image banner
Lào Cai nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình tuyên vận
Lượt xem: 382

Với đặc điểm một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là thông qua loại hình tuyên truyền miệng. Từ nhận thức đó trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực. Một trong những giải pháp nổi bật là thông qua hoạt động của mô hình tuyên vận từ tỉnh đến cơ sở.

 

Từ nhận thức và cách làm sáng tạo, nghiêm túc

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về mối liên hệ mật thiết giữa công tác tuyên truyền và vận động tại cơ sở cũng như những hạn chế, bất cập của hai lĩnh vực trên địa bàn. Từ năm 2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai quyết định triển khai thực hiện “Đề án thí điểm thực hiện mô hình Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” tại 35 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào hiệu quả thực tế, từ năm 2016 đã triển khai thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh với 164 ban tuyên vận và 1.856 tổ tuyên vận (tính đến hết năm 2018). Sau 5 năm thực hiện và sơ kết, tổng kết giai đoạn thí điểm (2012 – 2016), ngày 26/10/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU về công tác tuyên vận. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, chuyển công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, ở cơ sở công tác tuyên giáo và công tác dân vận được thực hiện thống nhất về mọi mặt.

Xác định một trong những nội dung quan trọng triển khai tại hội nghị tuyên vận cấp xã hằng tháng cũng như trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở là tuyên truyển, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ năm 2012 đến hết năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong khối tuyên truyền của tỉnh, nhất là Sở Tư pháp tổ chức biên soạn, cung cấp khoảng 50 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Hiến pháp nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, 23 luật và bộ luật, 01 pháp lệnh, 01 nghị định, còn lại là nghị quyết và quyết định của HĐND, UBND tỉnh Lào Cai. Các văn bản này đã được biên tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến cán bộ, đảng viên tại hơn 10.000 hội nghị tuyên vận xã, phường, thị trấn và các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của 1856 tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân hằng tháng. Ngoài việc triển khai tại hội nghị tuyên vận, năm 2014 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh biên tập, xuất bản 3.500 cuốn “Sổ tay công tác tuyên vận” trong đó có trên 10 chuyên đề liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật cung cấp cho các Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Căn cứ Quy định, việc xác định nội dung, biên tập, cung cấp, tổ chức phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật tại hội nghị tuyên vận được thực hiện nền nếp, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo 3 bước cơ bản.

Bước một, hằng năm, Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan xác định nội dung cần tuyên truyền, phổ biến tại hội nghị tuyên vận cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, xây dựng thành kế hoạch chuyên đề. Kế hoạch có sự phân chia các chuyên đề bảo đảm phù hợp theo từng tháng, gắn với các sự kiện, các chủ đề phù hợp, sát thực. Đây là căn cứ để triển khai thực hiện trong cả năm cũng như phục vụ việc đánh giá trách nhiệm, hiệu quả trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên vận theo quy định.

Bước hai, trên cơ sở kế hoạch được thống nhất đã ban hành, hằng tháng, cùng với các cơ quan liên quan, Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn nội dung chuyên đề thuộc lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ cung cấp về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp chung, gửi về Ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy cung cấp đến đảng ủy các xã, phường, thị trấn qua hòm thư điện tử phục vụ triển khai tại hội nghị tuyên vận. Cùng với việc gửi tài liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải toàn bộ tài liệu này lên chuyên mục “Thông tin tuyên vận” - Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy và Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phục vụ việc tra cứu, khai thác của cán bộ tuyên vận cơ sở cũng như cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Để việc triển khai chuyên đề hiệu quả, Sở Tư pháp phối hợp chỉ đạo các cơ quan ngành dọc cấp huyện hỗ trợ đảng ủy xã, phường, thị trấn về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc báo cáo viên truyền đạt đối với các chuyên đề khó theo đề nghị của cơ sở. Bên cạnh đó, theo phân công hằng tháng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng với các cơ quan liên quan, Sở Tư pháp cử lãnh đạo, cán bộ đi dự, nắm bắt tình hình thực hiện phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật cũng như việc tổ chức hội nghị tuyên vận từ 1 đến 2 xã theo hình thức luân phiên; kết thúc có tổng hợp báo cáo kết quả dự hội nghị theo mẫu gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy để tổng hợp, tham mưu đánh giá, chấm điểm các huyện ủy, thành ủy.

Bước ba, tại các xã, phường, thị trấn, trên cơ sở chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh gửi thông qua Ban tuyên giáo, cùng với việc chuẩn bị các nội dung khác của hội nghị tuyên vận theo quy định, hằng tháng trước ngày mồng 10 và sau khi dự hội nghị báo cáo viên cấp huyện, đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên vận. Tại hội nghị tuyên vận, bên cạnh việc in ấn, phát tài liệu đến các đại biểu dự họp, đảng ủy cấp xã lựa chọn đồng chí có chuyên môn hoặc am hiểu về lĩnh vực tư pháp (thường là cán bộ tư pháp hộ tịch) chịu trách nhiệm triển khai chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trong khoảng thời gian 45 phút. Kết thúc hội nghị tuyên vận, các tổ tuyên vận căn cứ nhiệm vụ được phân công và tài liệu được cung cấp tiếp tục cụ thể hóa, giao nhiệm vụ đến các thành viên, các chi hội đoàn thể tại thôn, tổ dân phố thực hiện việc tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Công tác tuyên vận được Tỉnh ủy Lào Cai thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở.

Đến hiệu quả đạt được trong thực tiễn

Công tác triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật với mô hình tuyên vận tại tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả quan trọng, rõ rệt, thực chất, nổi bật là:

Việc xác định nội dung các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, nhân dân được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị chu đáo trong cả năm và từng tháng với yêu cầu bảo đảm theo đúng chỉ đạo của ngành dọc cấp trên, sát với nhu cầu thực tiễn cơ sở. Việc biên soạn, cung cấp từng nội dung chuyên đề để triển khai tại hội nghị tuyên vận được cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định, nội dung vừa bảo đảm đầy đủ, có trọng tâm, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân tại cơ sở, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đội ngũ báo cáo viên phụ trách thực hiện chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật được hầu hết đảng ủy xã, phường, thị trấn lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng thuyết trình, trong đó nhiều báo cáo viên có sự phân tích, liên hệ với thực tiễn tại địa phương, cơ sở do đó hấp dẫn người nghe, giúp người nghe dễ tiếp thu, ghi chép, làm tiền đề để tiếp tục tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Việc bố trí thời gian dành cho triển khai chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật tại hội nghị tuyên vận hằng tháng bảo đảm phù hợp, thỏa đáng trong tổng thời gian của hội nghị. Không dừng lại tại hội nghị tuyên vận, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện đến từng hộ gia đình và mỗi người dân thông qua hoạt động của Tổ tuyên vận, các chi hội đoàn thể tại thôn, tổ dân phố.

Thông qua mô hình tuyên vận, việc bố trí nguồn lực đáp ứng yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật được bảo đảm hằng năm, kinh phí lồng ghép trong thực hiện các nội dung hội nghị tuyên vận do đó không phát sinh chi phí tổ chức hội nghị riêng để phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trong khi hiệu quả triển khai thực hiện vẫn được bảo đảm. Thống kê từ năm 2012 đến 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp gần 50 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác tuyên vận, trong đó 87% tổng kinh phí dành cho việc thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, số còn lại phục vụ việc kiểm tra, giám sát và thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Vai trò, trách nhiệm tham gia của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở trong phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng cao. Theo Quy định, ngoài các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể tỉnh, Sở Tư pháp là cơ quan duy nhất thuộc khối nhà nước chịu trách nhiệm tham gia thực hiện công tác tuyên vận gắn với nhiệm vụ trọng tâm là phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua mô hình tuyên vận.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác tuyên vận, việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật được tổng hợp, đánh giá, chấm điểm, phân xếp loại hằng tháng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh (xã đánh giá thôn, huyện đánh giá xã, tỉnh đánh giá huyện) và sử dụng kết quả này là một trong những căn cứ để đánh giá, phân xếp loại đảng bộ và tổ chức cơ sở đảng các cấp. Đây vừa là yêu cầu quan trọng vừa là động lực để các cấp, các ngành thi đua, thực hiện nhiệm vụ được phân công bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, chất lượng. Thống kê riêng kết quả chấm điểm trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy: (i) Đối với Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng Tỉnh ủy chấm có 02 huyện xếp loại tốt trong cả 6 tháng; 03 huyện, thành phố có 5/6 tháng xếp loại tốt, 1 tháng xếp loại khá; 02 huyện có 4/6 tháng xếp loại tốt, 2 tháng xếp loại khá; 01 huyện có 3 tháng xếp loại tốt, 3 tháng xếp loại khá; 01 huyện có 2 tháng xếp loại tốt, 2 tháng xếp loại khá, 2 tháng xếp loại trung bình. (ii) Các huyện ủy, thành ủy chấm điểm đảng ủy xã, phường thị trấn cho thấy có 578 lượt ban tuyên vận xếp loại tốt, 353 lượt ban tuyên vận xếp loại khá, 53 lượt ban tuyên vận xếp loại trung bình.

Tiếp tục xác định những vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

Một là, nâng cao vai trò chủ động, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, nhất là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, thực hiện nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tuyên vận ở cơ sở. Chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng việc xác định nội dung, biên soạn chuyên đề, gửi tài liệu, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tại hội nghị tuyên vận hằng tháng phù hợp với đặc điểm các cơ sở vùng cao.

Hai là, thực hiện trình tự, hình thức, nội dung hội nghị tuyên vận hằng tháng bảo đảm Quy định, có sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Căn cứ nội dung từng tháng để thiết kế và thực hiện chương trình hội nghị, các chuyên đề truyền đạt tại hội nghị cần có sự nghiên cứu, biên tập phù hợp, bảo đảm cân đối giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với các nội dung khác. Thực hiện đăng ký lịch tổ chức hội nghị có tính kế hoạch, hạn chế thay đổi thời gian tổ chức.

Ba là, quan tâm bồi dưỡng, trang bị thêm các kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cơ sở, nhất là báo cáo viên phụ trách phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung này. Thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cơ sở, trong bố trí báo cáo viên ưu tiên những cán bộ có năng lực, được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, uy tín, là người địa phương, sử dụng thành thạo máy tính và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, nghiên cứu lồng ghép nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm vào kinh phí thực hiện công tác tuyên vận để nâng cao mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với báo cáo viên phổ biến, giáo dục pháp luật tại hội nghị tuyên vận./.

 

 


 Tác giả: Nam Trung
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập