image banner
Đừng để tiếc nuối khi sự đã rồi trong trùng tu, tôn tạo di tích
Lượt xem: 460
Những ngày gần đây, việc tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia tháp Bánh Ít tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) gần 1.000 năm tuổi đã và đang gây bức xúc cho các nhà chuyên môn và dư luận khi đơn vị thi công sử dụng xe cơ giới san gạt, đào bới trong vùng lõi di tích, xâm hại nền móng và phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái của khu di tích.

Trước đó, cái gọi là tiến hành trùng tu, tôn tạo ở nhiều di tích không theo những nguyên tắc chuyên môn cũng diễn ra ở nhiều nơi như việc trùng tu đình Thổ Hà ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) gây vỡ tấm bia cổ hàng trăm năm tuổi do quá trình di dời hết sức “thô bạo” của đơn vị trùng tu và sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư biến di tích thành “phế tích” khi các “vết nứt” ấy làm di tích quốc gia được xếp hạng từ năm 1964 không thể “hoàn nguyên” được các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa như trước. Có thể kể ra đây các vụ việc như vậy ở nhiều địa phương khác trong cả nước, thậm chí có nơi việc trùng tu còn mang tính tự phát mà kết quả chỉ là những mất mát lớn và sự “đứt gãy” truyền thống cho cộng đồng.

Nhà thầu thi công đưa máy đào vào thi công tại Di tích tháp Bánh Ít.

Mặc dù chính quyền địa phương, ngành văn hóa thường “kịp thời” cho dừng thi công khi dư luận và báo chí lên tiếng, đồng thời cho kiểm tra, giám sát, điều chỉnh theo mục đích bảo tồn, trong đó có việc “sẽ nhờ các chuyên gia giám định theo quy định của Luật Di sản” và chủ đầu tư cũng “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”, nhưng liệu đến bao giờ những vụ việc nêu trên mới dừng lại, không tái lặp khi trên cả nước đã và đang có nhiều di tích cần phải thực hiện tu bổ, tôn tạo.

Đây là công việc cần sự cẩn trọng, nghiêm túc với những quy trình khắt khe và không thể thiếu vắng các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành, đòi hỏi có sự thống nhất theo hướng liên ngành từ khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho đến sự vào cuộc của các chuyên gia bảo tồn, bảo tàng, cán bộ quản lý di sản, di tích và cả các đơn vị thi công được ngành văn hóa kiểm nghiệm, đánh giá có kinh nghiệm trùng tu di tích.

Với những ai quan tâm đến ngành trùng tu thì một nguyên tắc hàng đầu của trùng tu là giữ nguyên trạng, nguyên gốc di tích với từng chi tiết nhỏ nhất như kiểu dáng, hình thái, chất liệu... từng hiện hữu qua thời gian. Chúng ta còn nhớ và tri ân nhà trùng tu tài năng người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) trong những năm 90 của thế kỷ trước đã đóng góp nhiều công lao trong sự nghiệp trùng tu di tích ở miền trung nước ta, từng góp phần để quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn được ghi danh Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Thời kỳ đầu làm việc ở khu đền, tháp Mỹ Sơn, ông đã cứu vãn di tích theo hướng “gia cố” các kiến trúc Chăm bằng chất liệu mới như xi-măng - để con người hôm nay không bị “nhầm lẫn” giữa thành phần kiến trúc tu bổ và thành phần kiến trúc gốc. Thế nhưng sau những “phản biện” của các đồng nghiệp người Việt và nhất là sau khi đi thăm khu đền Ăngkor (Campuchia) về, ông đã xây gia cường bằng vữa liên kết với vôi đá để sự kết dính bớt phương hại di tích hơn chất liệu xi-măng mà vẫn giữ nguyên tắc của ông về “tu bổ”. Theo phương hướng này, Kazimierz Kwiatkowski đã thành công trong việc tu bổ các di tích xây bằng gạch ở Mỹ Sơn, Chiên Đàn (Quảng Nam), Tháp Đôi (Bình Định), nhóm tháp Pô Klông Girai (Ninh Thuận) để cố gắng gìn giữ yếu tố gốc của nguyên bản rõ hơn.

Hiện nay, kỹ thuật xây đền tháp bằng gạch của người Chăm vẫn còn là một “bí ẩn” chưa có lời giải, nhất là việc người xưa xếp gạch chồng lên nhau theo kiểu “mài chập” không có chất kết dính hay có chất kết dính là một hỗn hợp dầu rái và nhớt cây bời lời như một số nhà nghiên cứu suy đoán. Và cũng chính điều bí ẩn ấy càng khiến cho việc trùng tu, tôn tạo di tích bằng gạch luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, khoa học trong việc lập hồ sơ tôn tạo, hạn chế thấp nhất bất cứ sự can thiệp nào làm biến dạng di tích. Tuy nhiên, việc trùng tu ở các địa phương phần nào đang không theo những nguyên tắc chặt chẽ và không ít di tích đang không thể “nhận diện” sau khi trùng tu bởi xu hướng “trẻ hóa”, “lạ hóa” di tích do việc “tùy tiện” trong thiết kế, thay thế chất liệu gốc bằng chất liệu mới đã làm thay đổi diện mạo nguyên bản, nguyên gốc của di tích về mặt thể dạng.

Đã đến lúc không thể để tái diễn việc nhà đầu tư, nhà thi công “rút kinh nghiệm sâu sắc” trong trùng tu, tôn tạo di tích trước sự việc đã rồi, không lấy cái cớ “tôn tạo” di sản để mưu cầu lợi ích cá nhân. Điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của các cấp quản lý cùng sự hiểu biết và cách làm việc khoa học, đừng để đến khi di tích bị “xâm hại”, thương tổn và mất mát, chúng ta mới tiếc nuối vì không thể nào lấy lại được những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá của ông cha để lại.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập