image banner
Mô hình tuyên vận với xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 241
Lào Cai hiện nay là tỉnh duy nhất trong cả nước triển khai thực hiện mô hình công tác tuyên vận. Mục tiêu quan trọng nhất của công tác tuyên vận hướng đến là đổi mới hình thức, nội dung và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.  

Do đó, một trong những hiệu quả nổi bật của công tác tuyên vận trong thời gian qua chính là góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân dân; nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

So với thời điểm trước khi tổ chức thực hiện mô hình tuyên vận, công tác tuyên truyền, vận động đã có sự chuyển biến tích cực, thực chất. Nhờ hoạt động thường xuyên, có hệ thống và nề nếp của công tác tuyên vận, nhất là ban tuyên vận cấp xã, tổ tuyên vận đã tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Hầu hết các tầng lớp nhân đã có sự thay đổi nhận thức một cách rõ ràng, từ đó tự giác, chủ động, tích cực thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm thực hiện Đề án tuyên vận, việc huy động sức người, sức của trong nhân dân thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả nổi bật tại hầu khắp các huyện, thành phố. Hàng nghìn km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng, tiêu biểu như: Hoàn thành con đường “ý đảng lòng dân” ở thành phố Lào Cai dài trên 36 km; huyện Bát Xát (502,4 km), huyện Bảo Yên (281,6 km), huyện Bảo Thắng (185,94 km), huyện Mường Khương (184,8 km), huyện Si Ma Cai (144 km), huyện Sa Pa (80,1 km)... Nhiều địa phương tuy người dân còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng đã tích cực tham gia đóng góp tiền của ủng hộ xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Huyện Bắc Hà trên 10 tỷ đồng và trên 300.000m­2 đất, huyện Bảo Thắng trên 10 tỷ đồng và 60.000m2 đất, huyện Mường Khương 8,9 tỷ đồng và 144,4m­2 đất, huyện Bát Xát trên 8,2 tỷ đồng và trên 261 m2 đất.  

Việc xây dựng đời sống văn hóa văn minh gắn với bảo vệ môi trường được các tầng lớp nhân dân ý thức và đồng thuận thực hiện. Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang, lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt của người dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã từng bước được thay đổi theo hướng tích cực, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, tiêu biểu như: Mô hình thu gom và phân loại rác thải tại nguồn của thành phố Lào Cai đạt 95%; mô hình “nhà sạch – vườn đẹp” phát triển tại nhiều huyện như: Bắc Hà (90 mô hình, trên 2.800 thành viên - tăng 68 mô hình so với năm 2013), Bảo Yên (29 mô hình, 965 thành viên, 14 mô hình “5 không 3 sạch”), Si Ma Cai (22 mô hình tại 13 xã)... Tại huyện Si Ma Cai, tuy là huyện còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đã đạt trên 63%, ngoài ra 65% thôn bản, 75% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tại huyện Sa Pa, đến nay 97% hộ gia đình có chuồng gia súc, 81,8% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tại huyện Bảo Thắng, trong 5 năm thực hiện mô hình tuyên vận đã tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng mới trên 8.000 nhà tiêu hợp vệ sinh, xóa 211 nhà tạm, xây dựng mới trên 2.000 chuồng trại hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) tại các huyện, thành phố giảm mạnh hằng năm, tiêu biểu như: Huyện Mường Khương từ 46,24% năm 2012 xuống còn 22% năm 2015, huyện Bắc Hà giảm từ 42,55% năm 2012 xuống còn 22% năm 2015, thành phố Lào Cai giảm từ 5,31% năm 2012 xuống còn 1,17% năm 2015... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình đã đăng ký tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế trở thành các điển hình tiên tiến trong nỗ lực thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh – Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị tổng kết

Thực tế cho thấy tại rất nhiều xã, phường, thị trấn khó khăn hoặc phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các địa phương thực hiện giai đoạn 2 của mô hình tuyên vận (2013) nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên vận, đặc biệt là nhận thức sâu sắc của cấp ủy, chính quyền các địa phương với sự chỉ đạo sát sao, quyết tâm cùng nhiều cách làm sáng tạo, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới vẫn được thực hiện đạt kết quả nổi bật, mang tính đột phá so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình tuyên vận. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư các nguồn lực của toàn xã hội, công tác tuyên vận đã góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương (giai đoạn 2010 – 2015), đó là: Thành phố Lào Cai (05 xã), Bảo Thắng (03 xã), Bát Xát (03 xã), Bảo Yên (03 xã), Văn Bàn (02 xã), Bắc Hà (02 xã), Mường Khương (02 xã), Sa Pa (01 xã), Si Ma Cai (01 xã); theo kế hoạch, đến hết năm 2016, một số xã sẽ tiếp tục hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Thông qua kết quả hoạt động của mô hình tuyên vận, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp tục củng cố, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, làm cho các phong trào thi yêu nước trên địa bàn tỉnh, nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng thiết thực, hiệu quả./. 

 

 


 Tác giả: Phùng Nam Trung
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập