image banner
Nâng cao trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Lượt xem: 541
Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng ở khu vực nông thôn nước ta. Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”. Theo đó, chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% tổng số xã trong toàn quốc.

Sau 10 năm thực hiện, “Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra”. Cụ thể “Đến hết năm 2019, có hơn 4.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã, bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010-2020). Đến hết năm 2020, có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 173 huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Hết năm 2020 Lào Cai đã có 54/127 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, bằng 108% mục tiêu Đề án, cả tỉnh đã đạt bình quân 15 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6% vượt mục tiêu Đề án. Trên cơ sở đó Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có trên 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Xuân Quan, huyện Bảo Thắng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái”; “Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản.”.

Như vậy, trên nền tảng xây dựng nông thôn mới đã đạt được giai đoạn 2010-2020, Đảng ta chủ trương tiếp tục xây dựng khu vực nông thôn nước ta lên một nấc thang mới cao hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có mục tiêu tổng quát là nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn. Qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Để thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài sự đầu tư, hướng dẫn của Nhà nước thì sự tham gia của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng, vì người dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là người hưởng lợi, theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Vì vậy, người dân cần chủ động tham gia thực hiện tốt một số nội dung quan trọng đó là: Tích cực tham gia phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới; động viên con em trong độ tuổi đi học đến trường và học hành chăm chỉ, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng. Chỉnh trang nơi ở của gia đình bảo đảm sạch sẽ, có nước sạch để dùng, có nhà vệ sinh, bố trí chăn nuôi xa nhà ở; giữ gìn vệ sinh môi trường; cải tạo vườn tạp, ao hồ để trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn; có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng, giữ đường thôn, ngõ xóm trước nhà sạch, đẹp; thực hiện tốt các quy định của Nhà nước khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho đề án xây dựng nông thôn mới và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương mình. Cùng cộng đồng dân cư chủ động đề xuất với chính quyền địa phương những công việc cần làm trước, những việc làm sau để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong thôn, xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và vận động cộng đồng cùng tham gia với Nhà nước để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn hoặc tổ chức nhóm hộ trực tiếp nhận xây dựng các công trình vừa và nhỏ thuộc phạm vi thôn, xã...

Để thực hiện có hiệu quả những nội dung nêu trên rất cần sự vào cuộc của cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở tập trung tuyên truyền, giải thích, khuyến khích tinh thần làm chủ, ý thức tự lực tự cường và phát huy sáng kiến của người dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình kinh tế - xã hội quan trọng này.

Đỗ Đức Liệu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập