image banner
Làm gì để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Lượt xem: 485
Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Các công nghệ mới được tích hợp ứng dụng trong NNCNC bao gồm: tự động hóa, cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao,… Cộng với quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ,… có hiệu quả kinh tế cao/đơn vị sản xuất. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng rau khí canh, thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà kính; mô hình trồng hoa trong nhà kính; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng nền đệm lót sinh học,… NNCNC có ưu việt hơn nông nghiệp truyền thống là: Tiết kiệm diện tích đất trồng; tránh việc lây lan sâu bệnh; giảm thiểu sự tác động của môi trường và thời tiết bên ngoài, đảm bảo cây có thể phát triển tốt; cung cấp cho cây đầy đủ chất dinh dưỡng và lượng nước cần thiết; điều chỉnh ánh sáng hợp lý; điều khiển tự động; chống thất thoát nước thông qua phương pháp tưới nhỏ giọt và có thể điều chỉnh môi trường theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng,… Điều đó giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt, công nghệ đèn LED, công nghệ cảm ứng, internet vạn vật,... vào sản xuất giúp người sản xuất chủ động trong kế hoạch sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, tránh được rủi ro thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Mô hình trồng cây Dâu tây áp dụng Công nghệ cao tại Lào Cai

Tuy nhiên, phát triển NNCNC cũng có những khó khăn như: Vốn đầu tư lớn; mô hình còn mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý; người lao động chưa có đủ trình độ kỹ thuật, kỹ năng canh tác; thiếu đối tác ổn định lâu dài trong cung cấp các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra,…

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa nên đòi hỏi phải nâng cao năng suất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực; biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ tạo ra sức ép rất lớn cho nông nghiệp nước ta; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao,... Vì thế, phát triển NNCNC là xu hướng tất yếu, dù khó khăn đến đâu cũng cần tích cực đẩy mạnh.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương vào điều kiện của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI xác định: “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ”.

Với tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2021 toàn tỉnh đã có 3.360 ha NNCNC (Gồm: 710 ha rau, 200 ha hoa, 315 ha dược liệu, 550 ha cây ăn quả ôn đới, 1.215 ha chè, 370 ha dâu tằm) tập trung ở Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, TP Lào Cai. Giá trị sản phẩm ước đạt trên 260 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bảo Thắng, Bắc Hà. Có 10 tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nước lạnh với quy mô 10.341 m3 tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà3. Diện tích NNCNC nêu trên so với tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh còn khá khiêm tốn, song đó là kết quả bước đầu rất tích cực và quan trọng, là tiền đề để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển NNCNC trong thời gian tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển NNCNC trong thời gian tới cần phải tiến hành đồng thời nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố quan trọng như sau:

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, nhất là cấp cơ sở và người nông dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển NNCNC, coi đó là đòi hỏi tự thân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là giải pháp về tư tưởng nên cần được thực hiện tốt cả trước và trong quá trình phát triển NNCNC.

Tích cực đào tạo nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý và người lao động để họ có trình độ kỹ thuật, kỹ năng thực hiện NNCNC. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, thuế, ưu đãi vay vốn,… để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nông dân đầu tư phát triển NNCNC.

Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình nông dân tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩn đầu ra ổn định, lâu dài để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nông dân yên tâm đầu tư vào NNCNC.

Đỗ Đức Liệu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập