image banner
Một số giải pháp trong thực hiện công tác dân số trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1027


Trong bối cảnh chung của Lào Cai khi tái thành lập tỉnh (tháng 10/1991) công tác dân số đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ tăng dân số trung bình hằng năm rất cao (3,82%/năm), có nơi 4,6 đến 5%/năm; tình trạng tảo hôn phổ biến, tỉ lệ bà mẹ mang thai được tiêm chủng, khám chữa bệnh theo định kỳ rất thấp. Các hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nên chưa quan tâm lãnh đạo, thực hiện đúng mức.

Trước thực trạng trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ nhất năm 1992 xác định dân số và việc làm là hai vấn đề nóng bỏng cần được giải quyết, hướng chính là nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh về ý nghĩa cấp bách của công tác kế hoạch hóa gia đình; tập trung củng cố kiện toàn hệ thống mạng lưới cơ quan chuyên trách dân số và kế hoạch hóa gia đình đồng thời kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình. Nghị quyết cũng xác định phấn đấu giảm tỷ lệ dân số hằng năm từ 0,04 đến 0,06%”. Với việc xác định mục tiêu, mục đích cụ thể, rõ ràng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác dân số, phát triển toàn diện con người Lào Cai từ năm 1991 đến năm 2019 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Quy mô dân số tăng từ 514.000 người lên 730.420 người (tăng bình quân 7.729 người/năm); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 41,85‰ xuống còn 12,17‰ năm 2018; tỷ suất sinh thô giảm từ 44,2‰ xuống còn 17,72‰ (giảm bình quân 0,98‰/năm); tỷ lệ người áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tăng tăng từ 13% lên 70%; tỷ số giới tính khi sinh dưới 115 trẻ trai/100 trẻ gái... Mức sinh toàn tỉnh tiếp tục giảm mạnh, dự kiến đạt mức sinh thay thế vào năm 2020; nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số được thực hiện và đạt chỉ tiêu kế hoạch... Số lượng bác sỹ tăng lên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Năm 1991 toàn tỉnh chỉ có 92 bác sỹ (chỉ đạt tỷ lệ 1,79 bác sỹ/10.000 dân thì đến hết tháng 6/2019 có 879 bác sỹ, đạt tỷ lệ 12,04 bác sỹ/10.000 dân).

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được cải thiện đáng kể góp phần xây dựng và phát triển toàn diện con người Lào Cai. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 30,1‰ (năm 2001) xuống còn 10,74‰ (năm 2018); tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi từ 47,30‰ (năm 2001) giảm xuống còn 14,74‰ (năm 2018). Công tác tiêm chủng được thực hiện đầy đủ, từ chỗ còn nhiều xã trắng về tiêm chủng thì hiện nay tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 01 tuổi luôn đạt trên 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm từ 45,5% (năm 1999) xuống còn 18.9% (năm 2017). Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh con tuổi vị thành niên được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tuổi vị thành niên giảm từ 6,17% (năm 2008) xuống còn 5,75% (năm 2017); tảo hôn giảm từ 797 trường hợp năm 2016 xuống còn 318 trường hợp năm 2019; hôn nhân cận huyết thống giảm từ 11 cặp vợ chồng năm 2016 còn 1 cặp vợ chồng năm 2018.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, công tác nâng cao chất lượng dân số, phát triển toàn diện con người của tỉnh hiện nay vẫn tồn tại không ít vấn đề đặt ra cần sự quan tâm chung tay giải quyết. Tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vi thành niên, hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Tỷ lệ suy sinh dưỡng, phụ nữ đẻ tại nhà còn cao, tập trung ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh còn thấp; vấn đề mất cân bằng giới khi sinh còn cao. Chỉ số phát triển toàn diện con người vẫn thấp so với trung bình toàn quốc, tiêu biểu  như: Tuổi thọ bình quân đạt 69,9 tuổi (toàn quốc là 73 tuổi), thời gian sống khỏe mạnh 63 năm; chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi còn thấp mới đạt 161,5cm đối với nam và 154,5cm đối với nữ (năm 2017); kết quả tham gia thi đấu trong lĩnh vực thể dục thể thao thành tích cao chưa tốt, chưa bền vững.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 21-NQ/TW, hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ một số nội dung sau:

Một là, chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo dân số và phát triển các cấp do lãnh đạo UBND cùng cấp làm trưởng ban nhằm chỉ đạo phối hợp thực hiện các hoạt động dân số và phát triển tại địa phương. Hoàn thiện, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác dân số trong mạng lưới y tế từ tỉnh tới thôn theo nguyên tắc chủ động, chuyên nghiệp bảo đảm triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Chủ động cung cấp các dịch dân số có chất lượng, chú trọng nâng cao chất lượng 3 yếu tố cơ bản là: Đào tạo nâng cao kỹ năng tư vấn và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật y tế cho cán bộ các cấp. Bổ sung trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện việc triển khai các kỹ thuật dịch vụ tại các tuyến. Tích cực thực hiện công tác giảm sinh; chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tận dụng cơ cấu dân số vàng; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Ba là, tăng cường ngân sách để triển khai thực hiện công tác dân số và phát triển. Trước hết ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc chương trình dân số và phát triển để phát huy hiệu quả đầu tư; ưu tiên đầu tư tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn. Tiếp tục hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt các cơ chế tín dụng có liên quan, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bốn là, tăng cường các biện pháp khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, trong đó chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các hội đoàn thể, người có uy tín. Quan tâm bố trí đầu tư đủ nguồn lực cho công tác giáo dục tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng mô hình, nêu gương người tốt việc tốt; tăng cường nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; triển khai các hoạt động tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân./.

 
Tác giả: Phạm Ngọc Quý 
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập