image banner
Lào Cai thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở
Lượt xem: 461
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ cập trung học cơ sở (PCGDTHCS), Ngày 21/8/2007, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, "về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở". Sau 10 năm thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự năng động trong điều hành của chính quyền các cấp công tác PCGDTHCS đã thu được những kết quả quan trọng.
 

Cấp ủy các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có nhiều đề án phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhiệm kỳ đại hội. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục (BCĐPCGD) cùng cấp luôn kịp thời kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Những xã yếu, xã khó khăn về giáo dục đã bố trí đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo; phân công các thành viên chủ chốt BCĐPCGD huyện phụ trách những xã yếu. Trong giai đoạn vừa qua (2011-2017) các xã đã phát huy tốt vai trò của Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn, Trưởng thôn, bản, Bí thư chi bộ thôn, già làng, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín tham gia thực hiện công tác vận động, huy động học sinh ra lớp do đó tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh THCS đi học chuyên cần tăng lên hằng năm, riêng năm 2017 đạt 96,46% (tăng 6,26% so với năm 2007).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 189 trường THCS với 1594 lớp (giảm 128 lớp so với năm 2007), 43.082 học sinh (giảm 1172 học sinh so với năm 2007). Trong 10 năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng trường THCS và các trường PTDTNT, PTDTBT. Với sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của hệ thống trường cấp trung học cơ sở, chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục đã có bước tiến bộ vững chắc, rõ nét ở cả vùng thấp và vùng cao, đặc biệt ở các xã khó khăn nhất về giáo dục đã có sự chuyển biến rõ rệt. Năm 2007 toàn tỉnh còn 41 xã yếu về giáo dục thì đến nay không còn xã yếu về giáo dục. Tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt, khá được duy trì; tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS tăng 6,56% so với năm 2007; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, GDTX và dạy nghề năm 2017 đạt 77,8% (tăng 17,36% so với năm 2007); một số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế (huy chương Bạc Quốc tế cuộc thi Triển lãm Quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ; vô địch cuộc thi Vượt vũ môn cấp quốc gia; huy chương Vàng cấp quốc gia cuộc thi lập trình Elite, lần đầu tiên Lào Cai có học sinh được nhận học bổng toàn phần của Đại học Stanford – Hoa Kỳ...). Nhiều chỉ tiêu quan trọng của công tác PCGD THCS đã được nâng lên rõ rệt.

Về biên chế sự nghiệp giáo dục. Hằng năm, tỉnh bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục trên cơ sở bố trí sử dụng sinh viên người Lào Cai (đặc biệt sinh viên là người dân tộc thiểu số trong tỉnh) tốt nghiệp sư phạm ra trường. Đến nay, cấp THCS có 4.627 giáo viên (tăng 1.363 người so với năm 2007); có 458 cán bộ quản lý (tăng 82 người so với năm 2007). Như vậy, trong khi quy mô trường lớp ổn định, số học sinh giảm nhưng số lượng cán bộ quản lý, giáo viên tăng lên đồng thời cơ bản đảm bảo cơ cấu bộ môn. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập THCS. Xuất phát từ yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện và ban hành một số chính sách để thực hiện các mục tiêu của giáo dục. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ học phẩm cho học sinh vùng III, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú ở vùng II, trợ cấp dưỡng cho trường có học sinh bán trú, hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh bán trú.... Trong 2 năm (2016, 2017) Lào Cai đã triển khai và hoàn thiện nhà ở bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng.  

Với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, nhận thức về giáo dục của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt; các tổ chức, cá nhân và nhân dân ngày càng quan tâm, đầu tư cho giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều tấm gương hiến đất xây trường, vận động học sinh vùng cao đi học, các lớp nội trú dân nuôi, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được thực hiện đạt hiệu quả tốt. Trong 10 năm nhân dân trên địa bàn tỉnh đã hiến trên 70.000 m2 đất để xây dựng trường học, khu vui chơi cho học sinh. Các nguồn lực đóng góp từ nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho thực hiện mục tiêu PCGD trong 10 năm tương đương trên 700 tỷ đồng.

Hoạt động hợp tác quốc tế được chú trọng, các cơ sở giáo dục tích cực hợp tác giao lưu với các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh và nước ngoài: Trong giai đoạn 2007-2017, có nhiều dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ cho giáo dục tỉnh Lào Cai (KOICA, GVI, UNICEF, GLOBAL CARE…) cả về cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ tập huấn về công tác quản lý, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục; trong những năm gần đây, mỗi năm có trên 20 lượt tình nguyện viên nước ngoài đến hỗ trợ dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc học THCS, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung như sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Tăng cường đầu tư phòng học, phòng chức năng, xóa phòng học tạm, đưa học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính.

Thứ hai, triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Rà soát, củng cố hệ thống các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề. Tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng phổ cập giáo dục; đẩy mạnh hướng nghiệp, nâng cao nhận thức cho học sinh giỏi; thực hiện hiệu quả Đề án Dạy và học ngoại ngữ 2020, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh phổ thông. Mở rộng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, thực hiện mục tiêu 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương.

Thứ ba, triển khai Đề án phát triển và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2016-2020. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, chú trọng công tác tự bồi dưỡng; nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng xây dựng và thu hút giáo viên, giảng viên giỏi có năng lực hội nhập, giáo viên, giảng viên người địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đội ngũ nhà giáo; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; có kế hoạch bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi có năng lực đổi mới, hội nhập tốt; giáo viên người địa phương phát triển đảng viên trong ngành. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, hội nhập và hợp tác quốc tế; thực hiện hiệu quả công tác tuyên vận, thi đua khen thưởng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo./.




 Tác giả: Phạm Ngọc Quý
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập