image banner
THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ, KINH TẾ - XÃ HỘI NỔI BẬT THÁNG 12 NĂM 2017 (Phục vụ triển khai tại hội nghị công tác tuyên vận tháng 01 năm 2018)
Lượt xem: 218

TIN THẾ GIỚI, HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

 

1. MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2017 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2018

- Kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực trong năm 2017:

Theo Báo cáo "Tình hình và những triển vọng của nền kinh tế thế giới năm 2018" công bố ngày 11/12/2017 của Liên Hợp quốc, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3% trong năm 2017, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm 2018 và 2019. Các nền kinh tế phát triển trong năm 2017 dự kiến sẽ tăng trưởng 2,2%, cao hơn mức 1,7% của năm 2016; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến tăng trưởng 4,6%, cao hơn mức 4,3% của năm 2016.

- Triển vọng kinh tế thế giới năm 2018

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2017-2018; cho rằng, kinh tế toàn cầu đang ở trạng thái tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo Báo cáo "Tình hình và những triển vọng của nền kinh tế thế giới năm 2018" của Liên Hợp quốc, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang diễn ra trên diện rộng, trong đó tất cả các nền kinh tế chủ chốt ở cả nhóm nước phát triển và các nền kinh tế đang nổi đều tăng trưởng tích cực. Các nền kinh tế phát triển dự kiến đạt tăng trưởng 2,1% trong năm 2018. Các thị trường mới nổi dự kiến đạt 3,8% trong năm 2018, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia. Trung Quốc dự kiến tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017, nhờ xuất khẩu phục hồi và chính phủ tích cực hỗ trợ nền kinh tế trước và sau Đại hội Đảng lần thứ XIX. Ấn Độ sẽ cải thiện được tốc độ tăng trưởng trong năm 2018, chủ yếu nhờ tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những nguy cơ về chính sách và địa chính trị cũng có thể cản trở xu hướng tăng trưởng trong năm 2018 của nền kinh tế thế giới. Trong số các nguy có đó, có nguy cơ liên quan đến chính sách đối nội, nhất là ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Một số yếu tố khác mang tính chất địa chính trị và địa kinh tế, như hậu quả của những cuộc đàm phán kéo dài về Brexit; những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu; làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao; chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; sự xuất hiện nhiều nguy cơ nổ ra xung đột chính trị, quân sự tại nhiều nước trên thế giới.

2. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý THỜI GIAN GẦN ĐÂY

(1) Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12-14/11/2017 tại thủ đô Ma-ni-la (Phi-líp-pin). Các Hội nghị đã tạo những dấu ấn tốt đẹp, khép lại một năm thành công rực rỡ của năm kỷ niệm “vàng” 50 năm thành lập ASEAN:

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận các thách thức và xu hướng đang nổi lên ở khu vực và thế giới gồm; ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư và thông qua 55 văn kiện khác thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện giữa ASEAN và đối tác).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp vào thành công chung của các Hội nghị, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng với những đề xuất cụ thể.

(2) Dư luận quốc tế xung quanh việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en: Ngày 07/12/2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố chính thức công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en và có kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ tới thành phố này sẽ diễn ra trong vài năm.

Ngày 08/12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã tổ chức họp khẩn. Tại cuộc họp, các nước: Thụy Điển, Ai Cập, Anh, Pháp, Bô-li-vi-a… tái khẳng định quan điểm, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã phá vỡ giải pháp hai nhà nước đối với xung đột giữa I-xra-en và Pa-lex-tin, một nền tảng lập trường lâu dài của Liên Hợp quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột này. 

3. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM NĂM 2017

Thứ nhất, cơ hội đảm nhận vai trò Chủ nhà Năm APEC 2017 đã được phát huy tối đa để tạo dựng“hiệu ứng hình ảnh tích cực” về Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của báo chí, hình ảnh Việt Nam được dư luận nhìn nhận tích cực. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại được triển khai từ rất sớm, có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra các “đợt sóng” tuyên truyền tập trung vào các hội nghị quan trọng.

Thứ hai, công tác thông tin đối ngoại đã đóng góp vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ và hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước lớn quan trọng. Các cuộc trao đổi đoàn của Việt Nam với các nước trong năm 2017 diễn ra với mật độ dày, trong vòng 1 năm có 9 chuyến thăm cấp cao với tất cả các nước lớn, với nhiều dấu ấn đáng nhớ. Chúng ta đã tranh thủ quan hệ chính trị - ngoại giao tốt với các đối tác để phục vụ thiết thực các lợi ích an ninh và phát triển của đất nước, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng lớn, các khoản đầu tư có giá trị…

Thứ ba, trong đấu tranh dư luận, tính “chủ động” cao hơn, thể hiện ở việc chủ động trong cung cấp thông tin, chủ động trong định hướng tuyên truyền, ngăn chặn được những thông tin tiêu cực. Trong năm 2017, Bộ Ngoại giao đã tổ chức 16 cuộc họp báo thường kỳ, trả lời khoảng 230 câu hỏi, tổ chức gần 30 cuộc thông tin nội bộ cho phóng viên về các hoạt động đối ngoại lớn, cung cấp hàng nghìn tin phát...

Thứ tư, các hoạt động thông tin, tuyên truyền về kết quả phân giới, cắm mốc, tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới, quản lý biên giới giữa Việt Nam và các nước được triển khai tốt. Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có sự chỉ đạo, định hướng, phối hợp, phân vai, phân nhiệm, đúng lúc, đúng liều lượng nên đã đạt được 03 kết quả: (1) Đấu tranh hiệu quả bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biển, đảo; (2) Tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế với lập trường, quan điểm của Việt Nam; (3) Không để ảnh hưởng, vẫn duy trì được quan hệ hợp tác với các đối tác. Trong nước, không để các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng đẩy nóng vấn đề, tập hợp lực lượng chống phá.

Thứ năm, các kết quả về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được phản ánh kịp thời. Trong bối cảnh các nước ngày càng siết chặt chính sách nhập cư, quản lý lao động nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực tăng cường các biện pháp với tàu cá, ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển, công tác thông tin đối ngoại đã góp phần kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ cho việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời không để tạo phản ứng tiêu cực ở trong nước.

Thứ sáu, các hoạt động ngoại giao văn hóa diễn ra rất sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, góp phần phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, nâng cao vị thế và sức mạnh tổng thể của đất nước.

 

TIN TRONG NƯỚC

 

1. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NƯỚC TA NĂM 2018

Về mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thúc đẩy bình đẳng giới; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Các chỉ tiêu chủ yếuTổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%.

2. MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THỜI GIAN GẦN ĐÂY

Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có nhiều chủ trương, giải pháp và tăng cường công tác lãnh đạo, thường xuyên chỉ đạo sát sao công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình hình khiếu nại, tố cáo đã giảm so với những năm trước, cụ thể là: theo số liệu thống kê từ ngày 01/8/2016 đến hết ngày 31/7/2017, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 8,9%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%...

Công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm. Một số bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước được phân công đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên. Năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 26.120/31.142 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,9% (khiếu nại 20.718/24.540 vụ việc, đạt 84,4%; tố cáo 5.402/6.602 vụ việc, đạt 81,8%).

Hầu hết các địa phương đã nghiêm túc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Nhiều vụ việc có sự vào cuộc của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Đoàn Luật sư cùng với các cấp chính quyền, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động, góp phần bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và ổn định tình hình.

Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương chặt chẽ và hiệu quả hơn trước, đã tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết, nhiều vụ việc đã chấm dứt khiếu nại kéo dài, kết quả giải quyết có lý, có tình và có sức thuyết phục hơn.

 

TIN TRONG TỈNH

 

1. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 thành công tốt đẹp

Ngày 4/12/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã tổ chức Hội nghị lần thứ 12. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; đại diện các vụ Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. 

Năm 2017 với sự chủ động dự báo tình hình, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đưa ra nhiều chủ trương lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sát thực tế; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, trong số 25 chỉ tiêu chính Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV có 5 chỉ tiêu đạt và đạt trên 100% hằng năm, 15 chỉ tiêu đạt trên 70% kế hoạch, 3 chỉ tiêu đạt trên 50% và 2 chỉ tiêu đạt dưới 50%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,03%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản (giảm 1,3% so với năm 2016), tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (tăng 1,07%) và dịch vụ (tăng 0,23%). Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa được mở rộng. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ, một số sản phẩm tiêu thụ tốt, sản lượng tăng cao như: Quặng sắt, phôi thép, supe lân, cao lanh, fenspat... Doanh thu dịch vụ tăng 19,9%, lượng khách du lịch tăng 28% và doanh thu tăng 49%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm; đã chỉ đạo ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới có điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế. Trong năm, toàn tỉnh đã thi công hơn 800 km đường giao thông, xây dựng gần 3.400 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành, nhiều vùng sản xuất quy mô lớn phát triển... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Dự kiến, năm 2017 có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã hoàn thành nông thôn mới toàn tỉnh lên 35 xã.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được duy trì; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; công tác đối ngoại mở rộng. Ước trong năm, toàn tỉnh giảm gần 7.800 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại chiếm 22,91%; tạo việc làm mới cho khoảng 12.450 lao động...

Các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng cơ bản đảm bảo kế hoạch trong 11 tháng. Toàn tỉnh kết nạp hơn 2.000 đảng viên (tăng 84,5% so với cùng kỳ); cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra đối với 1.199 tổ chức đảng và 1.700 đảng viên, giảm sát đối với 834 tổ chức đảng và 1.886 đảng viên. Tỉnh ủy đã tổ chức 6 hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 khóa XII dành cho cán bộ chủ chốt; tổ chức học tập, quán triệt những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới trong Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn Đảng bộ, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương...

Thảo luận tại tổ và hội trường, các đại biểu thẳng thắn phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Năm 2017 có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, song với tinh thần tập trung cho cơ sở, tháo gỡ khó khăn đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội. Những kết quả đạt được thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự năng động của các cấp, ngành, địa phương; bám sát 4 chương trình, 19 đề án và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XV.

2. Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt đoàn đại biểu thanh niên Lào Cai đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

Chiều 8/12/2017, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt Đoàn đại biểu thanh niên Lào Cai đi dự Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi gặp mặt.

Đoàn đại biểu thanh niên tỉnh Lào Cai đi dự Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ XI gồm 13 đồng chí là Thường trực Tỉnh đoàn, cán bộ một số huyện đoàn, chi đoàn cơ sở và đoàn viên tiêu biểu. Tại buổi gặp mặt, đồng chí Hà Đức Minh, Phó Bí Thường trực Tỉnh đoàn hứa với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ chấp hành nghiêm quy chế đại hội; tích cực đóng góp trí tuệ vào việc xây dựng nghị quyết và tiếp thu nghị quyết đại hội để triển khai tới đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu đoàn đại biểu thanh niên Lào Cai làm hết trách nhiệm của mình tại Đại hội; tích cực tuyên truyền về tỉnh Lào Cai, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn tỉnh tới bạn bè trong nước. Đặc biệt, cần tiếp thu đầy đủ các văn kiện, nghị quyết để tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh ngay sau Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Hà Thị Nga đã trao tặng những phần quà ý nghĩa để động viên tinh thần các đoàn viên đi dự Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ XI.

3. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam

Chiều 15/12/2017, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có buổi tiếp xã giao ngài Đại sứ Hồng Tiểu Dũng cùng Đoàn công tác Đại sứ quán và các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ niềm vui khi Đoàn công tác của Đại sứ quán và các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam lên thăm, làm việc tại Lào Cai; đồng thời khẳng định, Lào Cai luôn sẵn lòng và mong muốn được đón các nhà đầu tư của Trung Quốc đến khảo sát, đầu tư kinh doanh.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai những năm qua và mong muốn tiếp tục có sự kết nối cơ sở hạ tầng giữa 2 tỉnh; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác về giáo dục, y tế; bố trí các khoản viện trợ, giúp đỡ, cải thiện về y tế...Đồng thời khẳng định, trên cơ sở quan hệ sẵn có, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và các địa phương khác của Trung Quốc cần mở rộng, đi sâu hợp tác thiết thực.

4. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Yên và Si Ma Cai

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XV, ngày 12 và 13/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri huyện Văn Bàn, huyện Si Ma Cai, huyện Bát Xát và huyện Bảo Yên

Tại các hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; kết quả kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XV; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh năm 2017. Về cơ bản, các cử tri đều bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua đã quan tâm, có nhiều chính sách hiệu quả, góp phần làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn; việc đầu tư hệ thống điện lưới đến một số thôn khó khăn, khó khăn trong việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là với một số cây trồng mới, đề nghị điều chỉnh phụ cấp với một số chức danh cấp xã; do đặc thù các xã vùng cao, các thôn, bản cách xa nhau, dân cư phân tán, nếu sáp nhập địa giới hành chính, đầu mối, tổ chức, bộ máy  sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành… Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu ý kiến cử tri và trả lời một số nội dung được cử tri nêu ra tại hội nghị. Các ý kiến của cử tri, sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trình các bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét giải quyết, nhằm đáp ứng nguyện vọng của cử tri.  

5. Rét hại làm 95 con trâu, bò chết rét

Sau các đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19/11 đến chiều 24/12, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 95 con trâu, bò bị chết rét.

Cụ thể, các huyện có số lượng trâu, bò bị chết rét là: Sa Pa có 76 con, Văn Bàn 16 con, Si Ma Cai 3 con. Trong đó, số trâu trên 6 tháng tuổi bị chết là 72 con, dưới 6 tháng tuổi bị chết là 15 con và bò trên 6 tháng tuổi bị chết 8 con. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu là gần 1,2 tỷ đồng.

 

 



 Tác giả: PHÙNG NAM TRUNG – HOÀNG VĂN HỢP
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập