image banner
Nông nghiệp Lào Cai 76 năm một chăng đường
Lượt xem: 602
Ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết nghị về việc thành lập Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cùng với phát triển của sự nghiệp cách mạng cả nước, tổ chức của Bộ luôn có thay đổi để đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ. Trong suốt 76 năm qua (14/11/1945-14/11/2021), việc đổi mới, phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, ôn đới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai cũng gặp nhiều khó khăn do diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, địa hình chia cắt mạnh, trên 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, trình độ sản xuất và khả năng đầu tư của nhân dân còn hạn chế, tỷ lệ đói nghèo ở khu vực nông thôn còn cao, cơ bản sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai vẫn còn nhỏ lẻ. Trong suốt 30 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh (1991 - 2021) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã luôn vận dụng sáng tạo các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Đồng thời, xác định tiềm năng, lợi thế để tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả, tạo bước phát triển đột phá; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhằm đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn tỉnh Lào Cai từng bước được đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Trong mỗi giai đoạn, tỉnh Lào Cai đều đưa ra các quyết sách quan trọng, phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, miền núi. Đặc biệt, sau 30 tái lập tỉnh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu to lớn:

Thành tựu rõ rệt nhất của nông nghiệp là sản xuất luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân trên 6%/năm; Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thủy sản. Trong nội ngành nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 26,7% năm 1991 lên 43% năm 2020; tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 73,3% năm 1991 xuống còn 57% năm 2020.

Thứ hai là đã đảm bảo an ninh lương thực. Trước năm 1991 lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 258 kg/người/năm. Từ sau khi tái lập tỉnh, phong trào thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất được quan tâm; đặc biệt đã có bước đột phá trong việc nghiên cứu, lai tạo sản xuất được bộ giống mang thương hiệu Lào Cai là LC25, LC212, LC270,…đáp ứng trên 60% nhu cầu giống lúa lai trên địa bàn tỉnh. Sản lượng lương thực tăng từ 114.450 tấn năm 1991 lên 341.790 tấn năm 2020 (tăng 227.340 tấn), lương thực bình quân đầu người đạt trên 458kg/ người/năm.

Thứ ba là đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cơ cấu cây trồng đã chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi; bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, dứa, cây quế,... Chăn nuôi đã dần chuyển phương thức từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, trang trại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thuỷ sản từ khai thác tự nhiên chuyển sang sản xuất thâm canh, hàng hóa, nhất là các loại thuỷ đặc sản. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững; gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập từ rừng.

Thứ tư là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được đẩy mạnh, đặc biệt là việc đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), sản xuất VietGAP, công nghệ khí canh, tưới nhỏ giọt,… Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay đạt 2.890 ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 260 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống điều hòa, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học,... Lâm nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống cây lâm nghiệp, chế biến lâm sản và ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng.

Thứ năm là nông nghiệp đã tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo khu vực nông thôn. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 50% năm 1991 xuống còn 8,2% năm 2020. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, một số làng nghề truyền thống được khôi phục; đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Đến nay, có 61/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; Thành phố Lào Cai được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng đã hoàn tất hồ sơ trình Trung ương thẩm định, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 141 thôn Kiểu mẫu, 126 thôn nông thôn mới; bình quân đạt 15,49 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm vườn Lan tại Sa Pa (năm 2017)

Trong giai đoạn tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cho các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị như: Vùng sản xuất chè tập trung trên 10.00 ha, dược liệu 5.000 ha, cây chuối 5.000 ha, cây dứa 3.000 ha, cây quế 66.000 ha; tổng đàn lợn đạt khoảng 1.000.000 con, duy trì ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung 112.000 ha. Để đạt được mục tiêu trên, cần khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển 06 ngành hàng chủ lực (Sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế), phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương có giá trị cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Gắn vùng nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến sâu nông, lâm sản để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trước mắt, thời gian tới cần tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá, bao gồm: (1) Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; (2) Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; (3) Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; (4) Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; (5) Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Có được kết quả trên là sự cống hiến quên mình và không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành nông nghiệp; đặc biệt những thành quả lao động của người nông dân và các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại đang ngày ngày hăng say sản xuất, tạo ra sản phẩm đóng góp vào sự đổi thay từng ngày của nông nghiệp, nông thôn. Ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc của toàn ngành, đã có nhiều cán bộ, công chức, viên chức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có nhiều tập thể, cá nhân được nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và chính quyền các cấp tặng huân, huy chương, bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng đã vinh dự được tặng huân chương lao động hạng Ba và hạng Nhì; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng cờ thi đua trong phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.

Phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó đi lên, trong thời gian tới, cùng với những nỗ lực của nông dân, nối tiếp truyền thống của ngành và thành tựu của lớp lớp cán bộ đi trước, đội ngũ cán bộ của ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chung tay, đoàn kết phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu người dân; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ vì một mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành điểm sáng khu vực Tây Bắc.

Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập