image banner
Một số kết quả của công tác hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bắc Hà
Lượt xem: 778


Bắc Hà là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai. Dân số tính đến hết năm 2018 là 64.530 người, gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 84%, dân tộc kinh chiếm 16%. Với địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đồng đều, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao (năm 2018, hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chiếm 28,25%; hộ cận nghèo chiếm 5,78%). Hiện nay, nên trên địa bàn huyện vẫn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu; nhận thức về hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Do thiếu hiểu biết nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra trên địa bàn huyện (21/21 xã, thị trấn). Tình trạnh này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe, nòi giống của đồng bào các dân tộc thiểu số và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nêu trên xuất phát từ nhiều lý do khác nhau trong đó có ảnh hưởng sâu sắc của nhiều tập quán lạc hậu; sự hiểu biết về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đa số người dân còn hạn chế. Do nghèo, đói nên nhiều gia đình phải đi làm ăn xa, các em nhỏ cứ tự lớn lên, tự phát triển; trẻ em trai, gái gần nhau, nảy sinh tỉnh cảm, nhiều trường hợp quan hệ tình dục trước tuổi, có trường hợp dẫn đến mang thai. Ảnh hưởng sự phát triển nhanh của xã hội và lối sống hiện đại, đặc biệt là trẻ em hiện nay tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng từ mạng xã hội (facebook, zalo...) đã kích thích các em tò mò dẫn đến tâm lý, sinh lý phát triển sớm... Một thực tế cần quan tâm đó là sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh, thiếu kiên quyết. Chế tài xử lý các trường hợp tảo hôn còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật nên tính răn đe không cao. Do đó nhiều gia đình sẵn sàng chấp nhập hình thức xử lý. Nhiều cán bộ cơ sở còn nể nang người thân, người quen vi phạm luật hôn nhân và gia đình nên việc xử lý, xử phạt vi phạm về tảo hôn, kết hôn cận huyết không nghiêm túc.

Trước những thực trạng trên, Huyện Bắc Hà đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngày 18/4/2017, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về việc lãnh đạo ngăn chặn, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2017-2020; Huyện ủy tổ chức 02 hội thảo (năm 2017, hội thảo với chủ đề “tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bắc Hà - thực trạng và giải pháp”; năm 2018, hội thảo với chủ đề "về cải tạo một số tập quán lạc hậu trong các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Hà") thu hút trên 380 đại biểu tham dự. Qua việc tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động theo nhiều hình thức và triển khai mô hình điểm, công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bắc Hà đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân và gia đình, về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên, góp phần từng bước loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu; tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm dần qua từng năm. Về tảo hôn: Năm 2016 có 129 trường hợp; năm 2017 có 122 trường hợp; năm 2018 giảm còn 82 trường hợp (giảm 47 trường hợp so với năm 2016). Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2019 vẫn có 38 trường hợp. Dân tộc có trẻ em tảo hôn chủ yếu là người Mông, Nùng, Dao, Phù Lá, cá biệt có cả người dân tộc Kinh. Về hôn nhân cận huyết thống: Năm 2016 có 01 cặp; năm 2017 có 01 cặp; năm 2018 còn 01 trường hợp; đến 6 tháng đầu năm 2019 không còn trường hợp nào. Các thống kê nêu trên phản ánh sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về hôn nhân, gia đình của người dân tộc thiểu số trong việc hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hướng tới đẩy lùi tình trạng này trên địa bàn huyện trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây:

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý, tuyên truyền đối với các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ.

(2) Nâng cao vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò các hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hôn nhân và gia đình cần chủ động tham mưu xử lý đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm trong đó có vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

(3) Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhân rộng mô hình “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên” hướng tới phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong trường học; mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Xây dựng mô hình khu dân cư không sinh con thứ ba và không có tảo hôn.

(4) Các trường học, đặc biệt là các trường học có học sinh ở nội trú, bán trú, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông cần tích cực tuyên truyền hướng dẫn học sinh kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân, kiến thức về giáo dục giới tính; phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh đảm bảo an toàn về mọi mặt khi các em ở trường và ở nhà.

(5) Các cấp, các ngành liên quan cần rà soát, điều tra, thống kê, quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất bảo đảm về nội dung, đúng thời gian quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát và kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn toàn huyện.
Tác giả: Phạm Ngọc Quý 
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập