image banner
Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên vận
Lượt xem: 911
Năm 2012, Tỉnh ủy triển khai thí điểm mô hình tuyên vận và xác định đây là khâu đột phá, cách làm mới, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm và làm việc tại huyện Mường Khương.    Ảnh: Hữu Huỳnh

Tình hình triển khai thực hiện

Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tiến hành thí điểm tại 35 xã tại các huyện và 1 phường thuộc thành phố Lào Cai, trong đó các xã được chọn đều nằm trong nhóm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm qua 1 năm thí điểm, năm 2013, Tỉnh ủy tiếp tục chọn 40 xã thuộc diện khó khăn nhất (vùng cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự...) để triển khai. Năm 2014, trên cơ sở các xã đề xuất, các huyện và thành phố đăng ký, toàn tỉnh có thêm 85 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận, đến năm 2016 có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này.

Sau 5 năm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 11 ngày 26/10/2016 quy định tạm thời về công tác tuyên vận. Đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 60 ngày 24/11/2020 về công tác tuyên vận, đây là thời điểm đánh dấu việc kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, chuyển công tác tuyên vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên và được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

Sự ra đời của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã mang lại hiệu quả nổi bật, quan trọng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng ở cơ sở nhưng không tăng biên chế, không gây xáo trộn về tổ chức, bộ máy, được vận hành hoạt động thống nhất trên cơ sở sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hợp lý, mô hình tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, giúp cấp ủy, chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở một cách chặt chẽ, nhất quán và thường xuyên. Hoạt động tuyên truyền, vận động bảo đảm thống nhất, có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt trên cơ sở mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện đầy đủ chức năng, không bị trùng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của tổ chức mình trong tuyên truyền, vận động đến với người dân nhằm góp phần đổi mới nội dung hoạt động của công tác tư tưởng chính trị, công tác vận động quần chúng tại cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đồng thời góp phần nâng cao trình độ, năng lực cán bộ cơ sở và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác tuyên truyền, vận động theo hướng tập trung, hiệu quả. Từ đó, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được kịp thời tuyên truyền đến người dân. Cấp ủy đảng, chính quyền nắm cơ sở, nắm chắc tình hình Nhân dân để chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời, góp phần ổn định chính trị, xã hội ở cơ sở.

Những vấn đề đang đặt ra

Mặc dù đã được chỉ ra từ nhiều năm trước nhưng qua theo dõi, nắm tình hình tại cơ sở và báo cáo đánh giá của các cơ quan, địa phương cho thấy, hiện nay vẫn còn tình trạng một số cơ quan chưa quan tâm sâu sắc đến nội dung tài liệu tuyên vận hằng tháng, số lượng chuyên đề đăng ký tuyên truyền còn ít. Việc tham mưu thực hiện một số nội dung tuyên vận cho cấp ủy chưa bảo đảm yêu cầu, chưa thể hiện được tính chủ động, tích cực của cơ quan tham mưu ở cấp ủy đảng cơ sở, dẫn đến hiệu quả trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi còn hạn chế. Việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên vận cho cán bộ chưa được thường xuyên, nhất là đội ngũ cán bộ mới kiện toàn. Việc biên soạn tài liệu thông tin thời sự của cấp huyện, cấp xã tại một số địa phương chưa được chú trọng, chưa có sự linh hoạt, chủ động trong chắt lọc, cập nhật thông tin mới...

Nguyên nhân là do vai trò, nội dung tham mưu, hướng dẫn việc thực hiện công tác tuyên vận ở một số đơn vị chưa sát yêu cầu thực tiễn, quá trình thực hiện còn thiếu linh hoạt; nhận thức chưa đầy đủ về công tác tuyên vận dẫn đến việc phân công nhiệm vụ đối với phó trưởng ban tuyên vận chuyên trách tại một số xã, phường, thị trấn chưa được coi trọng; việc chấm điểm, sử dụng kết quả chấm điểm trong đánh giá, bình xét, phân xếp loại của cấp ủy chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhân sự ban tuyên vận, tổ tuyên vận thường xuyên biến động do luân chuyển, điều động cán bộ, sáp nhập địa giới hành chính…

Quang cảnh Hội nghị tuyên vận tháng 11/2021 xã Cam Đường (thành phố Lào Cai).

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc quán triệt, thực hiện quy định của Tỉnh ủy về công tác tuyên vận; tập trung những quan điểm chỉ đạo mới, các nội dung cần quan tâm thực hiện gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tình hình thực hiện công tác tuyên vận để có chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn.

Rà soát, bổ sung quy chế phân công thực hiện công tác tuyên vận bảo đảm sát tình hình thực tiễn. Chú trọng phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên vận tại xã, phường, thị trấn, trong đó quan tâm những địa phương còn gặp khó khăn, có thay đổi về nhân sự; có cơ chế đánh giá hiệu quả cán bộ phụ trách địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu những địa phương về thực hiện công tác tuyên vận, nhất là tổ chức hội nghị tuyên vận hằng tháng.

Xác định rõ công tác tuyên vận là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, do đó cấp ủy đảng các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, để công tác tuyên vận thực sự là cầu nối, là nơi triển khai, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở; gắn kết, nắm, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với Đảng, kịp thời xử lý các vấn đề mới, vấn đề khó, phát sinh từ cơ sở. Việc triển khai thực hiện công tác tuyên vận bảo đảm theo đúng phân cấp đã được quy định, trong đó đặc biệt vai trò lãnh đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy các xã, phường, thị trấn.

Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên vận có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, uy tín để tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng công tác đánh giá cán bộ tuyên vận bảo đảm khách quan, toàn diện, đồng thời khuyến thích, động viên, tạo động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tuyên vận.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tuyên vận, kiện toàn tổ chức, rà soát, bổ sung quy chế hoạt động ban tuyên vận, tổ tuyên vận phù hợp với thực tế công việc. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ tuyên vận cơ sở, nội dung tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền miệng của báo cáo viên; kỹ năng tham mưu xác định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận và đánh giá việc thực hiện công tác tuyên vận; kỹ năng tổng hợp, sử dụng, khai thác thông tin, tài liệu tuyên vận.

Nâng cao chất lượng biên soạn phần thông tin thời sự chính trị có chọn lọc, nhất là những thông tin nổi bật, số liệu có tính tổng hợp, khái quát, phù hợp với đối tượng. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thiết kế và ghi chép “Sổ nhật ký tuyên vận” cho các tổ tuyên vận đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tế cơ sở. Đánh giá nghiêm việc thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng theo quy định.

Như vậy, việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp tạo động lực quan trọng để Lào Cai vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2021 và trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai

Nguồn: Báo Lào Cai
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập