image banner
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị địa phương ở Việt Nam hiện nay
Lượt xem: 248
Quản trị địa phương là thuật ngữ phổ biến trên thế giới, song đây là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Hiện nay, với nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia giám sát của nhân dân…, năng lực, hiệu quả quản trị của các địa phương từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, để tối ưu hóa việc sử dụng các loại nguồn lực, tăng cường đồng thuận xã hội, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị địa phương, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới quản trị quốc gia cần có những giải pháp khả thi, phù hợp.      
anh tin bai

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu tại Kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X_Nguồn: tuoitre.vn

 

Những vấn đề cơ bản về quản trị địa phương

Khái niệm quản trị địa phương

Khác với phương thức quản lý nhà nước truyền thống, “quản trị địa phương” là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: pháp luật, hành chính, tổ chức, hoạt động của chính quyền, sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước vào việc hoạch định, quản lý phát triển kinh tế - xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương… Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ở các quốc gia/địa phương có sự khác nhau nên có nhiều cách tiếp cận về vấn đề này. “Quản trị địa phương là một khái niệm chỉ tồn tại trong các học thuyết mà chưa có một nội hàm chính thức trong các văn kiện quốc tế hoặc trong Hiến pháp và pháp luật của các quốc gia”(1). Vì vậy, thuật ngữ này thường được tiếp cận trên cơ sở các khái niệm như: phân quyền, tự quản địa phương, tự trị địa phương... Có thể hiểu một cách khái quát: “Quản trị địa phương gồm nhiều vấn đề, nhiều chủ thể có khả năng chi phối, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, hoạch định chính sách phát triển và ban hành quyết định ở cấp địa phương”(2). Về lý thuyết, quản trị địa phương và quản trị quốc gia có nhiều đặc điểm cơ bản giống nhau, do đó, có thể tiếp cận vấn đề quản trị địa phương thông qua khái niệm “quản trị quốc gia”: “Quản trị quốc gia là phương thức vận hành, quản lý xã hội bằng thể chế, luật lệ, cơ chế, quy trình, trên cơ sở sự tương tác, phối hợp dân chủ giữa các chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia”(3).

Cơ sở, nguyên tắc pháp lý về quản trị địa phương

Quản trị địa phương là mô hình hoạch định, quản lý phát triển kinh tế - xã hội ở cấp địa phương với sự tham gia của nhiều chủ thể, được vận hành theo nguyên tắc phi tập trung hóa. Hiến pháp, pháp luật là cơ sở pháp lý để xác lập cách thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương, với các phương pháp: phân quyền, tản quyền, trao quyền, ủy quyền, cũng như phân quyền kết hợp với tản quyền; tập quyền kết hợp với phân cấp quản lý; tản quyền có mức độ. Bên cạnh đó, còn có các cách thức khác như: giao quyền quyết định cho cấp quản trị thấp nhất (subsidiarity principle)(4), quy hoạch lãnh thổ (territorial planning), hợp nhất (amalgamation) thống nhất (consolidation), phân đoạn (fragmentation)…

Đặc điểm cơ bản của quản trị địa phương

- Về chủ thể: Xuất phát từ thuộc tính đa chủ thể của quản trị nên hoạt động quản trị địa phương có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Cùng với chính quyền địa phương, “chủ thể của quản trị địa phương là cộng đồng dân cư địa phương, bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ,… và công dân đang sinh sống, hoạt động tại lãnh thổ địa phương”(5).

- Về phối hợp, tương tác: Khác với phương thức quản lý nhà nước truyền thống, quản trị địa phương là hoạt động có sự phối hợp, tương tác, trực tiếp hoặc gián tiếp, giữa nhiều chủ thể khác nhau, trong đó chính quyền địa phương là chủ thể đứng ở vị trí trung tâm.

- Về kỹ thuật, quy trình, công cụ: Quản trị địa phương sử dụng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, dẫn dắt, liên kết, định hướng hoạt động chung của các chủ thể, thông qua đó để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội, mà không hướng vào việc chỉ sử dụng quyền lực nhà nước. Công cụ được sử dụng để tiến hành quản trị là: thể chế, thông tin tuyên truyền, kinh tế - tài chính, công nghệ thông tin…

- Về cấp quản trị: “Đa cấp là một đặc điểm chung của quản trị, được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa quản trị địa phương, quản trị quốc gia, quản trị toàn cầu... Trong mỗi quốc gia đều có nhiều cấp quản trị, cao nhất là quốc gia, sau đó là các địa phương”(6). Trên cơ sở phân quyền, trao quyền, ủy quyền của chính quyền trung ương, các đơn vị hành chính địa phương có quyền tự quản nhất định, cũng như có chức năng, thẩm quyền, bộ máy, ngân sách hoạt động riêng. Quản trị địa phương có tính độc lập tương đối, song chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp của cấp quản trị cao hơn là quản trị quốc gia và có quan hệ, tác động lẫn nhau với các cấp quản trị bên dưới.

- Về thể chế quản trị: Quản trị địa phương có 2 loại thể chế, chính thức và phi chính thức, trong đó thể chế chính thức giữ vai trò quyết định. Nếu tích cực, thể chế phi chính thức sẽ góp phần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị địa phương. Ngược lại, những tập quán cổ hủ, lạc hậu, thói quan liêu, cửa quyền, nhận hối lộ, lợi ích nhóm, ưu ái, thiên vị người có quan hệ họ hàng trong việc phân bổ nguồn lực công, tuyển dụng, đề bạt,… là những rào cản, trở ngại đối với quản trị địa phương.

Nguyên tắc quản trị địa phương

Quản trị địa phương dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống, vì mục tiêu, lợi ích chung của cộng đồng địa phương, với những nguyên tắc cơ bản như: Phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời; hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm năng lực quản lý tài chính; minh bạch, rõ ràng; trách nhiệm giải trình; bầu cử công bằng, dân chủ; hành vi đạo đức chuẩn mực; định hướng phát triển bền vững; đổi mới, sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi; tôn trọng pháp quyền; tôn trọng quyền con người; dung hòa sự khác biệt, đa dạng về văn hóa; phát huy năng lực của các chủ thể…

Mục tiêu quản trị địa phương

Mục tiêu của quản trị địa phương là: Bảo đảm sự tham gia, phối hợp của các chủ thể trong quá trình hoạch định, quản lý, điều hành và giải quyết những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội…, trên cơ sở luật pháp, thể chế, cơ chế, quy trình công khai, minh bạch nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các loại nguồn lực, bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân, tăng cường đồng thuận xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển hài hòa, bền vững.

Nội dung, quy trình quản trị địa phương

1- Bảo đảm sự liêm chính, minh bạch, giá trị đạo đức và pháp quyền trong hoạt động quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 2- Tạo lập một nền quản trị mở với sự tham gia của tất cả các chủ thể vào việc xây dựng, hoạch định, điều chỉnh chính sách công và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, tăng cường đồng thuận xã hội. 3- Tối ưu hóa việc sử dụng các loại nguồn lực cơ bản, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. 4- Củng cố, nâng cao và phát triển toàn diện năng lực của các chủ thể quản trị.

Theo nguyên lý cơ bản của quản trị, quản trị địa phương là một quy trình bao gồm 4 bước: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát.

Một số mô hình quản trị địa phương trên thế giới

Ở Mỹ, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương được thực hiện theo 2 nguyên tắc cơ bản là “Dillon’s rule” và “Home rule”. Theo nguyên tắc “Home rule”, chính quyền địa phương có các quyền: Tự quản, thông qua hiến chương thành phố (charter city) và tự quyết định về mô hình tổ chức chính quyền. Ở Nga, Điều 12, Hiến pháp Nga năm 1993 quy định: “Tự quản địa phương được độc lập trong phạm vi thẩm quyền của mình”(7). Còn ở Trung Quốc, đơn vị hành chính địa phương được phân định thành: tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương. Bên dưới là huyện, châu tự trị.

Thực trạng hoạt động quản trị địa phương ở nước ta hiện nay

Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với quản trị địa phương

Trong phân cấp hành chính, cấp tỉnh là cấp chính quyền địa phương cao nhất ở nước ta. Xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh là lực lượng lãnh đạo và giữ vai trò quyết định đối với năng lực, hiệu quả quản trị địa phương. Theo Quy định số 10-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12-12-2018, về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, chức năng của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh là lãnh đạo công tác triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ cấp tỉnh; lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; định hướng những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với hội đồng nhân dân; xác định phương hướng, nhiệm vụ cơ bản trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh, chia tách địa giới hành chính... Cấp ủy cấp tỉnh còn có trách nhiệm lãnh đạo công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Như vậy, việc đảng bộ cấp tỉnh ban hành nghị quyết hoạch định mục tiêu phát triển trung hạn, dài hạn, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt của chính quyền địa phương,… chính là việc thực hiện chức năng hoạch định trong quy trình quản trị gồm 4 bước: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát. Sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, cùng với việc đồng thời thực hiện chức năng hoạch định là nhân tố giữ vai trò quyết định năng lực, hiệu quả quản trị địa phương.

Hoạt động quản trị của chính quyền địa phương

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chính quyền địa phương bao gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Bên cạnh việc thực thi Hiến pháp, pháp luật, ủy ban nhân dân có trách nhiệm thực hiện nghị quyết của đảng bộ, hội đồng nhân dân cùng cấp. Điều 11 Luật Chính quyền địa phương năm 2015, quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương”. Do phạm vi quản trị rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên quản trị địa phương được điều chỉnh bởi nhiều đạo luật khác nhau, như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Quy hoạch, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở… Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”…, cho phép thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách phát triển đặc thù với một số địa phương.

Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử có vai trò quan trọng trong quản trị địa phương. Vấn đề này được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, các tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân tỉnh “trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề mang tính địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương”(8). Hội đồng nhân dân có thẩm quyền ban hành nghị quyết, quyết định về các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo, thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc giám sát thực hiện Hiến pháp, luật pháp và các nghị quyết trên đây thuộc chức năng, nhiệm vụ của hội đồng nhân dân. Trên cơ sở nghị quyết của đảng bộ địa phương, hội đồng nhân dân là chủ thể tiến hành hoạch định mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…; thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát hoạt động quản trị của chính quyền địa phương.

Trong cơ cấu chính quyền, ủy ban nhân dân là thiết chế có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hoạt động quản trị địa phương. “Quản trị nhà nước ở địa phương hay nói cách khác là quản trị của chính quyền địa phương là một phần của quản trị địa phương”(9). Chất lượng, hiệu quả quản trị nhà nước, cung ứng dịch vụ công của chính quyền cấp tỉnh,… được đánh giá dựa trên các chỉ số như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX)... Ủy ban nhân dân có trách nhiệm triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghị quyết của đảng bộ địa phương, nghị quyết, quyết định của hội đồng nhân dân cùng cấp, dưới sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, cũng như việc giám sát của hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với chính quyền địa phương bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở cấp cơ sở, việc giám sát này được thực hiện thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và những hình thức tự quản khác. Ủy ban nhân dân là chủ thể đứng ở vị trí trung tâm, có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chức năng quản trị các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, đô thị, môi trường… Hiện nay, chính quyền các cấp tích cực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc quản trị địa phương như: tôn trọng pháp quyền, phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình…

anh tin bai

Công chức bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn nhân dân giải quyết thủ tục hành chính_Nguồn: baokhanhhoa.vn

Hoạt động quản trị địa phương của doanh nghiệp và tổ chức xã hội

Doanh nghiệp và tổ chức xã hội là những chủ thể tham gia quản trị địa phương. Nếu trước đây các chủ thể này là đối tượng quản lý của chính quyền, đến nay hai chủ thể này trở thành đối tác quản trị quan trọng của chính quyền địa phương. Chính quyền các tỉnh, thành phố đều tích cực, chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giải quyết những vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, môi trường... Hợp tác công - tư (PPP) đang được triển khai ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực với các loại hợp đồng như: xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT).

Vai trò của tổ chức xã hội trong quản trị địa phương gần đây cũng có chuyển biến tích cực. Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp “có những hoạt động thiết thực, đáng khích lệ trong việc thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, từ thiện, bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ xã hội, khỏa lấp những khoảng trống của nền kinh tế thị trường…”(10). Cùng với các tổ chức xã hội ở địa phương, nhiều tổ chức xã hội toàn quốc có chi nhánh ở các tỉnh, thành phố cũng tham gia tích cực vào các công việc, hoạt động của địa phương như: Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam…

Một số tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp cơ bản

Một số tồn tại, hạn chế

Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị địa phương là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và các địa phương. Song, hiện nay, quá trình đổi mới diễn ra còn chậm, mô hình quản trị chưa được định hình rõ nét. Một số thành phố được phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách quản trị địa phương đặc thù, nhưng mới thực hiện nên chưa đủ thời gian để đánh giá hiệu quả. Việc phân cấp, phân quyền còn khá chừng mực, chưa tạo ra sự chủ động cần thiết cho các địa phương khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế. Việc xây dựng mô hình quản trị phù hợp với đặc điểm của từng địa phương chưa được quan tâm, chú ý. “Vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức như báo cáo, xin ý kiến đối với các vấn đề đã phân quyền, phân cấp”(11).

Đảng bộ địa phương, với cơ quan thường trực là cấp ủy, ban thường vụ, là cơ quan lãnh đạo chính quyền, giữ vai trò quyết định đối với năng lực, hiệu quả quản trị địa phương, song sự phối hợp giữa cấp ủy và các chủ thể tham gia quản trị khác chưa được chặt chẽ. Nghị quyết của đảng bộ địa phương là văn kiện hoạch định đường lối, mục tiêu tổng thể phát triển địa phương, song do thiếu sự phối hợp cần thiết giữa các chủ thể quản trị trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo nên một số nghị quyết còn đề ra mục tiêu, yêu cầu chưa phù hợp so với trình độ, năng lực, nguồn lực quản trị địa phương. Do đó, việc đưa nghị quyết vào cuộc sống còn gặp những khó khăn nhất định. Đây là vấn đề chung đối với tất cả các cấp quản trị địa phương.

Chất lượng ban hành nghị quyết, kỳ họp và giám sát của hội đồng nhân dân còn hạn chế, có mặt chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Tình trạng quản lý đất đai, quy hoạch yếu kém còn xảy ra ở số địa phương. Hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước trên một số lĩnh vực, như tài nguyên, đất đai, quy hoạch, đầu tư công còn có những hạn chế, bất cập. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, thiếu minh bạch, lợi ích nhóm,… chưa được khắc phục triệt để. Công tác tiếp dân, tiếp thu ý kiến, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được quan tâm sâu sắc…

Những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản

Để phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả quản trị, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng mô hình quản trị địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa vùng, miền; đổi mới, nâng cao năng lực quản trị nội bộ của đảng bộ địa phương các cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc hoạch định mục tiêu phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đặc biệt là ở các đô thị lớn, các tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của đảng bộ địa phương phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương; phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chủ thể trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết; tăng cường phối hợp, tương tác giữa cấp ủy với các chủ thể quản trị, đưa nghị quyết vào cuộc sống; đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nhân sự có đủ phẩm chất, năng lực quản trị, tinh thần trách nhiệm tham gia, thực hiện những nhiệm vụ quản trị quan trọng, cấp thiết; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, kỳ họp và giám sát của hội đồng nhân dân; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; tiếp thu, lấy ý kiến cử tri về những công việc quan trọng của địa phương như: sáp nhập đơn vị hành chính, thực hiện dự án có diện tích đất đai rộng, khai thác tài nguyên, khoáng sản…

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế; dân chủ, công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền địa phương; nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị đất đai; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; thu hẹp khoảng cách quyền lực; nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực công; chủ động thực hiện trách nhiệm giải trình; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, kỹ năng quản trị của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ năm, đổi mới phương thức giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; tập trung giám sát, phản biện những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, cấp thiết của địa phương, như: năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Thứ sáu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giữa các loại hình doanh nghiệp với nguồn lực công; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực phối hợp, tương tác của doanh nghiệp với các chủ thể quản trị địa phương khác; tăng cường đối thoại, mở rộng hình thức hợp tác công - tư; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đề xuất, phản biện chính sách.

Thứ bảy, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao tính độc lập, tự chủ, trình độ, năng lực quản trị của các tổ chức xã hội; khuyến khích, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong việc thực hiện một số loại dịch vụ công cộng; phát huy năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội, vận động chính sách của các tổ chức xã hội./.

-------------------------

(1) Đào Bảo Ngọc: “Mô hình quản trị địa phương ở một số quốc gia châu Âu”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số tháng 12-2013, tr. 34
(2) United Nations Development Programme: “Local Governance and Decentralization: Programme Experiences and Views from the Field” (Tạm dịch: Quản trị địa phương và Phân quyền: Kinh nghiệm chương trình và những cách nhìn), UNDP, 2009, tr. 18
(3) Xem: Nguyễn Văn Thôi: “Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-12-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824506/nhung-van-de-co-ban-ve-doi-moi-quan-tri-quoc-gia-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx
(4) United Nations Development Programme: “Local Governance and Decentralization: Programme Experiences and Views from the Field” (Tạm dịch: Quản trị địa phương và Phân quyền: Kinh nghiệm chương trình và những cách nhìn), Tlđd, tr. 6
(5) Xem: Đào Thị Thanh Thủy: “Quản trị địa phương - phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, ngày 6-2-2016, https://tcnn.vn/news/detail/32141/Quan_tri_dia_phuong_phuong_thuc_nang_cao_chat_luong_hieu_qua_hoat_dong_cua_chinh_quyen_dia_phuongall.html
(6) Xem: Nguyễn Văn Thôi: “Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay”, Tlđd
(7) Nguyễn Đăng Dung - Phạm Hồng Thái - Lã Khánh Tùng - Vũ Công Giao (đồng chủ biên): Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2012, tr. 391
(8) Xem: Văn Chúc, Thọ Lan, Quang Hòa và Vương Dũng: “Nâng cao năng lực, hiệu lực của cơ quan dân cử tại địa phương”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 15-3-2023, https://nhandan.vn/nang-cao-nang-luc-hieu-luc-cua-co-quan-dan-cu-tai-dia-phuong-post742963.html
(9) Xem: Nguyễn Đặng Phương Truyền: “Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, ngày 17-11-2021, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210918
(10) Xem: Nguyễn Văn Thôi: “Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay”, Tlđd
(11) Xem: Nguyễn Duy Thăng: “Thực trạng và định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, ngày 5-1-2022, https://tcnn.vn/news/detail/53227/Thuc-trang-va-dinh-huong-doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-chinh-quyen-dia-phuong-o-Viet-Nam.html

Nguồn: tapchicongsan.org.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập