image banner
Lào Cai: Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Lượt xem: 488
Thời gian qua, trên toàn tỉnh Lào Cai, công tác trẻ em được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; các mục tiêu vì trẻ em được đưa vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nhằm từng bước nâng cao thể trạng, trình độ văn hoá, thực hiện quyền trẻ em với tinh thần không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện quyền trẻ em với tinh thần không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Tính đến tháng 4/2022, toàn tỉnh có trên 230.000 trẻ em, tăng 18.000 trẻ so với năm 2012. Đây là nguồn nhân lực dồi dào, sẽ góp phần rất lớn xây dựng và bảo vệ quê hương. Để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, trong thời gian vừa qua, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp Nhân dân của toàn tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chung sức, đồng lòng chăm lo cho thế hệ tương lai. Công tác trẻ em được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; các mục tiêu vì trẻ em được đưa vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nhằm từng bước nâng cao thể trạng, trình độ văn hoá, thực hiện quyền trẻ em với tinh thần không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp Nhân dân của toàn tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chung sức, đồng lòng chăm lo cho trẻ em.


Ngày 05/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Từ đó công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai càng được quan tâm, nâng cao chất lượng. Trong 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã tổ chức 10 hoạt động Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, 57 diễn đàn trẻ em cấp huyện, 621 diễn đàn trẻ em trong trường học thu hút 195.932 lượt trẻ em tham gia. Trên 90% trẻ em dưới 06 tuổi được cấp phát thẻ BHYT; 100% trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, hộ nghèo, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng được quan tâm, hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Có 332 lượt trẻ được hưởng chính sách của trung ương; 2.702 lượt trẻ em được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh; hàng ngàn lượt trẻ mầm non, trẻ học xa nhà được hỗ trợ về giáo dục. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai quản lý 735 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn miễn phí qua đường dây nóng (18001136) cho 410 trường hợp liên quan đến trẻ em; can thiệp, hỗ trợ 45 trẻ em bị xâm hại, bạo lực,…

Công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai được duy trì. Các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo đều đạt và vượt so với toàn quốc. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các trường mầm non đạt 100%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc THCS đạt 99%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu vào lớp 6 đạt 98,5%; tỷ lệ học sinh học lên THPT, THCN, học nghề đạt 80%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học đạt kết quả vượt bậc, học sinh đạt nhiều giải cao quốc gia, quốc tế.

Hàng năm, chính quyền các cấp của Lào Cai đều triển khai thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” với nhiều chủ đề bổ ích gắn với tổ chức mùa hè an toàn, vui khỏe cho trẻ. Một số địa phương tổ chức nhiều hoạt động miễn phí vì trẻ em như dạy bơi; dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích,... Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Đã treo 1.247 băng-zôn, 933 tranh áp-phích, pano; phát hành 30.000 tờ rơi tuyên truyền chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai, các bản tin chuyên ngành truyền tải hàng ngàn tin, bài, ảnh tư liệu tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với thông điệp “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.

Các địa phương trong tỉnh Lào Cai thực hiện nhiều mô hình nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ như: Mô hình tuyên truyền viên măng non trong các trường THCS; Câu lạc bộ phóng viên nhỏ, Hội đồng trẻ em, Thăm dò ý kiến của trẻ em, Diễn đàn trẻ em; Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em, Học kỳ quân đội,... Các mô hình đã thu hút hàng nghìn lượt trẻ em tham gia.

Bên cạnh việc phát huy nội lực thì công tác hợp tác quốc tế trong thực hiện quyền trẻ em được quan tâm. Nhiều dự án phối hợp với các tổ chức nước ngoài được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó tiêu biểu là: Dự án Phòng chống lao động trẻ em (Do ILO tài trợ) tại xã San Sả Hồ, Lao Chải, thị xã Sa Pa; Dự án Bảo vệ trẻ em (Do Unicef tài trợ) triển khai tại 12 xã tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa;  Dự án phòng chống đuối nước trẻ em (Do Hoa Kỳ tài trợ) triển khai thực hiện từ năm 2019, tại 15 xã thuộc huyện Bảo Yên, Bắc Hà và thành phố Lào Cai.

Đặc biệt là, trong hai năm vừa qua, công tác phòng chống dịch, bệnh COVID-19 cho trẻ em được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm; tỷ lệ trẻ em từ 12 tuổi đến người dưới 18 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt trên 98%; hiện nay tỉnh đang tiêm vacxin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi,... Đây là sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 Một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục

Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trẻ em chưa thường xuyên; chưa huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điểm vui chơi cho trẻ nhất là ở vùng nông thôn, vùng cao. Có lúc, có nơi chưa nắm chắc tình hình; chưa dự báo, phòng ngừa một số nguy cơ như trẻ em bị lạm dụng tình dục, lạm dụng lao động, tai nạn thương tích, đuối nước,... Do đó hằng năm vẫn có trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích hoặc đuối nước.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn cao (31,7%); tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp mầm non còn thấp; điểm vui chơi dành cho trẻ em tại xã, phường, thị trấn còn ít. Từ năm 2012 đến hết năm 2021 có tới 101 trẻ em bị lạm dụng tình dục, buôn bán, bắt cóc, lạm dụng lao động; có 63 trẻ em vi phạm pháp luật bị đưa ra xét xử.

Số cặp vợ chồng ly hôn có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Trong 10 năm vừa qua Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai đã giải quyết 11.856 vụ việc, có 15.176 trẻ em là con của các đương sự trong các vụ việc ly hôn thiếu đi sự chăm sóc đầy đủ của cả bố và mẹ. Phụ nữ sinh con trước tuổi 18 vẫn còn diễn ra, nhất là ở vùng cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, bảo vệ và đặc biệt là giáo dục trẻ em.

Trên môi trường mạng Internet, trẻ em vô tình hay cố ý bị tiết lộ bí mật đời tư, hình ảnh, thông tin cá nhân và bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột, lừa đảo trẻ em trên mạng có xu hướng gia tăng; tác động của những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách, tinh thần của trẻ; tình trạng mâu thuẫn cá nhân, bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, từ môi trường mạng chuyển sang đời thực; thời gian, công sức của trẻ em bị mất nhiều do tham gia game, lập tài khoản ảo và phải trả tiền để tham gia những trò chơi đó. Thống kê có khoảng 57% thanh niên thành thị, 45% thanh niên nông thôn từng chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; trong đó rất nhiều trẻ sẵn sàng chia sẻ thông tin mang tính bí mật như tên riêng, số điện thoại, trường học,… Đã có không ít trẻ từng đi gặp người lạ làm quen trên mạng; trẻ em đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng xã hội,... Trong khi nhận thức của trẻ em về an toàn trên mạng còn chưa đầy đủ, chưa tự bảo vệ bản thân thì phần lớn cha mẹ, thầy cô chưa hoặc không đủ kiến thức tin học để hướng dẫn trẻ sử dụng mạng theo hướng tích cực. Do đó việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay.

Việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và bóc lột luôn là thách thức, khó khăn. Những chênh lệch về điều kiện sống trong xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn nhiều giá trị truyền thống đã dẫn tới rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng,...

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần thực hiện tốt một số nội dung.

Đổi mới công tác truyền thông về trẻ em. Các cấp các ngành, nhất là ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền cho học sinh nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Ngành chức năng tăng cường thời lượng, chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, kiến thức cho trẻ em, cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ và người dân trong cộng đồng. Nhất là đối với người dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng biểu dương gương “Người tốt, việc tốt” và công khai các hành vi xâm hại, mất an toàn đối với trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Ban chỉ đạo, Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chủ động phòng ngừa giảm thiểu tối đa các hành vi xâm hại trẻ em; thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xử lý nghiêm minh các trường hợp xâm hại, ngược đãi trẻ em theo quy định pháp luật.

Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các công trình phúc lợi dành cho trẻ em. Khi lập các dự án xây dựng khu dân cư, khu nhà ở cần dành diện tích đất phù hợp để xây dựng trường học, công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em. Từng bước bố trí tăng nguồn ngân sách; huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng các công trình vui chơi cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn,...

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trong các trường học cũng như từng gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng khu dân cư và các tổ chức chính trị, xã hội. Khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ em. Tích cực mở rộng hợp tác trong và ngoài nước đối với công tác trẻ em và thực hiện quyền trẻ em. Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, người nuôi dưỡng cần tự bồi dưỡng kiến thức để hướng dẫn trẻ em sử dụng Internet, mạng xã hội theo hướng tích cực, thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân trong xã hội số.

Hàng năm, tổ chức hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực Tháng hành động vì trẻ em từ ngày 01 - 30/6, Ngày quốc tế thiếu nhi (01/6), Tết Trung thu, Ngày gia đình Việt Nam (28/6) và Diễn đàn trẻ em các cấp. Tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó, gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em./.

TS. Dương Đức Huy
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập