image banner
Một số kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn huyện Bát Xát
Lượt xem: 783

Ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lào Cai, huyện Bát Xát ban hành và triển khai Chương trình hành động số 87-CTr/HU ngày 24/01/2014 về thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn huyện. Sau 5 năm thực hiện, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

 
Ngày 23/5/2018, Trường Mần Non xã Nậm Chạc đã long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

 

Đến hết tháng 5/2018 toàn huyện có 66 trường học (giảm 14 trường học so với năm 2014). Việc đầu tư phát triển các trường nội trú, bán trú đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Trên cơ sở huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2013, hiện nay 100% trường mầm non, tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Các trường học điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với vùng miền, thực hiện các giải pháp tăng cường Tiếng việt cho học sinh vùng khó khăn; tăng cường dạy Tiếng Anh cho học sinh vùng thuận lợi. Giáo dục trung học cơ sở triển khai mô hình trường học mới; xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào cuộc sống. Công tác giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa các hình thức dạy học; vừa dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, vừa dạy nghề phổ thông, dạy các lớp ngoại ngữ, tin học, dạy tiếng dân tộc. Công tác xóa mù chữ được huyện đặc biệt quan tâm, từ năm 2013 đến nay đã mở được 66 lớp xóa mù chữ với 1.477 học viên (đạt 95,3% kế hoạch giai đoạn 2015-2020); nâng tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ đạt 94,07%, tỷ lệ người 15-35 biết chữ là đạt 97,31%. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được huyện đầu tư, hiện đã có 30 trường học chuẩn quốc gia (tăng 8 trường so với năm 2013). Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, đến hết năm học 2017-2018, 100% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được nâng lên. Tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ở các cấp học luôn ổn định, tỷ lệ chuyên cần các cấp học tăng (cấp trung học cơ sở tỷ lệ chuyên cần đạt trên 96%, cấp trung học phổ thông đạt trên 95%). Trong 5 năm, toàn huyện có 154 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 học sinh đạt giải cấp quốc gia; có trên 28% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đỗ vào các trường đại học chính quy.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn. Một số xã vùng cao việc duy trì tỷ lệ chuyên cần tại một số thời điểm mùa vụ chưa ổn định, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở học lên trung học phổ thông, học nghề ở một số xã vùng cao tỷ lệ huy động chưa cao. Chất lượng dạy học tuy được nâng lên nhưng sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thấp và vùng cao còn khá lớn, chất lượng mũi nhọn tỷ lệ còn thấp so với tổng số học sinh của huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hầu hết các trường chưa có phòng học chức năng, phòng học bộ môn; nhiều trường vùng cao công trình vệ sinh, nước sạch chưa đạt chuẩn; công trình thể thao, giáo dục thể chất hầu hết các trường còn thiếu. Công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 29, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung sau: (1) tiếp tục tổ chức tuyên truyền quán triệt, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những kết quả bước đầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện để làm cơ sở thực hiện các mục tiêu giáo dục đến năm 2020. (2) Rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Từng bước bố trí giáo viên các cấp học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn theo quy định. (3) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường học, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030; khuyến khích phát triển các trường mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi; tăng cường cơ sở vật chất trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện của từng xã; xây dựng trường chất lượng cao ở từng cấp học. (4) Nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể trong việc vận động Nhân dân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển giáo dục và đào tạo. (5) Triển khai thực hiện kế hoạch phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông giúp học sinh nâng cao nhận thức và định hướng nghề nghiệp cho bản thân; đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục nghề nghiệp./.

 

 


 Tác giả: Phạm Ngọc Quý
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập