image banner
Đồng bộ giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 450

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ Xã hội chủ nghĩa. Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất. Diện bao phủ, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng được mở rộng, không ngừng tăng lên.

Để thực hiện hiệu quả hơn công tác BHXH trong tình hình mới, ngày 10/8/2018 Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chương trình hành động số 218-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 28- NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XII về “cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Do đó, trong 3 năm vừa qua công tác BHXH đã đạt được kết quả quan trọng, số người tham gia, tỷ lệ bao phủ BHXH ngày càng tăng. Riêng năm 2020 số người tham gia BHXH bắt buộc là 58.351 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 6.530 người, số người tham gia BHYT là 717.247 người (đạt 100,03% kế hoạch BHXH Việt Nam giao), ước tỷ lệ bao phủ trên địa bàn tỉnh đạt 99%.

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho đại lý thu BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị khai thác dịch vụ du lịch, thậm chí trong lĩnh vực giáo dục tư thục phải tạm hoãn hợp đồng lao động, cho người lao động nghỉ không hưởng lương, cắt giảm lao động dẫn đến người lao động mất việc làm tăng lên. Số người tham gia BHXH bắt buộc đã giảm dần. Số lao động do cơ quan BHXH đã khai thác phát triển mới tăng lên không bù lại được số lao động đã phải dừng đóng BHXH. Hơn nữa, do ảnh hưởng của Quyết định số 861/ QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc thì Lào Cai có 65 xã được điều chỉnh từ xã khu vực III lên khu vực II, khu vực II lên khu vực I. Điều đó đã tác động trực tiếp đến trên 139.000 người dân đang được cấp thẻ BHYT từ ngân sách Nhà nước. Trước những khó khăn nêu trên, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, nhưng số tăng chậm do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Sau 2 tháng triển khai vận động chỉ có khoảng trên 39.000 người tiếp tục tham gia BHYT (trong đó có trên 17.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, gần 10.000 người tham gia BHYT học sinh sinh viên, trên 12.000 người tham gia BHYT theo nhóm khác).

Tính đến hết tháng 8/2021, số người tham gia BHXH (gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) là 64.513 người tương đương 14% lực lượng lao động tham gia các thành phần kinh tế; số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 626.026 người chiếm tỷ lệ bao phủ 82,54% dân số (so với thời điểm 30/6/2021, giảm 15,66% thẻ BHYT - tương đương với
100.561 thẻ, 13,2% dân số). Như vậy chỉ trong 2 tháng số người tham gia BHYT giảm khá nhiều.

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2021, BHXH tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội. BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT; phối hợp với các cơ quan, ban ngành, cơ quan thuế để tuyên truyền, đôn đốc công tác thu BHXH. Đối chiếu rà soát các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo người lao động được đóng BHXH, tránh trường hợp trốn đóng BHXH. Tiếp tục mở rộng, đào tạo hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách về BHXH, BHYT với nhiều hình thức. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền miệng, vận động trực tiếp đến từng người dân, từng hộ gia đình, thực hiện vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Đối với BHXH tự nguyện: tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách nhân văn, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Tuyên truyền về hình thức, mức đóng BHXH tự nguyện linh hoạt, được Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Cần cụ thể về mức đóng và quyền lợi hưởng cho người lao động; nhấn mạnh mức đóng thấp nhất hiện nay (đối với hộ nghèo chỉ là 107.800đ/tháng, cận nghèo là 115.500đ/tháng, còn lại là 138.600đ/tháng). Như vậy, chia bình quân chỉ cần tiết kiệm từ 3.600đ đến 5.000đ một ngày đã có thể tham gia BHXH tự nguyện, khi đủ điều kiện sẽ được lĩnh lương hưu, được cấp thẻ BHYT trọn đời với tỷ lệ hưởng BHYT lên đến 95%.

Đối với BHYT: cần tuyên truyền về quyền lợi hưởng BHYT khi không may ốm đau bệnh tật, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Tuyên truyền về quy định giảm mức đóng BHYT từ người thứ hai trở đi khi tham gia BHYT trong cùng hộ gia đình để thu hút người tham gia (người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất). Tập trung vận động người dân thuộc 65 xã được điều chỉnh từ xã khu vực III lên khu vực II, khu vực II lên khu vực I của tỉnh Lào Cai tiếp tục tham gia BHXH.

Để đạt được mục tiêu về số người tham gia BHXH, BHYT tiến tới BHXH cho tất cả lao động, BHYT toàn dân mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Ngành BHXH Lào Cai cần chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo phối hợp tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ và đồng thuận thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Theo: Bản tin TBNB
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập