image banner
Tăng cường chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình nguời Lào Cai
Lượt xem: 468
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Nhận thức rõ, sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Thời gian qua, công tác y tế - chăm sóc sức khỏe Nhân dân, dân số được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội để các tầng lớp Nhân dân yên tâm công tác, lao động sản xuất xây dựng Lào Cai phát triển ổn định.

 

Với đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới đa dân tộc, có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Năm 2022, Lào Cai có 770.589 người (xếp thứ 55 trong các tỉnh, thành phố của cả nước), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,22%. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển; văn hoá, xã hội không ngừng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm và giữ vững. Cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/ TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/ TU, ngày 11/12/2020 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch, đề án phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện hiệu quả.

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan trong khối tuyên truyền của tỉnh, hệ thống tuyên giáo các cấp, các ban, tổ tuyên vận đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên tuyền bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người dân.

Các cấp, các ngành đã quan tâm rà soát, kiện toàn bộ máy, tổ chức ngành y tế bảo đảm đồng bộ, tinh gọn. Giai đoạn 2015-2021, sự nghiệp y tế được đổi mới, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong 6 năm đã giảm 38 đầu mối y tế từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay còn 30 đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện; 18 phòng khám đa khoa khu vực và có 152 trạm y tế cấp xã. Đội ngũ cán bộ, viên chức được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, tâm huyết với nghề, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với công tác khám và điều trị bệnh. Hiện có 5.049 cán bộ, công chức, viên chức y tế. Trong đó có 1.020 bác sỹ, đạt 13,5 bác sỹ/10.000 dân (năm 2020 là 11 bác sỹ/10.000 dân; mức trung bình của cả nước là 10,4 bác sỹ/vạn dân); 38 bác sỹ chuyên khoa II; 245 bác sĩ chuyên khoa I; đã đạt 44,5 giường bệnh/10.000 dân.
Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm được xác định là một trong những vấn đề ưu tiên để nâng cao sức khỏe con người. Trong 10 năm qua đã khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,21% và liên tục giảm số người nhiễm mới. Duy trì, đảm bảo chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho hàng ngàn người bệnh; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn trên 83%. Công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, y tế học đường, phòng chống tai nạn thương tích được tăng cường; tỷ lệ chất thải y tế, nước thải y tế tại bệnh viện được xử lý theo quy định đạt 100%. Công tác an toàn thực phẩm được bảo đảm; số vụ ngộ độc thực phẩm, số người đi viện và số tử vong luôn giảm.

Đặc biệt, từ năm 2019, dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kịp thời đề ra nhiều chủ trương giải pháp linh hoạt phòng, chống, kiểm soát dịch hiệu quả. Trong 3 năm qua, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát; tính đến hết năm 2022, lũy kế số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh là 186.336 người; số ca tử vong chỉ có 40 người; tỷ lệ chết/mắc rất thấp - là 0,02%; trong khi thế giới là 1,1%. Lào Cai là một trong những tỉnh có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao trên toàn quốc. Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ  bản cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt trên 99%; Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 của trẻ 5-12 tuổi đứng trong nhóm 20 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao nhất cả nước. Công tác phòng chống dịch COVID-19 đã hỗ trợ đắc lực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số được quan tâm đầu tư, phát triển. Công tác tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng được mở rộng. Trong giai đoạn này, tỉnh đã đầu tư trên 1.400 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế đã làm chủ nhiều công nghệ y học hiện đại như: Phẫu thuật nội soi, thay khớp háng, can thiệp tim mạch, châm cứu,... và một số kỹ thuật cao khác do bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao. Đồng thời các bệnh viện tuyến tỉnh tích cực chuyển giao, tư vấn khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến huyện,...

Để hỗ trợ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ Nhân dân và công tác dân số, công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 28- NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, BHYT được chú trọng đẩy mạnh. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tính đến tháng 9/2022, tổng số người tham gia BHXH là 68.005 người chiếm 14,28% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia các thành phần kinh tế, trong đó có 59.748 người tham gia BHXH bắt buộc; 8.257 người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHTN là 51.543 người, đạt 10,82% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia các thành phần kinh tế, đạt 94,8% so với chỉ tiêu giao. Các chính sách mới về bảo hiểm xã hội kịp thời được phủ sóng đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; một bộ phận đồng bào dân tộc ít người đời sống còn nhiều khó khăn cũng đã được tiếp cận với các loại hình bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm xã hội.

anh tin bai

Quang cảnh hội thảo: Tăng cường chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình của người Lào Cai (tổ chức ngày 08/12/2022)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và công tác dân số của tỉnh vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần quan tâm khắc phục, đó là: Chất lượng dân số của tỉnh đã được nâng lên, vị trí xếp hạng được cải thiện nhưng chưa cao, hiện nay xếp thứ 48 trong 63 tỉnh/thành phố của cả nước. Một số chỉ số phát triển toàn diện con người của tỉnh còn thấp. Theo số liệu điều tra năm 2017, chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đạt 161,5 cm đối với Nam và 154,5 cm đối với nữ. Năm 2021 tuổi thọ bình quân mới đạt 69,96 tuổi, xếp thứ 58 trong cả nước (toàn quốc là 73 tuổi), thời gian  sống khỏe mạnh là 63 năm. Đầu tư cho công tác dân số còn thấp so với một số tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, chỉ đạt 5.653 đồng/người. Tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại; đa số người kết hôn chưa được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao; Tình trạng trẻ em nữ sinh con trước 18 tuổi, phụ nữ sinh con tại nhà ở vùng cao, vùng sâu vẫn là vấn đề nhức nhối, trong 5 năm qua có hàng ngàn trẻ em nữ sinh con, phụ nữ sinh con tại nhà. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn khá cao với 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh sống; mức sinh thay thế vẫn duy trì ở mức cao là 2,4 con (mức trung bình toàn quốc là 2,11 con). Tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử mới đạt 76%; tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật còn thấp; tỷ lệ thương tích, tàn tật cao; sức khỏe của người cao tuổi chậm được cải thiện. Việc rèn luyện nâng cao tầm vóc, thể lực cho học sinh trong các cơ sở giáo dục chưa có bước đột phá; tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia thể dục thể thao chưa cao,… Đây là những nguyên nhân cơ bản kéo thấp tuổi thọ trung bình và thời gian sống khoẻ của người dân Lào Cai.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình nguời Lào Cai, thời gian tới đòi hỏi cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ Nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/7/2022 về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Hai là, Chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới. Biên soạn tài liệu gắn với từng lĩnh vực liên quan đến bảo vệ sức khoẻ theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Chú trọng tuyên truyền đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh để kịp thời tham mưu chỉ đạo giải quyết ngay tại cơ sở; vừa làm công tác khám, chữa bệnh, vừa làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của sức khoẻ và công tác bảo vệ sức khoẻ, công tác dân số với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Ba là, Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các trạm y tế cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng đó là: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn”. Trạm y tế cấp xã là cơ sở y tế đầu tiên người dân tìm đến khi có vấn đề liên quan đến sức khoẻ, dân số từ việc sơ cứu ban đầu đến sinh đẻ, khám, chữa bệnh,… Làm tốt công tác y tế tại cơ sở góp phần rất lớn vào việc phòng bệnh, chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh từ đó giảm tải cho bệnh viện tuyến trên đồng thời kịp thời phát hiện dịch bệnh mới để từ đó có phương án ứng phó. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh,… triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân và phát triển hình thức khám, chữa bệnh trực tuyến ngay từ trạm y tế cơ sở.

Bốn là, Các cơ quan quản lý nhà nước về y tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp tham mưu đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo hướng hiện đại gắn với thực hiện chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh và quản lý Nhà nước về y tế. Đổi mới cơ chế tài chính y tế; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; giám sát làm tốt công tác bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh bảo đảm chi đúng, chi đủ đối tượng tránh chồng chéo, lạm dụng bảo hiểm y tế.

Năm là, Nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích phương thức đối tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Thực hiện đúng chủ trương của đảng về xã hội hóa y tế đó là “Thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước”. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, tiếp thu chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Từng bước nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, người lao động trong ngành y tế. Tham mưu xây dựng cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao cho ngành y tế.

Dương Đức Huy, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai.
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập