image banner
Đồng bộ các giải pháp để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Lượt xem: 923
Để lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, ngày 28-01-2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150-QĐ/TTg “Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050”, trong đó nêu quan điểm: “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các- bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Từ đây vấn đề chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp được nhắc đến trên nhiều phương diện. Vậy nội dung cơ bản của vấn đề này là gì ?

Theo các chuyên gia kinh tế, nội dung cốt lõi nhất của chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đó là chuyển từ mục tiêu sản lượng sang mục tiêu giá trị. Trước đây chúng ta coi trọng chỉ tiêu tăng diện tích, tăng năng suất để có sản lượng nông sản lớn trên một đơn vị diện tích canh tác hoặc lấy chỉ tiêu đầu gia súc, gia cầm là chủ yếu. Nay năng suất, sản lượng vẫn quan trọng nhưng gía trị thu được trên một đơn vị diện tích canh tác, hoặc trên một đơn vị chăn nuôi mới là quan trọng nhất. Chẳng hạn một ha trồng lúa trước đây phấn đấu đạt 5 đến 7 tấn thóc một năm, gạo bán được 10-12 nghìn đồng/kg. Nay cũng trên một ha trồng lúa ấy có thể chỉ thu được 5-6 tấn thóc nhưng gạo lại bán được từ 25-30 nghìn đồng/kg, do gạo ấy là gạo chất lượng cao, gạo sạch, không có dư lượng kháng sinh và dư lượng các chất độc hại trong bảo vệ thực vật. Như vậy sản lượng có thể ít hơn nhưng giá trị thu được lại lớn hơn.

Hoặc như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói: “Kinh tế phải tính từ đầu ra và đầu vào. Nhiều khi tôi bán 10 đồng, nhưng chi phí hết 9 đồng, tôi chỉ lời 1 đồng. Nhưng nhiều khi tôi bán 8 đồng thôi, chi phí bỏ ra có 6 đồng thì tôi vẫn lời 2 đồng”. Đó là tư duy kinh tế nông nghiệp. Tức là chúng ta phải tính toán cả đầu vào và đầu ra, làm sao chi phí ở mức thấp nhất, nhưng lại bán được sản phẩm ở mức cao nhất. Thay vì chỉ cần số lượng nhiều mà không hoạch toán lời lãi như trước đây.

Để chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp. Chúng ta sẽ tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng và giá trị gia tăng đột biến hơn so với giá trị gia tăng từ tăng cao sản lượng. Những mô hình sản xuất cũ còn phù hợp thì tiếp tục phát huy, cải tiến, đồng thời chuyển nhanh sang những mô hình mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ…Đây là những mô hình tạo ra những giá trị lớn trên từng đơn vị diện tích nông nghiệp. Phải chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản lượng sang chất lượng, từ không an toàn thực phẩm sang an toàn thực phẩm, từ bán sản phẩm thô sang bán sản phẩm chế biến…để đáp ứng những hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định thương mại quốc tế và thị hiếu tiêu dùng mới.

Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương. Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, để từng bước giảm tình trạng chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, đảm bảo “ly nông bất ly hương”… Một điều quan trọng nữa là khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng người nông dân trở thành công nhân nông nghiệp, chuyên nghiệp, thành thạo ứng dụng công nghệ cao trong cả sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ-T/U, ngày 26-8-2021 “về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2025 và 2030 là: Giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 2,6 lần (tăng 4.000 tỷ đồng) so với năm 2020, chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năm 2030 giá trị đạt trên 10.400 tỷ đồng, tăng 1,6 lần (tăng 3.700 tỷ đồng) so với năm 2025, chiếm khoảng 65% tổng giá trị. Thực hiện chuyển đổi khoảng 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, trong đó: Chuyển đổi khoảng 8.000 ha sang phát triển sản xuất hàng hóa đối với các cây trồng chủ lực (dược liệu, chè, chuối, dứa); chuyển đổi trên 3.000 ha sang trồng cây quế; chuyển đổi 1.000 ha sang các cây trồng khác, phát triển chăn nuôi.

Định hướng đến năm 2050: Giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 75% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là một cuộc cách mạng to lớn trong nông nghiệp, nông thôn; chắc chắn không chỉ có thuận lợi, mà sẽ đối mặt với không ít khó khăn, phức tạp. Cùng với các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật thì công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó cấp ủy chính quyền các cấp cần tập trung lãnh chỉ đạo, các ban ngành đoàn thể, nhất là các ngành trong khối tư tưởng cần tích cực vào cuộc một cách thiết thực, hiệu quả để tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy trong sản xuất. Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đi trước mở đường về nhận thức, đi cùng để động viên khích lệ, tổng kết, nhân rộng, lan tỏa những mô hình hay, hiệu quả để cùng toàn đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng quan trọng này.

Đỗ Đức Liệu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập