image banner
Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở
Lượt xem: 1565

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 17 ĐA/TU ngày 27/11/2015 về “Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020”. Sau khi triển khai thực hiện đề án, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm chính trị huyện, thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác tư tưởng của Đảng hiện nay; từng bước hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2025 đòi hỏi cần có sự nỗ lực không ngừng đổi mới hoạt động của các trung tâm chính trị trong đó có việc nâng cao chất lượng dạy, học nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở.

 
Quang cảnh một buổi học tại Trung tâm chính trị huyện Văn Bàn.

Thực tế trong những năm qua, trung tâm chính trị các huyện, thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tọa đàm, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn định kì, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác chiêu sinh, đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức thường xuyên được kiện toàn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Việc tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trong đó kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng luôn được quan tâm, chú trọng. Kế hoạch được triển khai xây dựng từ quý II của năm trước trên cơ sở khảo sát nhu cầu của đảng ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức chiêu sinh, trung tâm chính trị luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan lựa chọn những đối tượng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo phù hợp với quy hoạch và nhu cầu công tác cán bộ cơ sở. Việc quản lý, đánh giá học viên được thực hiện theo quy chế. Hệ thống hồ sơ được lưu trữ khoa học, chính xác.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi trên, trình độ nhận thức giữa các đối tượng học viên không đồng đều, cán bộ làm công tác Đảng ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều chức danh, chưa chủ động nghiên cứu tài liệu và các văn bản hướng dẫn, chưa mạnh dạn trao đổi những vướng mắc trong quá trình công tác. Đây là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng tại trung tâm.

Hiện nay, trung tâm chính trị thực hiện các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở với hệ thống hướng dẫn, giáo trình, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn. Song một số chương trình bồi dưỡng không có tài liệu hướng dẫn như: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên đề công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên... Tài liệu tham khảo ít, chủ yếu nặng về lý luận, còn chồng chéo. Vì vậy, việc đổi mới nội dung chương trình, xây dựng chương trình khung phù hợp thực tiễn và biên soạn tài liệu của địa phương trong đó chú trọng phần hướng dẫn nghiệp vụ là hết sức cần thiết. 

Theo Quyết định 1853 - QĐ/BTGTW, cán bộ giảng viên chuyên trách của trung tâm chính trị phải thực hiện đầy đủ, có chất lượng những quy định về cập nhật thông tin, nghiên cứu khoa học, chế độ đi nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên, các quy định trên mới chỉ dừng lại ở đầu công việc mà chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong việc đưa ra các quy định cụ thể vừa đảm bảo công tác quản lý chuyên môn vừa đảm bảo chế độ và khích lệ cán bộ giảng viên tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Trên thực tế nhiều giảng viên tích cực trong nghiên cứu khoa học, song gặp lúng túng trong việc đăng kí đề tài và tham mưu cấp có thẩm quyền thẩm định đề tài; một số giảng viên rất muốn đi nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn ở cơ sở song cũng chưa có hướng dẫn cụ thể quy định về thời gian nghiên cứu thực tế, sản phẩm nghiên cứu và chế độ chi trả cho cán bộ, giảng viên. Việc cập nhật thông tin chủ yếu do giảng viên tự liên hệ tìm hiểu qua báo cáo, qua điều tra dư luận xã hội, ít có điều kiện được đi dự các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết của các ban, ngành.

Xuất phát từ thực trạng trên chúng tôi đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở như sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền về bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở và vai trò của các trung tâm chính trị cấp huyện. Thường xuyên rà soát để kịp thời điều chỉnh hệ thống quy chế hoạt động của trung tâm chính trị. Trong đó chú trọng quán triệt quy chế giảng dạy của giảng viên kiêm chức, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở. Đề xuất với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời trưởng, phó các phòng có năng lực chuyên môn sâu, có kinh nghiệm về giảng dạy các chuyên đề tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng tại trung tâm chính trị.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở cơ sở. Tiếp tục quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý kế cận, đội ngũ giảng viên trẻ, giảng viên chuyên trách; giảng viên chính; ưu tiên dành thời gian và tạo điều kiện cho giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy tại trung tâm chính trị. Đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn: định kì sinh hoạt chuyên môn, mỗi giảng viên phải báo cáo một chuyên đề, hoặc một kết quả nghiên cứu,... các sản phẩm nghiên cứu cần được khuyến khích đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện, tỉnh làm tài liệu trong công tác tuyên truyền. Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên chuyên trách được đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở; dự các cuộc họp, hội nghị của các ban, ngành để nắm bắt kịp thời thông tin tình hình địa phương vận dụng nâng cao kiến thức thực tiễn trong giảng dạy.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên, kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy học tập của học viên. Việc thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giảng viên là cơ sở để trung tâm chính trị có kế hoạch trong xây dựng, phát triển và sử dụng đội ngũ; thực hiện và xây dựng các chính sách đãi ngộ đối với giảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra đột xuất sĩ số giữa giờ, nhắc nhở kịp thời việc thực hiện quy chế học tập. Sau mỗi đợt tập huấn trung tâm chính trị cần nghiêm túc thực hiện thông báo kết quả học tập của học viên về cấp ủy cơ sở.

Bốn là, nâng cao nhận thức của học viên trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở. Cán bộ làm công tác Đảng ở cơ sở nhất thiết phải nắm vững được những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ. Vì vậy khi được cử đi bồi dưỡng học viên cần chủ động nghiên cứu văn bản, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, mạnh dạn trao đổi, chủ động báo cáo với cấp trên hoặc cán bộ trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ tại các Ban xây dựng Đảng. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ tham gia học tập bồi dưỡng./.     


 Tác giả: Đỗ Thị Thu Hiền
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập