image banner
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới
Lượt xem: 302

Coi trọng và thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi công tác tư tưởng, dân vận của Đảng cũng như các nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương.

 

Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hoạt động tuyên truyền miệng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quán triệt và thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác tuyên truyền “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục tiêu đó thì tuyên truyền thất bại” cũng như thực hiện nghiêm túc, có nhiều sáng tạo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” hoạt động tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhất là tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, hướng dẫn đồng bào các dân tộc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, biểu dương và nhân rộng các tấm gương tiêu biểu, nhân tố mới là người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực, đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Lào Cai có trên 180km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), 127 cột mốc; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 64% dân số toàn tỉnh, trình độ nhận thức còn hạn chế, tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn… là thách thức lớn đối với hoạt động tuyên truyền miệng cũng như toàn bộ công tác tư tưởng, dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình trên mặt trận tư tưởng văn hóa với chiến lược “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào theo đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, chống lại các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, truyền bá sản phẩm văn hóa độc hại. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xậm nhập của các văn hóa phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, nhận thức, lối sống của các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc công tác tuyên vận được coi là một giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền miệng vùng đồng đào dân tộc thiểu số, biên giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai 

Cần làm gì để đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động tuyên truyền miệng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới ở Lào Cai  

Thứ nhất, xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên các cấp, nhất là cấp cơ sở ngày càng vững mạnh. Ngoài các điều kiện theo quy định, báo cáo viên cơ sở tại những địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phải là người có uy tín, tâm huyết, gần gũi với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, am hiểu về văn hóa, sinh hoạt, tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền miệng, cần quan tâm thiết lập mạng lưới cộng tác viên thực hiện công tác tuyên truyền miệng là các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số bên cạnh phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, bản lĩnh chính trị đối với đội ngũ báo cáo viên cơ sở. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ báo cáo viên; kỹ năng tham mưu xác định mục tiêu, nhiệm vụ cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động hằng tháng; kỹ năng tổng hợp, viết, cung cấp tin, bài, hình ảnh về công tác tuyên truyền đăng tải trên báo, đài, cổng thông tin điện tử của địa phương góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng. Coi trọng việc quản lý hoạt động theo Quy chế, đánh giá chất lượng gắn với kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác tuyên vận theo Quy định số 11-QĐ/TU ngày 26/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. Trong đó coi trọng đổi mới phương thức và thực hiện nghiêm túc, thống nhất, thường xuyên chế độ trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều từ tỉnh đến cơ sở và ngược lại. Đây là kênh quan trọng để phổ biến, trao đổi, cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ báo cáo viên làm cẩm nang phục vụ hoạt động tuyên truyền miệng đến các tầng lớp nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, đều đặn hội nghị báo cáo viên hằng tháng từ tỉnh đến cấp xã. Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh được tổ chức sau hội nghị báo cáo viên Trung ương 5 ngày, cấp huyện tổ chức sau cấp tỉnh 5 ngày và cấp xã (hội nghị tuyên vận) được tổ chức sau cấp huyện không quá 10 ngày. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, bên cạnh thông tin thời sự và các chuyên đề khác theo quy định, hằng tháng đội ngũ báo cáo viên cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới cần được cung cấp đầy đủ, kịp thời, có định hướng thông tin về chủ đề về xây dựng nông thôn mới, cải tạo tập quá lạc hậu trong sinh hoạt và đời sống văn hóa, hoạt động đối ngoại của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Các thông tin trái chiều, phản ánh của người dân tại cơ sở cần được đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cung cấp kịp thời cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, tham mưu cho cấp ủy phương án giải quyết. Sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin (hòm thư điện tử, cổng thông tin điện tử) trong cung cấp, truyền tải thông tin, tài liệu phục vụ công tác tuyên vận.

Thứ ba, nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và các văn bản hướng dẫn liên quan của Ban Tuyên giáo Trung ương. Bố trí nguồn lực đáp ứng việc thực hiện công tác tuyên truyền tại cơ sở kết hợp với kịp thời khen thưởng, động viên xứng đáng những báo cáo viên tuyên truyền miệng có uy tín, thành tích nổi bật. Cấp ủy đảng quan tâm trang bị cho hoạt động tuyên truyền miệng, đội ngũ báo cáo viên các trang thiết bị cần thiết máy tínhmáy chiếu, máy ghi âm, hệ thống tăng âm, loa… góp phần tích cực nâng cao chất lượng tuyên truyền.

Kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương để hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng đem lại hiệu quả thiết thực hơn  

Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết, nghiên cứu ban hành Chỉ thị mới cũng như chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chú trọng nội dung thực hiện công tác tuyên truyền miệng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Nghiên cứu phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho báo cáo viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng.

Thứ hai, phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định riêng và nâng mức kinh phí chi trả cho báo cáo viên trực tiếp tuyên truyềnCó chế độ hỗ trợ đối với báo cáo viên cấp xã vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới./.

 


 Tác giả: Đỗ Trường Sơn - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập