image banner
THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ, KINH TẾ - XÃ HỘI NỔI BẬT THÁNG 11 NĂM 2017 (Phục vụ triển khai tại Hội nghị công tác tuyên vận tháng 12 năm 2017)
Lượt xem: 214

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TIN THẾ GIỚI


 


1. Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Đô-nan Trăm thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 11 - 12/11/2017.


Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm tới Việt Nam và diễn ra ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung và ký các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực.


Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Ðô-nan Trăm có ý nghĩa quan trọng và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và cho thành công của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 do Việt Nam đăng cai tổ chức.


2. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 và thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 12-13/11/2017.


Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Ðảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về những định hướng và biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Ðảng, hai nước trong thời gian tới. Sau hội đàm, hai bên đã ký 12 văn kiện hợp tác và trao 7 văn kiện hợp tác.


 


TIN TRONG NƯỚC


 


1. MỘT SỐ NỘI DUNG QUAN TRỌNG ĐƯỢC THẢO LUẬN VÀ QUYẾT ĐỊNH TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV


Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV khai mạc ngày 23/10/2017 tại thủ đô Hà Nội và bế mạc vào ngày 24/11/2017. Quốc hội tập trung thảo luận và thông qua các nội dung sau:


- Xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 xác định mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế...


- Xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật. Các dự án luật tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính… Về cơ bản, các dự án luật đã được các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng quy định.


- Về công tác giám sát, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. 


- Thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác về: Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; Việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Hồ Chí Minh.


- Phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vân tải và Tổng Thanh tra Chính phủ và một số chức danh khác; Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về nhân sự thành viên Chính phủ;…


2. TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TINH GỌN, HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ


Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Một số nội dung chính của Nghị quyết:


 Đối với hệ thống tổ chức của Đảng:


- Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo hướng vừa bảo đảm quy định chung, vừa bảo đảm tính đặc thù nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở ngoài nước. Chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Ban Nội chính Trung ương và tổ chức lại cho phù hợp.


- Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ cho cơ sở y tế và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp.


- Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các đảng uỷ khối cơ quan theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy và tập trung vào một số nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đối với các đảng uỷ khối doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện mới ở cả Trung ương, địa phương nhằm nâng cao tính thực chất và hiệu quả hoạt động.


- Thực hiện thống nhất văn phòng cấp uỷ phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp tỉnh; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cơ bản hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.


 Đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương:


- Thực hiện tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỉ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.


- Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.


- Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.


- Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp với việc phân cấp ngân sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.


- Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…


Đối với chính quyền địa phương:


- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện.


- Quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, cấp uỷ địa phương lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp.


- Nghiên cứu ban hành quy định để thực hiện hợp nhất văn phòng Hội đồng nhân dân, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.


- Từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.


 Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng:


- Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức; kiên quyết cắt giảm số lượng ban, phòng có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả; sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp, gắn với đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước và quản lý tài chính; nghiêm túc thực hiện việc khoán kinh phí để phát huy tính tích cực, chủ động và tự chủ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường sử dụng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên.


- Thực hiện thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi đủ điều kiện. Tổng kết mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện; mở rộng thí điểm ở cấp tỉnh và thực hiện ở cấp huyện những nơi có đủ điều kiện...


3. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA TUẦN LỄ CẤP CAO APEC 2017 VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VIỆT NAM


Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 06 - 11/11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành trọng trách nền kinh tế chủ nhà của Năm APEC 2017.


Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tập trung thảo luận chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC Việt Nam 2017 và nhất trí thống nhất những định hướng lớn nhằm đẩy nhanh hơn nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bô-go, kết nối các chuỗi cung ứng, củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy các thỏa thuận thương mại khu vực và hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); khẳng định quyết tâm thúc đẩy các sáng kiến do chủ nhà Việt Nam đưa ra về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.


Kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và Hội nghị AELM-25 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.


Việt Nam vinh dự lần thứ hai đảm nhiệm vai trò nền kinh tế chủ nhà APEC, sau gần 20 năm tham gia APEC. Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC và các bên đối tác đồng thời phát huy vai trò dẫn dắt của chủ nhà để tạo dựng được những kết quả vững chắc, bảo đảm thành công cho Năm APEC Việt Nam 2017. Các chủ đề và sáng kiến của Việt Nam được các nền kinh tế thành viên APEC, các đối tác và bạn bè quốc tế đánh giá cao và ủng hộ tích cực, bảo đảm vừa thúc đẩy các quan tâm chung của Diễn đàn, vừa đáp ứng thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc tổ chức thành công tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là dịp để Việt Nam khẳng định với bạn bè quốc tế quyết tâm đổi mới đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Các hoạt động của Năm APEC 2017 sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch... cho các địa phương và doanh nghiệp.


 


TIN TRONG TỈNH


 

1. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh tiếp xã giao Đoàn đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Sáng 21/11, tại Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí trong lãnh đạo tỉnh đã tiếp Đoàn đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), do bà Vương Thụ Phần, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân tỉnh Vân Nam làm Trưởng đoàn, đến chào xã giao trong chuyến công tác tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo hai tỉnh đã vui mừng thông báo kết quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai bên; bày tỏ tin tưởng tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giao lưu toàn diện hai bên trong thời gian tới, thực hiện các thỏa thuận hữa nghị, hợp tác đã ký kết, khai thông mạnh mẽ hành lang kinh tế hiện nay và khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu.

2. Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ thứ 15

Chiều 6/11, Thường trực HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức phiên họp thường kỳ thứ 15. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.


Theo đánh giá, trong tháng 10, Thường trực HĐND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hòa, phối hợp cùng các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức, thực hiện các nội dung, chương trình hoạt động của HĐND đảm bảo theo kế hoạch đề ra; tiếp tục theo dõi, giám sát thường xuyên việc triển khai, thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh của UBND tỉnh; việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện. Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm, theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trước, trong và sau kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh đến nay; việc triển khai các nghị quyết ban hành tại kỳ họp; chỉ đạo các địa phương bám sát triển khai thực hiện hiệu quả; đặc biệt, chuẩn bị tốt các nội dung để kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh diễn ra vào đầu tháng 12 tới đạt hiệu quả cao nhất.


3. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017) các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại nhiều địa phương trong tỉnh.

- Tại thành phố Lào Cai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh dự tại thôn Cóc 2, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai. Phát biểu tại Ngày hội, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Vịnh biểu dương nỗ lực và những thành tích mà nhân dân thôn Cóc 2 đạt được những năm qua. Đồng chí mong muốn, bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng thôn ngày càng giàu mạnh. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

- Tại huyện Bảo Yên, đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy  dự khu bản 4, bản 7 Vành, xã Xuân Thượng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hà Thị Nga đã chúc mừng và biểu dương những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc địa phương; đồng thời trao tặng nhân dân bản 4, bản 7 Vành bức ảnh Bác Hồ; tặng quà cho các trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư, người có uy tín, gia đình chính sách tiêu biểu; tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tập…

Cũng nhân dịp này, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dự và chia vui với Nhân dân tại đại diện một số địa phương khác trong tỉnh.


4. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương kiểm tra tại tỉnh Lào Cai

Chiều 2/11, Đoàn công tác Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương do Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương dẫn đầu đã kiểm tra công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh tại tỉnh Lào Cai.


Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng như qua kiểm tra tại huyện Bảo Thắng, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo... đoàn kiểm tra đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy đảng địa phương, đơn vị đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Về kết quả tổng kiểm tra toàn tỉnh của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương cho thấy tỷ lệ đối tượng được kiểm tra đạt khá giỏi là 89,7%.


 



 


 Tác giả: Phùng Nam Trung - Hoàng Văn Hợp
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập