image banner
Một số kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện mô hình công tác tuyên vận
Lượt xem: 341
Sau 5 năm thực hiện Đề án thực hiện thí điểm mô hình “ban tuyên - vận xã, phường, thị trấn” và “tổ tuyên - vận thôn, bản, tổ dân phố” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc thực hiện mô hình tuyên vận đã đổi mới cách làm, cách thực hiện trong công tác tuyên vận, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.  

Các địa phương đã bố trí được 01 cán bộ chuyên trách làm công tác đảng (trước đây không có) chuyên tham mưu, thực hiện công tác tư tưởng và vận động tại cấp xã nhưng vẫn bảo đảm không tăng biên chế, không tăng chế độ chính sách. Thực tiễn triển khai mô hình, nhiều địa phương đã nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của cán bộ phó ban tuyên vận, do đó trong khâu bố trí, sắp xếp về tổ chức đã thực sự quan tâm lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ đủ tiêu chuẩn trong điều kiện biên chế hiện có của địa phương từ các vị trí chức danh có 02 cán bộ trở lên, đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn đào đạo, về độ tuổi, năng lực thực tiễn.... để bố trí làm phó trưởng ban tuyên vận. Bên cạnh đó, hầu hết phó trưởng ban tuyên vận xã, phường, thị trấn được cơ cấu làm báo cáo viên cấp huyện tại xã và hưởng phụ cấp báo cáo viên theo quy định, từ đó đã góp phần tạo điều kiện để cán bộ có cơ hội nâng cao trình độ, khẳng định năng lực, trưởng thành và cống hiến nhiều hơn trong tham mưu, thực hiện công tác tư tưởng, dân vận tại cơ sở. 

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các cơ sở đều khẳng định việc gộp 2 tổ chức tuyên giáo và dân vận ở cấp xã thành ban tuyên vận và thành lập tổ tuyên vận cấp thôn đã tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện, đánh giá công tác tuyên truyền, vận động. Trưởng ban tuyên vận (bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy cấp xã) và tổ trưởng tổ tuyên vận (hầu hết bí thư chi bộ) không chỉ tham mưu ra nghị quyết mà còn trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đối với cả hệ thống chính trị ở cấp xã và thôn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến với nhân dân. Có sự phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng theo quy chế, kế hoạch, chương trình của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đối với từng thành viên; vì vậy khắc phục tình trạng không thống nhất, chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ công tác tư tưởng, vận động quần chúng tại cơ sở. Với cơ chế vận hành chặt chẽ, công tác tư tưởng và dân vận của Đảng được thực hiện nền nếp, đánh giá thường xuyên, từng tháng và hằng năm, bảo đảm cho tỉnh, huyện nắm tình hình và chỉ đạo cơ sở một cách hệ thống, chặt chẽ. Ban tuyên vận tham mưu cho thường trực cấp ủy chỉ đạo, giao nhiệm vụ và đánh giá từng ban, ngành, đoàn thể, từng tổ tuyên vận, thành viên ban tuyên vận.

Về cơ bản, việc tổ chức hội nghị tuyên vận đã được các địa phương thực hiện theo hướng dẫn về quy trình, nội dung tổ chức hội nghị như: Trang trí khánh tiết, tài liệu, nội dung thông tin, tuyên truyền, báo cáo công tác tuyên vận, phân công báo cáo viên, thảo luận, kết luận... Nội dung công tác tuyên vận tập trung trọng tâm vào vấn đề xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại hội nghị tuyên vận, hầu hết các nội dung thảo luận, ý kiến, câu hỏi đều được thường trực đảng ủy (trưởng ban tuyên vận) và lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn giải đáp hoặc có kết luận rõ ràng, cụ thể tạo nên sự đồng thuận cao cũng như thuận lợi cho việc triển khai, kiểm điểm, đánh giá. Nhiều ban tuyên vận xã có sự phân công báo cáo viên đảm nhận nhiệm vụ trong hội nghị tuyên vận hằng tháng hợp lý, phát huy tốt lợi thế, vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã, phường, thị trấn trong việc chuẩn bị và truyền đạt thông tin thời sự, các chuyên đề chính sách, pháp luật theo định hướng của tỉnh, huyện; chất lượng báo cáo viên có sự chuyển biến tích cực. Từ việc tổ chức tốt hội nghị tuyên vận ở xã đã từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt thôn, xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần tham gia hội nghị được dân chủ thảo luận, chủ trì hội nghị kết luận khách quan trong đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và xác định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận hằng tháng sát thực, khả thi; là cơ sở, động lực thúc đẩy các hoạt động của các thành viên trong ban tuyên vận, tổ tuyên vận, phối hợp các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã và của thôn, tổ dân phố.

Hoạt động của tổ tuyên vận ở nhiều xã, thị trấn đã thể hiện rõ nét vai trò chủ trì trong tham mưu cho chi ủy, chi bộ việc cụ thể hóa nội dung, phương pháp tuyên vận ở thôn, tổ dân phố. Do thường xuyên cập nhật kiến thức, tập huấn kỹ năng và trực tiếp tổ chức các hoạt động tuyên vận nên năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt của thôn được nâng lên rõ rệt.

Vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy theo chức năng, nhiệm vụ trong một khối thống nhất để thực hiện công tác tư tưởng, dân vận của Đảng ở cơ sở. Đặc biệt tại cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố do ban tuyên vận, tổ tuyên vận điều phối chung do đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện công tác tư tưởng và dân vận của Đảng. Từ năm 2016, sau khi Ban Chỉ đạo Công tác tư tưởng của Tỉnh ủy ra Quyết định số 12-QĐ/BCĐ.CTTT ngày 13/01/2016 về ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện Đề án tuyên vận, việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện các nội dung Đề án tuyên vận từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện thường xuyên, cụ thể. Một số đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc cử đại diện lãnh đạo các ban đảng, văn phòng cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện trực tiếp dự, chỉ đạo, đánh giá đối với 100% hội nghị tuyên vận hằng tháng ở cấp xã (Bảo Thắng, Bắc Hà). Mô hình tuyên vận giúp cho hoạt động của Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, huyện ủy, thành ủy có điều kiện hướng mạnh về cơ sở với những nội dung thiết thực, cụ thể, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu sâu sát của tổ chức, cán bộ các cấp. Mối quan hệ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ các cơ quan tỉnh, huyện, xã được gắn kết chặt chẽ, thường xuyên.

Các huyện ủy, thành ủy đã quan tâm, chỉ đạo ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo, ban dân vận huyện ủy, thành ủy. Một số huyện ủy như Mường Khương, Bảo Thắng... chỉ đạo tại hội nghị báo cáo viên cấp huyện hằng tháng do ban tuyên giáo chủ trì đã có sự lồng ghép với nội dung công tác của dân vận; qua đó, thống nhất nội dung và phương pháp chỉ đạo thường xuyên công tác tuyên vận của xã, thị trấn hằng tháng trên địa bàn. Việc tham mưu, đề xuất giải quyết các khó khăn tại cơ sở như: tạm ứng kinh phí phục vụ hoạt động, kiện toàn về tổ chức, điều kiện làm việc... được các địa phương thực hiện cơ bản kịp thời, hiệu quả.

Tại cơ sở, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên do được giao nhiệm vụ rõ ràng, thường xuyên, có sự điều phối chung, đánh giá thường xuyên hằng tháng về kết quả tuyên vận của Tổ tuyên vận, Ban tuyên vận nên tính tiền phong gương mẫu được nâng cao, có sự sâu sát, gần gũi với nhân dân, nắm chắc tình hình, trực tiếp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Các nội dung công tác tuyên giáo, dân vận như: Giáo dục lý luận chính trị, lịch sử Đảng; quán triệt, triển khai, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, công tác báo cáo viên, nắm bắt dư luận xã hội, công tác khoa giáo, triển khai việc học tập và làm theo Bác, công tác dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ, công tác dân tộc - tôn giáo ở cơ sở... được đổi mới căn bản, có chiều sâu, được lượng hóa trong từng tháng. Một số nội dung công tác tuyên giáo, dân vận có sự chuyển biến tích cực so với trước khi thực hiện Đề án tuyên vận, tiêu biểu như công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, công tác báo cáo viên, công tác dân vận. Về biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn tiêu biểu như huyện Băc Hà có 7 xã được phê duyệt xây dựng; thành phố Lào Cai có 4 xã, phường... Việc chuyển tải thông tin, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương tới nhân dân được đẩy mạnh, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, phát triển và quản lý đô thị tại các địa phương. Một số ban tuyên vận cấp xã đã tham mưu tốt việc xây dựng mục tiêu, phương pháp thực hiện và kiểm tra đánh giá kết quả tuyên vận, xác định mục tiêu nhiệm vụ tuyên vận tháng sau theo hướng cụ thể, thiết thực. Có nhiều địa phương đã thực hiện nề nếp hằng tháng việc nêu gương sáng đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng văn bản để tuyên truyền ngay tại hội nghị tuyên vận, tạo được hiệu ứng tốt về công tác tư tưởng, sức lan tỏa về hành động cho cán bộ chủ chốt của xã và thôn.

Cơ chế thông tin, báo cáo, đánh giá từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện chặt chẽ, hệ thống, thường xuyên (từ tháng 2/2016 thực hiện chấm điểm công tác tuyên vận hàng tháng theo yêu cầu của Tỉnh ủy). Thế mạnh của các loại hình tuyên truyền, vận động tại cơ sở được phát huy, trong đó hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp ủy cơ sở, tuyên truyền viên của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò chủ đạo. Nhờ chế độ cung cấp, phản hồi thông tin được thực hiện thường xuyên đã góp phần quan trọng trong việc trang bị tài liệu, nội dung cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động.

Trình độ, năng lực cán bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt so với khi chưa thực hiện mô hình. Đặc biệt là năng lực tham mưu xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác tư tưởng, ứng dụng công nghệ thông tin, biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động và trực tiếp truyền đạt của đồng chí phó trưởng ban đã được nâng cao. Các thành viên tổ tuyên vận như bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận… được trang bị nhiều kiến thức, cập nhật tài liệu, thông tin thời sự; các kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động được nâng lên; đã chủ động, tích cực, tự tin hơn trong việc tiếp xúc và tuyên truyền, vận động Nhân dân. 

Thống kê 5 năm qua tại các địa phương cho thấy, trong tổng số 111 lượt cán bộ phó trưởng ban tuyên vận và 421 lượt tổ trưởng tổ tuyên vận được kiện toàn, đã có 46 đồng chí phó trưởng ban tuyên vận được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền tại xã (thành phố Lào Cai 27 người, các huyện Bảo Thắng 15 người, Văn Bàn 14 người, Bát Xát 14 người…); 285 đồng chí tổ trưởng tổ tuyên vận được luân chuyển từ thôn lên, giữ các chức vụ cán bộ, công chức cấp xã (các huyện Si Ma Cai 116 người, Sa Pa 40 người, Bắc Hà 39 người, thành phố Lào Cai 29 người; các huyện Bảo Yên, Văn Bàn 8 người).  

Việc đầu tư, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa thông tin (nhất là hệ thống loa truyền thanh, nhà văn hóa), cơ sở hạ tầng, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, bổ sung theo hướng lồng ghép, tập trung, hiệu quả cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. Hoạt động tuyên vận tại xã và thôn bước đầu đã tạo được sự đột phá trong công tác tuyên truyền miệng, đồng thời phối hợp và tổ chức thành công trong việc sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua hoạt động của hệ thống thông tin công cộng, hoạt động trực quan, văn hóa văn nghệ. Thực tế thời gian qua, những địa phương được đầu tư, nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất, từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở thì đều được ban tuyên vận, tổ tuyên vận sử dụng khá triệt để trong hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân.

 

 


 Nguồn: laocai.org.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập