image banner
Hội Nhà báo Việt Nam- Những dấu mốc lịch sử qua 10 kỳ Đại hội
Lượt xem: 377
Hội Nhà báo Việt Nam đã đi trọn hành trình 10 kỳ Đại hội. Trước thềm Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, cùng nhìn lại những dấu mốc lịch sử từ 10 kỳ Đại hội, để thấy, những bước trưởng thành vượt bậc của HNBVN.

 

Hội Nhà báo Việt Nam đã đi trọn hành trình 10 kỳ Đại hội. Như nhìn nhận của nhà báo lão thành Phan Quang: “10 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ có những quyết định chính trị nghiệp vụ cập nhật dưới sự chỉ đường của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm tổ chức, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của hội viên.

Nhiệm kỳ sau tiếp nối công việc nhiệm kỳ trước, đề ra những chủ trương mới, việc làm mới, không một lúc nào rời xa định hướng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch là “tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức nhân dân thực hiện mục đích chung kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” - diễn đạt theo ngôn từ ngày nay là đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc”. Trước thềm Đại hội XI, cùng nhìn lại những dấu mốc lịch sử từ 10 kỳ Đại hội, để thấy, những bước trưởng thành vượt bậc của HNBVN.

Đại hội I - Trang khởi đầu đầy tự hào

Dấu mốc lịch sử đầu tiên trên hành trình phát triển của HNBVN suốt hơn 70 năm qua chính là sự kiện ngày 21/4/1950- ngày Hội những người viết báo Việt Nam - tổ chức tiền thân của HNBVN - tổ chức Hội nghị thành lập (Đại hội lần thứ nhất), tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

“Trái ngọt” từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Bác Hồ

Ít người biết rằng, dấu mốc lịch sử ngày 21/4 là “trái ngọt” từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nỗi khát khao của những người viết báo Việt Nam.

Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, báo chí Việt Nam bước vào giai đoạn lịch sử mới, tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, thì niềm mong ước có cho mình “ngôi nhà chung”, một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp ngày càng trở nên cháy bỏng trong tâm thức của những người viết báo Việt Nam thời bấy giờ.

Theo hồi ức của nhà báo lão thành Phan Quang, cũng bởi mối quan tâm ấy, chỉ ít lâu sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong bộn bề công việc của một người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên việc hiện thực hóa chủ trương nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo.

Việc thành lập các tổ chức quần chúng, các hội đoàn về văn hóa, báo chí, thông qua các đoàn thể, hội đoàn ấy vận động, tổ chức phong trào đòi độc lập, tự do, từ rất lâu đã là yêu cầu cấp thiết sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, việc Hội nghị Báo giới Trung Kỳ, Đại hội Báo giới Bắc Kỳ, Hội nghị Báo giới Nam Kỳ liên tiếp được tổ chức cũng vì lẽ đó.

hoi nha bao viet nam nhung dau moc lich su qua 10 ky dai hoi hinh 1

Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I Hội Những người viết báo Việt Nam.

Cũng bởi chủ trương ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc tổ chức thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam”

Cuối năm 1945, tại cuộc họp trù bị, nhà báo Xuân Thủy truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc chúng ta lập Hội. Cụ nói, nhà báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng cầm gươm trên cùng chiến tuyến, cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc. Đũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó không sức nào bẻ nổi”.

Quyết tâm là vậy, nhưng do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các nhà báo tản về hoạt động tại nhiều vùng trong cả nước, thế nên, ý định thành lập một tổ chức HNB chưa thể thực hiện.

Thời điểm đó, báo chí cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin - báo chí đa dạng hình thành. Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam... Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.

Cuộc tụ hội giữa An toàn khu

Cuốn “55 năm Hội Nhà báo Việt Nam” do HNBVN phát hành năm 2005 có đoạn nói rõ về sự kiện này. Tháng 3/1950, trong cuộc họp với đại diện báo chí Bắc Bộ, trong đó có các báo Sự thật, Cứu quốc, Độc lập. Phụ nữ, Lao động… một trong những nội dung mà giáo sư Trần Văn Giàu - thời điểm ấy được cử làm Tổng Nha Thông tin của Chính phủ - nêu lên là các báo cần lập ngay Hội Ký giả Việt Nam (Hội những người viết báo), để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo. “Bộ đội đã chính quy. Báo chí cũng cần chính quy. Mà cần phải làm ngay. Chính phủ sẽ hết sức tìm mọi cách giúp báo chí mọi phương tiện để làm việc” - ông Trần Văn Giàu hứa với các nhà báo.

Cùng lúc ấy, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Xuân Thủy, phụ trách Đoàn Báo chí kháng chiến, đứng ra triệu tập các nhà báo họp tại trụ sở báo Cứu quốc để bàn củng cố và mở rộng tổ chức tổ chức chính trị và nghề nghiệp của giới báo chí. Trụ sở báo Cứu quốc khi ấy đóng ở xòm Roòng Khoa thuộc xã Điềm Mặc nằm trong ATK (An toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên).

Cũng chính tại địa điểm này, ngày 21/4/1950, đại biểu từ các cơ quan báo chí như: Sự thật, Cứu quốc, Độc lập, Lao động, Vệ quốc quân, Văn nghệ, Phụ nữ, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã cùng tề tựu về tham dự Đại hội thành lập Hội.

Trang khởi đầu đã mở

Đại hội đã thống nhất thông qua Điều lệ, nêu rõ mục đích của Hội là góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình; bênh vực quyền lực của người viết báo; nâng cao địa vị của nghề viết báo, giúp đỡ lẫn nhau.

Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Cũng tại Đại hội, trong thảo luận, nhiều đại biểu thấy tên cũ “Đoàn Báo chí kháng chiến” không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết của giới báo chí nước ta, khi đó hoạt động cả ở vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm, hơn nữa Hội còn có nhiệm vụ lâu dài trong kiến thiết đất nước, sau khi kháng chiến toàn thắng. Đại hội nhất trí lấy tên là “Hội những người viết báo Việt Nam”.

Ngày 2/6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định số 233-NV/H chính thức công nhận sự hợp pháp của những người viết báo Việt Nam. Liền đó, Hội cũng được công nhận là thành viên chính thức của Mặt trận Dân tộc Thống nhất (Mặt trận Liên Việt sau này). Đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan tháng 9/1950 cũng đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

Từ thời khắc ấy, những người làm báo Việt Nam mới thực sự chính thức có một tổ chức của riêng mình. Khó có thể nói hết được tính lịch sử của Đại hội đầu tiên ấy. Từ Đại hội, những người làm báo Việt Nam có cơ hội quy tụ trong một tổ chức quy củ, có Điều lệ, có Chương trình hoạt động, có Ban Lãnh đạo… Bởi nhìn lại lịch sử báo chí Việt Nam sẽ thấy rõ, trước đó, vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng bởi sự thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Mong muốn có cho mình một tổ chức riêng luôn là nỗi khát khao cháy bỏng, thầm kín của những người làm báo Việt Nam.

Roòng Khoa - Đại hội đầu tiên đã trở thành dấu mốc lịch sử không thể nào quên của những người làm báo Việt Nam là trang khởi đầu đầy tự hào của những trang vàng lịch sử HNBVN…

ĐH lần thứ II - Xác định nhiệm vụ của người viết báo trong giai đoạn mới

ÐH lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam (diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/4/1959) tại Hà Nội là ĐH có nhiều dấu mốc lịch sử: ÐH vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và phát biểu; Hội Những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành HNB Việt Nam và xác định đường lối, nhiệm vụ của những người viết báo trong giai đoạn mới.

ĐH cũng đã nhấn trí thông qua nghị quyết gồm 3 phần: nêu cao truyền thống cách mạng lâu dài và vẻ vang của báo chí ta; nhiệm vụ và phương hướng hoạt  động của Hội; dựa trên điều lệ mới mà đề ra những hình thức bồi dưỡng để bảo đảm sự đoàn kết những người làm công tác báo chí…

Bài phát biểu của Người tại ĐH thực sự đã là “kim chỉ nam” cho hoạt động tác nghiệp của những người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung, HNBVN nói riêng cho đến tận bây giờ. Nói về HNB, Bác chỉ rõ: “Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì HNB mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”. Nói về báo chí cách mạng Việt Nam, Bác chỉ rõ: Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được.

ĐH đã bầu BCH mới gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch; các ông Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch; Ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.

ĐH lần thứ III - Nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ của người viết báo

“ĐH lần thứ III của HNB Việt Nam xác định nhiệm vụ cụ thể của báo chí nước ta trong giai đoạn mới và góp phần giải quyết một vấn đề mà Đảng hết sức quan tâm, nhân dân hàng ngày đòi hỏi và mỗi người viết báo đều mong muốn, là nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ của đội ngũ những người viết báo, đội quân xung kích trung thành, dũng cảm nhưng chưa dầy dạn kinh nghiệm trên mặt trận tư tưởng” - xã luận trên báo Nhân Dân số ra ngày 7/9 - ngày khai mạc ĐH.

Báo cáo của BCH khóa II với tiêu đề “Chúng ta phải luôn luôn là một đội ngũ chiến đấu cách mạng” do đồng chí Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch Hội trình bày nêu rõ: Tổ chức trao đổi kinh nghiệm một cách có hệ thống, nâng cao những kinh nghiệm công tác cụ thể lên trình độ có tính cách phổ biến là phương thức công tác chủ yếu của Hội nhằm giúp các hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình.

 

hoi nha bao viet nam nhung dau moc lich su qua 10 ky dai hoi hinh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ ba (9/1962). Ảnh tư liệu

Ngày 8/9/1962, ĐH phấn khởi đón mừng Bác Hồ đến nói chuyện với ĐH. Bài nói chuyện của Bác tại ĐH với chủ đề “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”. Trong bài nói chuyện, Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… Người cũng nhấn mạnh: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.

Tại ĐH, ông Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các ông Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó Chủ tịch. Ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký, các ông Ngô Đức Mậu, Trần Minh Tước làm Phó Tổng Thư ký.

ĐH lần thứ IV - Báo chí phấn đấu phát triển kịp bước đi của thời đại

Từ ngày 8-10/12/1983, ÐH đại biểu toàn quốc HNB Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội. Bản báo cáo của BCH khóa III do đồng chí Trần Lâm trình bày tại ĐH có nhan đề “Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và kịp bước đi của thời đại”. Một nhiệm vụ cấp bách được ĐH đề ra là bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ cũng như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những người làm báo.

ÐH đã bầu ra BCH gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký. Từ tháng 1/1987, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội.

ÐH lần thứ V - Quyết tâm đổi mới công tác báo chí

Từ ngày 16-18/10/1989, tại Hà Nội đã diễn ra ÐH lần thứ V HNB Việt Nam. ĐH đã nêu lên phương hướng, nhiệm vụ  của Hội trong nhiệm kỳ mới, trong đó nhấn mạnh tới quyết tâm đổi mới công tác báo chí. Về công tác xây dựng Hội, trọng tâm là tiếp tục kiện toàn tổ chức 3 cấp của Hội, nhất là cấp cơ sở.

ĐH cũng kiến nghị sớm có chính sách quốc gia, toàn diện, lâu dài về thông tin báo chí, đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng và cơ chế quản lý của Nhà nước đối với báo chí và sớm ban hành Luật Báo chí.

ĐH đã bầu BCH gồm 39 người do ông Phan Quang làm Tổng Thư ký; các ông: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó Tổng Thư ký.

ĐH lần thứ VI - Báo chí phải thực sự là diễn đàn của nhân dân

Từ ngày 8 - 9/3/1995, ÐH lần thứ VI HNBVN diễn ra tại Hà Nội. Điểm nhấn lớn nhất tại ĐH này là thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Cũng tại ĐH, một số quan điểm về báo chí và về Hội đã được khẳng định cho rõ: Báo chí ta là báo chí của nhân dân, vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; Báo chí phải thực sự là Diễn đàn của nhân dân; Làm báo là hoạt động chính trị- xã hội thông qua phương tiện thông tin…

ĐH đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) xác định: HNB Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, là một bộ phận trong hệ thống chính trị của nước ta, là thành viên MTTQVN.

ĐH đã bầu BCH gồm 35 Ủy viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Long Khởi làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

ÐH lần thứ VII - Tăng cường hiệu quả hoạt động của các cấp Hội

ÐH lần thứ VII HNB Việt Nam họp trong 2 ngày 24 - 25/3/2000 tại Hà Nội. ĐH đã xác định phương hướng, nhiệm kỳ cụ thể của nhiệm kỳ mới là: 1) Kiên trì hoạt động báo chí và hoạt động công tác Hội theo định hướng đúng. Coi trọng việc góp phần giáo dục chính trị, đạo đức người làm báo, bảo đảm sự trung thực hoạt động nghề nghiệp, xứng đáng với vai trò trong hệ thống giám sát của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. 2) Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cấp Hội. 3) Đẩy mạnh hoạt động xã hội, không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của HNB Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. 4) Tăng cường công tác kiểm tra của Hội từ Trung ương đến chi hội cơ sở… 5) Đẩy mạnh hoạt động quan hệ quốc tế của Hội… 6)… các cấp Hội cần năng động tạo thêm nguồn thu đúng pháp luật để có tài chính hoạt động.

hoi nha bao viet nam nhung dau moc lich su qua 10 ky dai hoi hinh 3

ĐH đã nhất trí thông qua Điều lệ HNBVN (sửa đổi) gồm 9 chương, 36 điều.  ĐH đã bầu BCH do ông Hồng Vinh làm Chủ tịch, ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, ông Ðinh Phong làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

 ĐH lần thứ VIII - Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN

Ðại hội lần thứ VIII HNBVN diễn ra từ ngày 11-13/8/2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên. Ông Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; ông Lê Quốc Trung, làm Phó Chủ tịch Thường trực; ông Phạm Quốc Toàn, làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình Hành động đến năm 2010.   

ÐH lần thứ IX - Đoàn kết, Dân chủ, trách nhiệm

ĐH lần thứ IX HNB Việt Nam diễn ra từ ngày 10-12/8/2010 tại Hà Nội. Bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đinh Thế Huynh, Chủ tịch HNBVN nhấn mạnh: ĐH lần thứ IX HNBVN sẽ là ĐH đoàn kết, trách nhiệm và đổi mới, nhất định sẽ góp phần rất quan trọng thúc đẩy nền báo chí cách mạng nước nhà phát triển ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp, đậm đà bản sắc Việt Nam…

hoi nha bao viet nam nhung dau moc lich su qua 10 ky dai hoi hinh 4

ĐH tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành HNBVN khóa IX ngày 27/3/2012 đã nhất trí để đồng chí Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch do yêu cầu công tác và bầu đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân giữ chức Chủ tịch HNBVN. Đồng chí Hà Minh Huệ là Phó Chủ tịch Thường trực. Đồng chí Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam. Các đồng chí Mã Diệu Cương, Trần Gia Thái làm Phó Chủ tịch.

Đại hội lần thứ X - Báo chí củng cố lòng tin vào sự nghiệp đổi mới

Từ ngày 7 - 9/8/2015, ĐH lần thứ X HNBVN đã diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại ĐH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và HNB nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị: Các cấp HNB cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên… xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao…  Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo trong việc không ngừng nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội. Tổng Bí thư cũng tin tưởng rằng, tổ chức HNB Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, ngôi nhà chung của những người làm báo cả nước.

ĐH đã tập trung thảo luận, nhất trí những phương hướng chủ yếu và 11 nhiệm vụ trọng tâm, và thông qua Nghị quyết nêu quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chính quy, hiện đại, nhân văn, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

ĐH đã bầu ra BCH mới gồm 57 đồng chí. Đồng chí Thuận Hữu tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch HNB Việt Nam khóa X. Các đồng chí Hồ Quang Lợi, Mai Đức Lộc, Nguyễn Bé làm Phó Chủ tịch.

 

Nguồn: Nhà báo và Công luận
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập