image banner
Ngành Y tế Lào Cai vượt khó qua đại dịch COVID-19
Lượt xem: 585
Trong thư gửi cán bộ ngành y tế toàn quốc năm 1955, Bác Hồ viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn,“Lương y phải như từ mẫu”. Đã 68 năm trôi qua nhưng những lời dạy của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong 3 năm chống dịch COVID-19 vừa qua, đã có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được “kẻ thù” vô hình này, nhưng bằng sự bền bỉ, lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ y tế đã từng bước vượt qua khó khăn.

Nỗ lực của cả hệ thống ngành Y tế

Ngày 14/01/2020, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam phát hiện 02 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa. Thời điểm đó, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp tính do virus Corona. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán cận kề, giao lưu đi lại giữa hai nước gia tăng, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Trước tình hình đó Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo kiện toàn ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh, thành lập đường dây nóng, cập nhật kịp thời thông tin diễn biến dịch bệnh; rà soát bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất; phân công, bố trí nhân lực, đảm bảo nhân viên kiểm dịch y tế có mặt thường trực tại tất cả các vị trí, cửa khẩu, lối mở; các bệnh viện lớn thành lập bệnh viện dã chiến nhằm đáp ứng tình huống khẩn cấp.

anh tin bai

Năm 2021, các đợt dịch bùng phát liên tiếp. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương: “Chuyển từ trạng thái phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế,… Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế; tăng cường công tác truyền thông nhằm huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Thời điểm này, áp lực đặt ở tất cả mọi bộ phận chuyên môn, trên mọi cán bộ của ngành y tế. Thành phố Lào Cai là địa phương có số lượng người mắc COVID-19 cao nhất trên địa bàn tỉnh với tổng số gần 63 ngàn ca mắc. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ làm việc không kể ngày, đêm, giờ giấc. Với họ, khái niệm về ngày nghỉ, thứ 7, chủ nhật, ngày lễ là không có, và họ luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, họ luôn túc trực, bám chặt địa bàn.

Thời điểm dịch COVID-19 hoành hành dữ dội bắt đầu từ trung tuần tháng 01/2022 đến trung tuần tháng 4/2022, Lào Cai đã triển khai 02 Bệnh viện Dã chiến tuyến tỉnh, 01 khu thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng đặt tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai và các khu dung điều trị tuyến huyện. Ca mắc COVID-19 tăng lên hàng ngày, đỉnh điểm có những ngày lên đến trên 4 nghìn ca mắc. Với lực lượng hơn 5 ngàn người, toàn ngành y tế Lào Cai đã đồng lòng đồng sức, căng mình chiến đấu với dịch bệnh.

COVID-19 liên tục xuất hiện các biến thể mới, cộng với việc thực tế công tác điều trị cho thấy những triệu chứng sẽ nặng nề hơn khi cơ thể không có miễn dịch, hậu quả để lại về mặt tinh thần và sức khỏe sau mắc cũng khó lường và khó khắc phục hơn. Xác định, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hữu hiệu góp phần tạo miễn dịch chủ động chống lại vi rút, cùng với việc triển khai các biện pháp chống dịch, dập dịch, Ngành đã tham mưu và chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân với mục tiêu “bao phủ vắc xin trong toàn tỉnh”, nhất là những đối tượng nguy cơ và trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Hàng loạt điểm tiêm cố định và lưu động đã được các đơn vị bố trí để tiêm vắc xin cho người dân kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

Hết lòng vì Nhân dân
Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân và sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống y tế, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tính từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến ngày 18/02/2023, toàn tỉnh có 186.432 ca mắc COVID-19 (137.215 ca bệnh phát hiện, điều trị tại cộng đồng, 49.217 ca  bệnh được quản  lý, điều trị tại cơ sở y tế), trong đó 186.391 ca bệnh đã được điều trị khỏi, hiện chỉ còn 01 trường hợp đang điều trị tại nhà, có 40 trường hợp tử vong.

Các địa phương tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ, chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 01/2023 khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh vận tải hành khách (bao gồm đi lại giữa cư dân vùng biên) qua các cửa khẩu Quốc tế, đến ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới”. Với việc “mở cửa” này, các hoạt động kinh tế, văn hóa, dịch vụ,… dần phục hồi.

Vượt khó sau đại dịch

Tình hình dịch COVID-19 đã tạm lắng xuống, những bộ đồ bảo hộ dần được cởi bỏ, hầu hết các lĩnh vực đều có dấu hiệu khởi sắc, song bức tranh của ngành Y tế lại trở nên “loang lổ” bởi nhiều gam màu tối - sáng. Chưa bao giờ, ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Sốt xuất huyết, Cúm A lại diễn biễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước. Cùng với đó ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố bệnh Đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu… Để chủ động kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, ngành Y tế đã chỉ đạo bệnh viện trên địa bàn tỉnh  Lào Cai tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Không chỉ đứng trước nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh truyền nhiễm, sau đại dịch COVID-19, ngành y tế còn phải đối mặt với hiện trạng cơ sở vật chất một số đơn vị đã xuống cấp, chật chội; nhiều đơn vị còn thiếu trang thiết bị so với quy định, thiếu các trang thiết bị kỹ thuật cao; thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên sâu; thiếu nguồn nhân lực để tuyển dụng; Công tác nâng cao chất lượng dân số còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với những hệ lụy từ công tác đấu thầu, mua sắm sinh phẩm của các địa phương trong cả nước, các đơn vị y tế đều gặp khó khăn trong việc thiếu vật tư, thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Chế độ phụ cấp, ưu đãi chưa tương xứng với lao động của cán bộ y tế cộng với việc phải tự chủ về tài chính khiến các đơn vị y tế đều phải đối mặt với vấn đề duy trì hoạt động và ổn định tâm lý cho cán bộ.

Tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó, ngành Y tế đã chủ động công tác tham mưu Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ giao, đặc biệt là các mục tiêu nhiệm vụ Đề án số 07-ĐA/TU về “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới”. Nhờ đó, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Hệ thống trang thiết bị y tế trong ngành cũng được quan tâm đầu tư và được khai thác, sử dụng có hiệu quả, cơ bản thực hiện các dịch vụ chuyên môn theo phân tuyến kỹ thuật.

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đang phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, cơ bản giải quyết cơ bản các bệnh, tật tại chỗ, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên. Ngành Y tế đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương,… trong việc chuyển giao kỹ thuật, kết nối khám chữa bệnh từ xa, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; triển khai hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 585, Đề án 1816 của Bộ Y tế, nhiều kỹ thuật vượt tuyến đã được triển khai tại các tuyến, cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó ngay tại tỉnh. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đang từng bước được giải quyết.

Trong công tác y tế dự phòng, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của hệ thống giám sát, quản lý dịch bệnh, tổ chức tốt việc phát hiện và xử lý kịp thời các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh mới nổi, bệnh lây truyền qua biên giới, quản lý môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm,… Ngành cũng đang triển khai việc quản lý sức khỏe của người dân qua các phần mềm khám chữa bệnh, kê đơn thuốc, quản lý sức khỏe ban đầu từ tỉnh đến cơ sở, hướng tới 1 hệ thống y tế đồng bộ, hiện đại, công bằng cho mọi đối tượng.

Mùa xuân hi vọng

Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, ngành y tế tiếp tục thực hiện mục tiêu trọng tâm trong Đề án 07 của Tỉnh ủy, các kế hoạch chương trình mục tiêu Y tế dân số, nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ từ tuyến cơ sở. Được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay cả khi không chuyển lên tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

anh tin bai

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai chúc mừng ngành Y tế nhân dịp 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2023)

Một mùa xuân mới vừa đến mang theo những niềm tin và hy vọng mới. Và những người thầy thuốc bằng tâm huyết, tấm lòng yêu nghề đang thắp lên niềm hy vọng về sự sống, sự hồi sinh, góp phần mang hơi thở mùa xuân đến với mọi người, mọi gia đình. Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023), toàn ngành Y tế cùng quyết tâm đoàn kết, nêu cao y đức, chung tay xây dựng một nền y tế Lào Cai tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Lan Anh - Hồng Loan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập