image banner
Thực trạng và giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 3200


Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, mặc dù công tác tuyên truyền và sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được thực hiện tích cực, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra ở một số nơi mà trình độ dân trí cũng như cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống còn lạc hậu.

Để giảm thiểu tình trạng trên, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu, trong đó có việc chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều địa phương đã sớm chỉ đạo đưa tiêu chí không tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào quy định trong hương ước các dòng họ và quy ước thôn, bản. Tỉnh ủy cũng ban hành Chỉ thị số 33 -CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số huyện trên địa bàn tỉnh đã ban hành nghị quyết về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà. Việc thực hiện tuy đã có một số kết quả bước đầu, tuy nhiên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tiếp tục xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, thành phố từ năm 2015 đến tháng 3 năm 2019 toàn tỉnh có 2.204 trường hợp tảo hôn (riêng 3 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn có 112 trường hợp); trong đó tỷ lệ tảo hôn đối với nam chiếm khoảng 40%, nữ chiếm 60%, phổ biến từ 16-19 tuổi đối với nam, từ 15-17 tuổi đối với nữ, cá biệt có cả học sinh cấp 2. Về thành phần dân tộc: dân tộc Mông chiếm 80%, dân tộc Nùng chiếm 8%, dân tộc Dao chiếm 7%, dân tộc Tày chiếm 2% ( các dân tộc ít người khác: Phù Lá, Giáy, Hà Nhì, Bố Y: 3 người, Thu Lao, Xa Phó chiếm 3%). Tình trạng tảo hôn xảy ra ở cả 8/9 huyện, thành phố trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là: huyện Mường Khương (454 người), Bát Xát (363 người), Si Ma Cai (321 người).

Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Theo thống kê từ năm 2015 đến tháng 3 năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 44 cặp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó dân tộc Mông :40 cặp; dân tộc Dao: 02 cặp; dân tộc Nùng: 02 cặp. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra tại 5 huyện; trong đó huyện Sa Pa 24 cặp, huyện Bắc Hà 10 cặp, huyện Si Ma Cai 02 cặp, huyện Văn Bàn 02 cặp, huyện Bát Xát 02 cặp.

Trước thực trạng trên, để công tác loại trừ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các nhà trường, tổ chức đoàn thể, nhất là cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng, bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ về hôn nhân và gia đình, về phòng, chống tảo hôn vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chương trình,  kế hoạch hoạt động hàng năm của chính quyền và các đoàn thể tại địa phương.

Thứ hai: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án “ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 33 –CT/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 158-KH/TU của Tỉnh ủy về tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020…

Thứ ba: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp pháp luật về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình trong trường học. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động văn hóa, lễ hội cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, các câu lạc bộ, cả tổ, nhóm. Phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện Luật hôn nhân và gia đình và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Thứ tư: Xây dựng, đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em…vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, bản văn hóa.

Thứ năm: Tăng  cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên, công chức, cán bộ xã, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, người có uy tín để gia đình, người thân vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống./.
 
Tác giả: Đặng Thị Hồng 
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập