image banner
KHƠI DẬY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
Lượt xem: 658
Ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã từng bước hiện thực hóa những chỉ dẫn của Bác về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, chứng minh cho cả thế giới thấy vai trò và sứ mệnh đặc biệt của mình, dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sau 15 năm thành lập, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám - Thành lập Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống Mỹ với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm nên một Điện Biên Phủ trên không, kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước phải đối diện với nhiều thách thức khó lường, song Đảng ta luôn nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực đưa đất nước đạt được những thành tựu và dấu ấn nổi bật sau 35 năm đổi mới. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn sâu sắc, tầm khái quát cao, có luận cứ khoa học xác thực trong chặng đường 75 năm giành độc lập, 35 năm đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội làm giàu chính đáng với tư tưởng “dân giàu nước mạnh”. Nhờ đó, đại đa số người dân Việt Nam từ nơi phát triển đến vùng khó khăn đã biết tận dụng cơ hội, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, đồng sức, đồng lòng từng bước thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Góp phần đưa đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh đa số người dân luôn có ý chí và khát vọng vươn lên, trong xã hội còn một số người thiếu ý chí và khát vọng phát triển. Trong đó tập trung chủ yếu ở hai đối tượng sau: Một là, một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, do tập tục lạc hậu và một phần do chính quyền địa phương quan tâm “bao cấp” quá mức,… nên họ lười lao động, luôn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và xã hội. Vì vậy, cũng đồng đất, nương đồi ấy, điều kiện ấy người khác thì no đủ, làm giàu còn mình thì mãi đói nghèo. Hai là, một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp do gia đình khá giả, giàu có nên mặc dù họ còn trẻ, có trình độ, được đào tạo bài bản song lại sớm có tư tưởng sống hưởng thụ, bằng lòng, thỏa mãn với những gì mình có, không muốn tiếp tục cống hiến cho cơ quan, xã hội, đất nước. Những người này đi làm không vì tiền lương mà chủ yếu cho vui, họ làm việc cầm chừng không có nhiệt huyết cống hiến. Tư tưởng này ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, một trong những điểm mới của Nghị quyết Đại hội lần này là lần đầu tiên nội dung “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được đưa vào Văn kiện của Đại hội. Đồng thời chuyên đề học Bác toàn khóa cũng xác định: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Để khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được khơi dậy trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đòi hỏi cấp ủy các cấp cần tiếp tục triển khai học tập và tổ chức thực hiện phù hợp với từng đối tượng, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó cần chú ý, quan tâm tuyên truyền nhiều hơn, hiệu quả hơn ở hai đối tượng nêu trên, để họ cùng đồng hành với toàn dân tộc sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập