image banner
Lào Cai chú trọng nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 940


Trong những năm qua quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; hạ tầng cơ sở phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại. Tuy nhiên quá trình đó cũng làm suy thoái môi trường; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường đối với việc phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe con người, ngày 25/4/2013 Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Qua 6 năm thực hiện, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng môi trường sống được kiểm soát; môi trường đô thị, nông thôn và khu công nghiệp, chế xuất được quan tâm bảo vệ. Đối với môi trường đô thị: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 80% (năm 2012) lên 95% (năm 2018). Trong đó tỷ lệ chất thải rắn được xử lý triệt để tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và nhà máy xử lý đạt 70%; công tác phân loại chất thải tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai đạt 87%, thị trấn Sa Pa đạt trên 60%, thị trấn Bát Xát đạt 83%. Năm 2013, tỉnh đầu xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải đô thị tại thành phố Lào Cai với công suất 4.300m3/ngày đêm. Hiện nay, đang triển xây dựng 02 nhà máy xử lý nước thải tại thị trấn Sa Pa với tổng công suất 7.500m3/ngày đêm. Chất thải y tế nguy hại tại các bệnh viện được thu gom, xử lý đạt trên 96% (tăng 177% so với năm 2013).

Môi trường nông thôn được cải thiện thông qua việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Các xã xây dựng nông thôn mới đều quy hoạch, xây dựng và sử dụng nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải và đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 1.030 công trình cấp nước sạch nông thôn; 101 hồ, đập chứa nước thủy lợi với tổng dung tích 13,2 triệu m3 đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 88%; hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 71%; hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt trên 81%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải khu vực nông thôn đạt trên 30%. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường được triển khai thực hiện; các trang trại, gia trại chăn nuôi áp dụng biện pháp xử lý môi trường, chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh thái, sử dụng các chế phẩm sinh học...

Từ năm 2013 trở lại đây, chất lượng môi trường tại các khu sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến khá phức tạp; có trường hợp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp xử lý chất thải đúng quy định và bổ sung, khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải trong giai đoạn đầu tư. Khu công nghiệp Tằng Loỏng được đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 3.000m3/ngày đêm (vận hành từ tháng 7/2017); 01 trạm xử lý nước thải với công suất 2.000m3/ngày đêm (vận hành từ tháng 12/2018); thành lập tổ giám sát 24/24 giờ đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; Khu công nghiệp Đông Phố Mới đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 01 trạm xử lý nước thải tập trung tại với công suất 500m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém đó là: Nhận thức, tinh thần trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, người dân, nhất là ở vùng nông thôn và một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Có tình trạng coi trọng lợi ích kinh tế, xem nhẹ bảo vệ môi trường nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án; chưa quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ, chưa thực hiện đầy đủ cam kết về bảo vệ môi trường... Công tác quy hoạch khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bộc lộ một số hạn chế, chưa dự báo được tốc độ đô thị hóa nhanh tại các khu, cụm công nghiệp; sự phát triển nhanh về số lượng các nhà máy và phát sinh ô nhiễm môi trường. Năng lực quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phân tích, đánh giá kết quả môi trường chưa được đầu tư đúng mức, chưa hiện đại; tình trạng gây ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện. Nhiều xưởng sản xuất nhỏ có sử dụng hóa chất độc hại vẫn tồn tại trong khu dân cư, một số khu đất trống trở thành khu đổ trộm rác thải, có công trình công cộng chưa sử dụng đúng mục đích cũng gây ô nhiễm môi trường sống ngay trong một số khu đô thị... Một số hoạt động khai thác thủy điện, du lịch, khoáng sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh, tuy nhiên chưa phát huy hiệu quả, chưa thu hút nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Một là, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đối với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Mỗi cá nhân thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng điện, tiết kiệm nước sinh hoạt; thu gom pin sau khi sử dụng; từng bước giảm bớt sử dụng đồ dùng gây ra rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực ngay tại gia đình, cơ quan, đơn vị. Các cơ quan chức chỉ đạo sử dụng đúng mục đích các công trình công cộng như nhà văn hóa, công viên...; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường; không để xưởng sản xuất nhỏ trong khu dân cư.

Hai là, chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, khu phát triển kinh tế, khu dân cư đảm bảo tính bền vững, hiện đại; chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, đầu tư trang thiết bị hiện đại về quan trắc môi trường; rà soát quy hoạch, xây dựng khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại địa phương, khu sản xuất, nơi có các dự án lớn; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là hợp tác bảo vệ môi trường, xây dựng quy chế sử dụng chung dữ liệu bảo vệ môi trường xuyên biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư công nghệ, nhà máy xử lý chất thải.

Bốn là, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của công tác bảo vệ môi trường đối với sức khỏe của bản thân, cộng đồng và nhân loại.

 
Tác giả: Phạm Ngọc Quý 
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập