từng khóa là đột phá trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố.

Trước năm 2000, các nghị quyết được ban hành đều rất đúng và trúng nhưng chưa có chương trình, đề án, làm rõ lộ trình cụ thể, nguồn lực và giải pháp thực hiện; vì vậy, khi thực hiện thường có độ trễ và thiếu sự linh hoạt trong quá trình triển khai. Khắc phục điểm yếu đó, giai đoạn 2000 - 2005, Đảng bộ thành phố đã xây dựng và thực hiện các chương trình: Chương trình phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ; Chương trình phát triển vành đai thực phẩm: thịt - rau - hoa - quả: Chương trình phát triển giáo dục - đào tạo; Chương trình phát triển văn hóa - thông tin - thể thao; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị; ban hành 8 Chương trình trọng tâm hướng về cơ sở trên địa bàn thị xã Lào Cai… Giai đoạn 2010 - 2015, xây dựng và thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khoá với 27 đề án chi tiết, toàn diện, đồng bộ về nông, lâm nghiệm và nông thôn; công nghiệp và xây dựng hạ tầng đô thị gồm; thương mại dịch vụ, du lịch; phát triển văn hóa xã hội; phát triển nguồn nhân lực; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng bộ. Giai đoạn 2015 - 2020, xây dựng và thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm với 22 đề án. Giai đoạn 2020 - 2025, ban hành và thực hiện 6 đề án trọng tâm và 4 nghị quyết chuyên đề để thực hiện…Việc xây dựng hệ thống chương trình, đề án là cách làm mới, sáng tạo, tạo sự đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố. Các chương trình, đề án trọng tâm là sản phẩm trí tuệ tập thể, thể hiện tư duy và tầm nhìn phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, khắc phục được “tư duy nhiệm kỳ”, tạo ra động lực, thúc đẩy sự phát triển. Việc đề ra chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với việc thực hiện các đề án là hệ thống phương pháp, giải pháp cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, thường xuyên giữa lý luận với thực tiễn; giữa nghị quyết với cuộc sống, làm cho nghị quyết của Đảng bộ không còn xa lạ, tách rời với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thực hiện các chương trình, đề án công tác trọng tâm trở thành công việc của cả Hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố.

Thứ ba, củng cố, hoàn chỉnh tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý có trình độ, năng lực, tinh thần, trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm 
Khi đã đề ra chủ trường, giải pháp đúng đắn thì yếu tố quyết định sự thành bại của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị là công tác tổ chức, cán bộ; do vậy, việc củng cố, hoàn chỉnh tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò vô cùng quan trọng, là một vấn đề then chốt.

 Đảng bộ thành phố Lào Cai, đã ban hành đồng bộ quy chế làm việc và các quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc; phân cấp quản lý cán bộ; quy định về việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân... Tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, Đảng bộ thành phố có 53 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 25 đảng bộ cơ sở, 28 chi bộ cơ sở (380 chi bộ trực thuộc cơ sở) với hơn 8.831 đảng viên.

Quan tâm củng cố tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường cán bộ cho cấp cơ sở; thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài; coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được củng cố về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội: trình độ thạc sĩ chiếm 23,6%; đại học chiếm 72,2%. Các cơ quan thuộc khối Nhà nước: 100% cán bộ lãnh đạo được bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo quản lý, 30% được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính; về trình độ chuyên môn: 100% cán bộ công chức chuyên môn có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 17,4% có trình độ trên chuẩn (sau đại học). Cấp xã, phường: 100% cán bộ chuyên trách có trình độ đạt chuẩn theo quy định; 93,6% công chức được đào tạo trên chuẩn (từ cao đẳng trở lên); 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước.

Thứ tư, coi trọng, phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát là nhân tố không thể thiếu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố; bảo đảm quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu đã đề ra. Thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên thông qua chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất, giao ban tuần, khối đảng, đoàn thể, các kỳ họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các hội nghị chuyên đề, giao ban công tác nội chính; phân công nhiệm vụ cho cấp ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; thông qua các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, nhất là Ủy ban kiểm tra Thành ủy; Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề theo quy định của Điều lệ Đảng; thiết lập và thực hiện cơ chế phối hợp, xử lý trùng chéo giữa kiểm tra, thanh tra của Nhà nước với kiểm tra, giám sát của Đảng, giao Ủy ban kiểm tra Thành ủy chủ trì tham mưu thực hiện. Tăng cường công tác thi hành kỷ luật đảng gắn với việc rà soát, sàng lọc đưa các đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng theo quy định.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phát huy được sự đồng thuận của toàn Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố phục vụ cho mục tiêu phát triển.
Nội dung tuyên truyền phong phú, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh... bảo đảm tính thời sự, tính định hướng, tính chiến đấu, đáp ứng tình hình, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn. Hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng; có đẩy mạnh sự ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền và triển khai học tập như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ…

Thực hiện sáng tạo các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ; chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; xây dựng, nhân rộng các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác tạo sức lan tỏa trong xã hội…

Thực hiện tốt công tác tư tưởng gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận, phát huy hiệu quả mô hình “Ban tuyên vận xã, phường và Tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố”, khắc phục nhanh tình trạng cắt khúc giữa các khâu trong công tác tư tưởng, chồng chéo hoặc bỏ sót trong công tác tư tưởng và công tác dân vận của Đảng ở cơ sở nên công tác tuyên truyền vận động Nhân dân có chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Tuy đã đạt được những thành tích hết sức ấn tượng, nhưng trong thời gian tới, các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Lào Cai cũng hết sức nặng nề. Do vậy, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được tăng cường để huy động mọi nguồn lực, xây dựng "thành phố Lào Cai là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; là hạt nhân, tạo sức lan tỏa, phát triển cho các huyện, thị xã; là cơ sở, động lực, bảo đảm xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc", trong đó mục tiêu hướng tới năm 2030 là: "Thành phố Lào Cai là đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ, về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh"./.


Đỗ Trường Sơn, UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lào Cai
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập