image banner
Giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm trên địa bàn huyện Sa Pa
Lượt xem: 1481
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, trên địaa bàn huyện Sa Pa có trên 700 loài cây thuốc, thuộc 565 chi của 154 họ thực vật. Cây thuốc phân bố trên khắp các sinh cảnh điển hình như rừng nguyên sinh núi cao, rừng tái sinh, núi đá vôi, ven suối, nương rẫy và cả trong khu dân cư.
 
emoticon
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan dây chuyền sản xuất cao atiso của Công ty Traphaco Sapa tại tỉnh Lào Cai.

Sa Pa là huyện vùng núi cao trên sườn Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Điều kiện tự nhiên tại Sa Pa đã tạo ra nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú về cây thuốc vào bậc nhất ở nước ta. Huyện Sa Pa có nhiều loài dược liệu quý có giá trị y dược cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược, như Sâm Hoàng Liên, Tam thất hoang, Chè dây, Giảo cổ lam, Đương quy và các loại cây dược liệu bản địa như Chùa dù, Pi đảnh, Ngồng lải là nguyên liệu chính để sản xuất thuốc tắm… Đến hết năm 2017, huyện Sa Pa đã trồng 112 ha dược liệu, gồm 65 ha Atiso; 02 ha Đương quy; 4,3 ha Xuyên khung; 05 ha Chè dây; 20ha Sa nhân và 15,7ha các loại cây khác (Đan sâm, Cát cánh, Giảo cổ lam, Hà thủ ô, Huyền sâm, Khúc khắc, Đỗ trọng...). Hiện nay, đã có một số công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã, tư nhân thu mua khoảng 70% sản lượng dược liệu sản xuất trên địa bàn huyện, số lượng còn lại do người dân tự tiêu thụ trên thị trường.

Với sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện Sa Pa đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ. Đặc biệt là hệ thống nhà lưới kiên cố che sáng để tạo môi trường thích hợp trong việc bảo tồn các loài quý hiếm, ưa bóng mát đồng thời phục vụ nghiên cứu nhân giống nhiều loài để bổ sung vào quỹ gen hàng năm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức đang đặt nguồn dược liệu quý trước nguy cơ cạn kiệt. Một trong những nguyên nhân chính là việc khai thác chưa đi đôi với bảo tồn; tình trạng người dân nhiều nơi vào rừng tìm cây dược liệu quý mang đi bán cho tư thương ngày càng gia tăng làm nguồn dược liệu bị suy giảm nghiêm trọng. Công tác quản lý khai thác còn lỏng lẻo, nhiều loài cây thuốc quý hiếm bị khai thác bừa bãi, hiện chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu do đó nhiều nguồn gen dược liệu có nguy cơ cạn kiệt và tuyệt chủng. Với những vấn đề nêu trên thì việc bảo tồn, phát triển, quản lý các nguồn gen dược liệu quý hiếm tại Sa Pa là rất quan trọng. Đây là cơ sở để thực hiện bảo tồn lưu giữ các nguồn gen quý, nhân giống, hoặc phát triển các nguồn gen khi cần thiết, phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài và bền vững.

Để bảo tồn, phát triển, quản lý các nguồn gen dược liệu quý hiếm trên địa bàn huyện Sa Pa, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây: Nâng cao chất lượng tuyên truyền, bảo vệ, bảo tồn, phát triển cây thuốc nam. Bảo tồn các nguồn gen cây thuốc đảm bảo đủ diện tích/số lượng. Nhân giống và bổ sung số lượng cá thể của một số loài thuộc diện qúy hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thu thập nguyên liệu và nhân giống một số loài như Tam thất hoang, Sâm vũ diệp, Bảy lá một hoa, Hoàng tinh cách, Hoàng tinh vòng… Thu thập, xử lý hạt giống đang lưu giữ và bảo tồn tại vườn cây thuốc. Xây dựng danh sách hạt giống thu thập (tên Việt Nam, tên khoa học, số lượng, thời gian thu mẫu). Mở rộng diện tích, cải tạo cảnh quan vườn bảo tồn. Tư liệu hóa nguồn gen, theo dõi các chỉ tiêu đánh giá, bổ sung thông tin mới theo dõi hằng năm. Cập nhật thông tin xây dựng phiếu đánh giá chi tiết cho các loài bảo tồn an toàn và phiếu đánh giá cho các loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cập nhật, quản lý, bảo vệ, lưu trữ thông tin các nguồn gen. Quảng bá, tuyên truyền về tầm quan trọng của nguồn gen cây thuốc. Gắn phát triển diện tích trồng cây thuốc nam với du lịch sinh thái và xóa đói giảm nghèo bền vững./.




 Tác giả: Phạm Ngọc Quý
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập