image banner
Lào Cai chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Lượt xem: 1195


Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người, trong đó an toàn thực phẩm (ATTP) đóng vai trò quan trọng. Trong những năm qua, việc bảo đảm ATTP đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp, thiết thực. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 15/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành, đoàn thể… triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh bằng nhiều hình thức trên nhiều kênh thông tin khác nhau, phù hợp với thực tiễn, phong tục, tập quán của từng địa phương.

Trong 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức nói chuyện trực tiếp, tuyên truyền 23.948 buổi về ATTP cho tổng số 762.986 lượt người nghe. Từ năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng các sản phẩm truyền thông, tuyên truyền trên sóng truyền hình tỉnh 1 lần/tuần, 2 lần/tuần trên sóng phát thanh bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số. Năm 2019, tỉnh Lào Cai đã đưa ra thông điệp “nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Với mục tiêu nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; hạn chế nhược điểm và nguy cơ tiềm ẩn của nguồn nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn. Qua đó, những nội dung cơ bản của vấn đề ATTP đã từng bước được truyền tải đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể... Nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, cá nhân và cộng đồng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Kết quả điều tra tỷ lệ hiểu biết đúng về ATTP của người lãnh đạo quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cho thấy: Tỷ lệ người quản lý có kiến thức ATTP tăng từ 62,3% (năm 2011) lên 79,6% (năm 2013); tỷ lệ người sản xuất, chế biến thực phẩm có kiến thức ATTP tăng từ 45,8% (năm 2011) lên 67,1% (năm 2013); tỷ lệ người kinh doanh thực phẩm có kiến thức ATTP tăng từ 39,1% (năm 2011) lên 64,4% (năm 2013); tỷ lệ người tiêu dùng có kiến thức ATTP tăng từ 28,4% (năm 2011) lên 69% (năm 2013).      


Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Cao Sơn. Nguồn: Báo Lào Cai.

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ về ATTP được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong 7 năm qua, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành thực hiện kiểm soát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đối với 56.454 lượt cơ sở, trong đó có 47.652 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh, trung bình đạt 84,4%; xử phạt vi phạm hành chính đối với 814 lượt cơ sở với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Do công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên nên trong giai đoạn năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2019 không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra tại các cơ quan, đơn vị, trường học; trong sinh hoạt dân cư có 08 vụ/10 người bị ngộ độc (năm 2012) và 01 vụ/10 người bị ngộ độc (6 tháng đầu năm 2019). Ngân sách chi cho công tác ATTP được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, ngân sách địa phương cấp cho công tác ATTP từ 1.164 triệu đồng (năm 2012), thì trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 2.859 triệu đồng; cơ sở vật chất của các cơ quan quản lý ATTP đã được quan tâm đầu tư, Chi cục ATVSTP đã được cấp trụ sở làm việc với các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác của đơn vị.

Cùng với công tác tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và tăng cường ngân sách cho công tác ATTP việc đào tạo, tập huấn cán bộ làm về công tác ATTP cũng được tỉnh quan tâm, thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp. Từ năm 2012 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức 134 lớp tập huấn kiến thức khoa học, pháp luật về ATTP cho 5.035 lượt cán bộ là thành viên ban chỉ đạo ATTP cấp huyện, xã, cán bộ y tế, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố. Trong quá trình tập huấn có đánh giá kiến thức đầu vào đầu ra, báo cáo kết quả cho UBND huyện, thành phố. Qua công tác đào tạo, cán bộ tham gia quản lý nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã nắm bắt được các kiến thức cơ bản về phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua đường thực phẩm và qui định của pháp luật về ATTP, kỹ năng xử lý sự cố ATTP và kiến thức kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

 Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác ATTP của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay, hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe, nên hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước về ATTP chưa cao. Còn tồn tại cơ sở kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP. Kinh phí cho các cơ quan chuyên môn ở tuyến huyện và xã thực hiện quản lý ATTP còn ít.... Đặc biệt, do là tỉnh giáp biên giới nên có nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường; một số phong tục tập quán ăn uống lạc hậu còn tồn tại. Ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP chưa cao; các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm chủ yếu vẫn ở trình độ thấp; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ khó kiểm soát; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; nhận thức về vệ sinh ATTP của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ, nhất là người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.       

Để công tác ATTP đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới bên cạnh việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với công tác ATTP trong tình hình mới thì cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP của các cơ quan chức năng. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thực tiễn đội ngũ cán bộ; bổ sung, củng cố hệ thống tổ chức quản lý ATTP từ tỉnh đến cơ sở. Bổ sung kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm. Tích cực phối hợp với các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về ATTP, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, phát triển giống nòi và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương các tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn toàn tỉnh./.

 
Tác giả: Đặng Thị Hồng 
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập